Doanh nghiệp nông nghiệp kết hợp điện mặt trời mái nhà than ‘chết’ vì cơ chế

05/08/2020 14:28 GMT+7

Mô hình đầu tư sản xuất nông nghiệp kết hợp sản xuất điện mặt trời mái nhà đã xuất hiện hơn 1 năm qua nhưng Bộ Công thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam chưa có văn bản hướng dẫn, doanh nghiệp chịu thiệt hại.

Công ty TNHH MTV thương mại tổng hợp CAS (Công ty CAS), có trụ sở tại Đà Nẵng, vừa có văn bản gửi Văn phòng Chính phủ, Bộ Công thương, Bộ NN-PTNT, Bộ KH-CN, Bộ TN-MT và Bộ LĐ-TB-XH đề nghị kiểm tra xem xét hiện tượng “bạc đãi, phân biệt đối xử đối với hoạt động sản xuất nông nghiệp trong các dự án năng lượng mặt trời mái nhà”.
Trong văn bản này, bà Nguyễn Phạm Cẩm Tú, Giám đốc Công ty CAS, cho biết từ năm 2017 đến nay, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều quyết định về cơ chế khuyến khích phát triển các dự án năng lượng điện mặt trời tại Việt Nam. Theo tinh thần các quyết định này, từ năm 2019, Công ty CAS và nhiều doanh nghiệp khác đã đầu tư tiền lắp đặt hệ thống điện mặt trời trên mái nhà (ĐMTMN) của các trang trại nông nghiệp chăn nuôi tại Ninh Thuận, vừa tự phục vụ nhu cầu và phát lên lưới bán điện cho Tập đoàn Điện lực (EVN). Dù mô hình này được đánh giá có nhiều ưu điểm như khuyến khích các nhà đầu tư nông nghiệp sản xuất năng lượng tái tạo, bổ sung tình trạng thiếu điện toàn quốc, hỗ trợ tạo thêm việc làm cho người dân nhưng đang bị một số đơn vị nhà nước gây khó dễ.
Trao đổi thêm với Thanh Niên, bà Nguyễn Phạm Cẩm Tú cho biết, tại Ninh Thuận, doanh nghiệp đã đầu tư hàng tỉ đồng lắp đặt ĐMTMN trên 4 dự án nông nghiệp nhưng gần 1 năm nay chưa thể ký hợp đồng mua bán điện với EVN. Ngoài ra, tại Ninh Thuận cũng đang có hàng chục dự án của nhiều doanh nghiệp khác đã được gắn đồng hồ, ghi nhận sản lượng nhưng chưa được ký hợp đồng và thanh toán tiền điện bởi EVN chưa xác định được điện mặt trời tại các dự án này là ĐMTMN hay không?
Theo phản ánh cuả Công ty CAS, Quyết định số 13/2020 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế khuyến khích điện mặt trời ở Việt Nam, thay thế Quyết định 11/2020 nêu rõ: “Hệ thống ĐMTMN là hệ thống điện mặt trời có các tấm quang điện được lắp đặt trên mái nhà của công trình xây dựng”. Quy định này không yêu cầu các tấm quang điện phải được lắp đặt trên tấm lợp mái nhà.
Tuy nhiên, các công ty điện lực thuộc EVN lại đưa ra yêu cầu bổ sung tấm lợp kim loại dưới các tấm điện quang thì mới ký hợp đồng mua bán điện. “Cách hiểu này đã không đúng với tinh thần của Quyết định 13/2020 của Thủ tướng Chính phủ, đồng thời phản khoa học khi tiêu hao thêm tài nguyên và tăng chi phí cho doanh nghiệp”, bà Tú nói và cho biết, doanh nghiệp đã nhiều lần có văn bản đến các cơ quan chức năng nhưng đã có sự đùn đẩy cách giải quyết giữa EVN và Bộ Công thương. Trong đó, EVN cho rằng khái niệm “trên mái nhà của công trình xây dựng" chưa rõ ràng nên cần phải có hướng dẫn từ Bộ Công thương.
Phá sản vì cơ chế trước khi vì Covid-19
Đáng chú ý, đại diện Công ty CAS bày tỏ, trong khi ngành điện cho rằng các tấm pin quang điện đặt trên hệ khung, kèo, không có tấm lợp thì không được coi là ĐMTMN thì ngược lại rất nhiều công trình hiện của chính các đơn vị trong ngành của EVN thực hiện đầu tư theo cách này.
Doanh nghiệp dẫn chứng: tại trụ sở của Tổng công ty Điện lực TP.HCM, Công ty Điện lực Ninh Thuận, Bà Rịa  -Vũng Tàu, Tây Ninh các tấm pin ở đây được lắp trên hệ thống khung giá đỡ, không phải áp vào mái nhà đều được coi là ĐMTMN. Thậm chí, công trình ĐMTMN  lắp trên nhà xe của Green Square Bình Dương đã được nhận giải Tòa nhà hiệu quả năng lượng của Bộ Công thương…
Từ đó, doanh nghiệp cho rằng, ngoài cách hiểu máy móc về Quyết định 13/2020 của Thủ tướng Chính phủ, EVN và các công ty điện đã để xảy ra hiện tượng phân biệt đối xử với các doanh nghiệp và người dân sản xuất nông nghiệp. “Tình trạng này đã và đang đẩy chúng tôi vào thế khó, lâm vào bờ vực phá sản, không phải do dịch bệnh Covid-19 mà do cách hiểu về cơ chế, chính sách”, bà Nguyễn Phạm Cẩm Tú nói.
Trao đổi với Thanh Niên ngày 5.8, một lãnh đạo EVN cho biết, trong thời gian qua đã nhận được kiến nghị của Công ty CAS và một số nhà đầu tư tại Ninh Thuận cũng như một số địa phương khác về vướng mắc trong việc ký hợp đồng mua bán điện đối với các dự án.
“Chúng tôi đã có văn bản đề nghị Bộ Công thương xem xét, sớm hướng dẫn các tiêu chí xác định cụ thể, theo dự kiến thì chiều hôm nay (5.8 - PV) Bộ Công thương sẽ họp xem xét về việc này”, vị này nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.