Doanh nghiệp FDI lợi nhuận khủng, đóng thuế ‘bèo’

20/10/2018 10:45 GMT+7

Khu vực doanh nghiệp có vốn nước ngoài (FDI) tạo ra lợi nhuận lớn nhất so với các loại hình doanh nghiệp khác, song đóng góp vào ngân sách lại đứng chót bảng.

Số liệu Tổng cục Thống kê công bố tuần qua cho thấy, tổng lợi nhuận trước thuế của các thành phần doanh nghiệp (DN) năm 2017 đạt 876.700 tỉ đồng. Trong đó, DN FDI tạo ra lợi nhuận trước thuế lớn nhất, đạt hơn 384.100 tỉ đồng, chiếm gần 44% tổng lợi nhuận toàn bộ DN, cao gần gấp đôi khu vực DN nhà nước (lợi nhuận trước thuế 200.900 tỉ đồng); còn DN tư nhân có lợi nhuận trước thuế là 291.600 tỉ đồng. Trong khi đó, khu vực FDI chỉ đóng góp vào ngân sách nhà nước 265.700 tỉ đồng, chiếm 28%; khu vực DN nhà nước đóng 291.600 tỉ đồng và khu vực DN tư nhân đóng góp nhiều nhất: 407.600 tỉ đồng.
Chỉ nhập về bán cũng lỗ hàng ngàn tỉ đồng
Không chỉ đóng thuế thấp mà nhiều DN FDI báo lỗ triền miên. Khảo sát hằng năm của Phòng Thương mại - Công nghiệp VN (VCCI), có khoảng 40 - 50% DN FDI tại VN kê khai lỗ; còn theo Bộ Tài chính, tỷ lệ này từ 44 - 51%. Trong đó, nhiều DN lỗ liên tục trong nhiều năm, lỗ đến âm luôn phần vốn đầu tư ban đầu, nhưng vẫn hoạt động và mở rộng đầu tư. Cơ quan thuế từng đưa các DN này vào danh sách nghi án chuyển giá.
Trong đó, dẫn đầu bảng vẫn là Coca Cola VN. Đầu tư vào VN năm 1998, Coca Cola VN liên tục báo lỗ và chính thức có lãi nhẹ trong 3 năm gần đây. Đáng nói là nhóm hàng giải khát được “định vị” ngành siêu lợi nhuận, doanh thu cao, nhưng lợi nhuận DN luôn có tỷ suất cực thấp. Coca Cola VN đến năm 2014 có doanh thu hơn 6.000 tỉ đồng, vẫn báo lỗ nên khỏi đóng thuế. Ba năm gần đây (2015 - 2017), công ty này doanh thu trên dưới 7.000 tỉ đồng, tỷ suất lợi nhuận chỉ đạt 1,2 - 2%. Số liệu từ cơ quan thuế cho thấy, từ khi vào VN đến nay, Coca Cola VN có doanh thu hàng chục ngàn tỉ đồng, nằm trong top đầu về thị phần nước giải khát VN, song tổng số thuế thu nhập DN đến hết 2017 chỉ khoảng 300 tỉ đồng, năm 2017 là hơn 86 tỉ đồng.
Đầu tư ít hơn, lợi nhuận cao hơn, đóng thuế ít hơn khu vực doanh nghiệp trong nước, rõ ràng đây là một nghịch lý nguy hiểm cho nền kinh tế
Tiến sĩ Bùi Trinh
Công ty sản xuất lỗ, nhiều công ty nhập khẩu và phân phối độc quyền cũng lỗ. Đơn cử như Công ty 3A, thống trị cả thị trường sữa ngoại phục vụ bà bầu, người lớn, trẻ em như: Similac, Ensure, Grow, Pediasure...; doanh số năm 2013 lên 7.000 tỉ đồng, thuế cũng chỉ mới đóng hơn 45 tỉ đồng (chiếm hơn 0,6% tỷ suất thuế trên doanh thu). Tuy nhiên, từ 2014 đến nay, doanh thu của 3A đạt gần 10.000 tỉ đồng nhưng "ông lớn" này báo lỗ nên không đóng đồng thuế thu nhập DN nào.
Thậm chí lĩnh vực bất động sản, nhiều nhà đầu tư ngoại cũng báo lỗ như Keangnam Vina, công ty bất động sản 100% vốn của Hàn Quốc. Mặc dù giá căn hộ được rao bán của dự án ở Hà Nội cách đây 10 năm đã lên đến 7 - 8 tỉ đồng/căn, nhưng cuối năm nào công ty này cũng báo lỗ. Khi cơ quan thuế vào cuộc, DN thừa nhận hành vi chuyển giá và điều chỉnh lại lợi nhuận, thuế sau đó, bị truy thu thuế hơn 95 tỉ đồng trong mảng kinh doanh căn hộ.
Ưu đãi quá mức và trốn thuế
TS Bùi Trinh, chuyên gia kinh tế lưu ý, ngay chính con số 265.700 tỉ đồng mà DN FDI đóng vào ngân sách trong năm qua cũng chưa phải là thuế trực thu mà một phần lớn trong đó là thuế gián thu. Khoản thuế gián thu về bản chất không phải của khu vực FDI đóng góp mà chính là khoản người dân VN đóng góp vào ngân sách thông qua tiêu dùng sản phẩm của khu vực FDI.
Dẫn số liệu mới nhất điều tra DN 5 năm trong giai đoạn 2011 - 2016, TS Bùi Trinh cho rằng, khu vực kinh tế FDI có lợi nhuận trước thuế cao hơn khu vực ngoài nhà nước hơn 181%. Lợi nhuận này đã khai báo với cơ quan thuế, tức là đã trừ đi các khoản chi phí nguyên nhiên vật liệu, máy móc thiết bị nhập khẩu có thể bị nâng giá trị (chuyển giá) để làm giảm lợi nhuận, tránh thuế thu nhập DN. Như vậy, thực tế lợi nhuận của khu vực FDI có thể còn cao hơn số báo nhiều. Trong khi đó, thuế và các khoản nộp ngân sách của khu vực FDI chỉ bằng 81% khu vực ngoài nhà nước. Đầu tư ít hơn, lợi nhuận cao hơn, đóng thuế ít hơn khu vực DN trong nước, rõ ràng đây là một nghịch lý nguy hiểm cho nền kinh tế.
Đồng quan điểm, chuyên gia Lê Đăng Doanh cho rằng ngoài đóng góp tích cực của khu vực FDI, đến nay khu vực này đang bộc lộ những vấn đề quan ngại, ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế hiện nay như: trốn thuế, chuyển giá, lỗ giả, lãi thật... Phổ biến nhất có lẽ là hiện tượng chuyển giá. Bằng nhiều hình thức hết sức tinh vi, họ báo lỗ triền miên gây thất thu lớn cho nhà nước, tạo ra sự cạnh tranh không lành mạnh với DN trong nước.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.