Bên cạnh hàng loạt các doanh nghiệp đạt lãi khủng và thậm chí vượt kế hoạch lợi nhuận năm thì vẫn có các đơn vị bị thua lỗ. Trong đó có những công ty nhiệt điện, thủy điện và thậm chí cả sản xuất thép.
tin liên quan
Nhiều doanh nghiệp cán đích lợi nhuận nămMưa cũng là một trong những nguyên nhân gây thua lỗ của Công ty cổ phần thép Việt Ý (VIS). Trong khi nhiều doanh nghiệp thép báo lãi thì công ty này tiếp tục báo lỗ trong quý 3 lên 64,4 tỉ đồng dù cùng kỳ năm trước vẫn đạt lợi nhuận gần 36 tỉ đồng. Lũy kế 9 tháng năm nay, VIS thu về gần 3.856,7 tỉ đồng doanh thu nhưng lợi nhuận bị âm 130,6 tỉ đồng. Theo giải trình từ phía công ty, nguyên nhân thua lỗ là do quý 3 thời tiết mưa nhiều khiến phần lớn các công trình xây dựng dừng thi công hoặc hoạt động cầm chừng. Mặt khác thị trường xuất khẩu giảm sút do phải đối mặt với hàng loạt vụ điều tra chống bán phá giá, tự vệ, trợ cấp do nước ngoài khởi xướng... Tất cả các nguyên nhân này đã làm cho kết quả tiêu thụ thép trong quý 3 giảm mạnh.
Công ty cổ phần Nhiệt điện Quảng Ninh (QTP) là một gương mặt mới trong danh sách thua lỗ lần này với doanh thu quý 3.2018 vẫn đạt 1.503 tỉ đồng nhưng giá vốn cao hơn và nhiều chi phí khác nên bị âm hơn 311,4 tỉ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước công ty có lãi hơn 418 tỉ đồng. Tuy nhiên, nhờ nửa đầu năm có lãi mà lũy kế hết tháng 9, Nhiệt điện Quảng Ninh chỉ còn lỗ hơn 35,2 tỉ đồng –cách rất xa mục tiêu lãi trước thuế hơn 350,7 tỉ đồng trong cả năm. Cổ phiếu QTP cũng đang giao dịch trên sàn UPCoM và đứng ở mức 8.800 đồng.
Tương tự, Công ty cổ phần Thủy điện miền Trung (CHP) cũng báo lỗ gần 26 tỉ đồng trong quý 3 vừa qua dù cùng kỳ năm trước vẫn có lãi hơn 67 tỉ đồng. Tính chung sau 9 tháng, CHP đạt doanh thu 215 tỉ đồng nhưng bị lỗ 44,7 tỉ đồng trong khi cùng kỳ năm 2017 vẫn lãi hơn 265 tỉ đồng. Cổ phiếu CHP đang giao dịch trên sàn TP.HCM với giá 22.500 đồng.
Danh sách lỗ vẫn tiếp tục có mặt của một trong 12 đại dự án thua lỗ của ngành công thương là Công ty cổ phần Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc (DHB). Trong quý 3 vừa qua, doanh thu của DHB tăng 34% và đạt gần 800 tỉ đồng, lợi nhuận gộp đạt 171 tỉ đồng nhưng nhiều loại chi phí, đặc biệt là lãi vay cao khiến doanh nghiệp này tiếp tục báo lỗ hơn 99,3 tỉ đồng. Tính chung đến hết tháng 9, lỗ của Đạm Hà Bắc gần 266 tỉ đồng, thấp hơn so với số lỗ 480 tỉ đồng của cùng kỳ năm trước. Lũy kế đến cuối tháng 9.2018, DHB bị âm trong kinh doanh lên gần 2.600 tỉ đồng, sắp ăn mòn gần hết vốn góp chủ sở hữu. Cổ phiếu DHB đang giao dịch trên UPCoM với giá 3.700 đồng nhưng cũng nhiều phiên bị mất thanh khoản.
Bình luận (0)