Tuy nhiên, theo số liệu của Tổng cục Đường bộ VN, dự án thu phí tự động không dừng giai đoạn 1 (BOO1) có mục tiêu triển khai hệ thống thu phí tự động không dừng tại 44 trạm với tổng số 620 làn. Trong số này, Công ty TNHH thu phí tự động VETC lắp đặt 27 trạm với tổng số 187 làn, còn lại 17 trạm do các nhà đầu tư tự lắp đặt và kết nối vào hệ thống chung. Trong đó, Tổng công ty đầu tư và phát triển đường cao tốc VN (VEC) phải lắp đặt 242 làn nhưng đến nay VEC vẫn đang “nợ” gần 200 làn chưa lắp đặt, lý do… chưa xong thủ tục đấu thầu.
Hiện Công ty Phương Thành (chủ đầu tư dự án Pháp Vân - Cầu Giẽ) đã lắp đặt xong hệ thống ETC tại 44 làn thu phí, nhưng vẫn phải… chờ VEC chưa triển khai thu phí tự động được. Ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ, cho hay với trường hợp VEC, Bộ GTVT đã báo cáo Chính phủ xin ý kiến chỉ đạo. Theo ông Huyện, khi các trạm đều áp dụng thu phí tự động, kết nối xuyên suốt cùng hệ thống, tỷ lệ người dân dán thẻ và sử dụng thẻ E-tag cũng sẽ tự động tăng lên khi nhận thấy thuận lợi của thu phí tự động.
Trả lời Thanh Niên, đại diện một doanh nghiệp (DN) đang thực hiện việc lắp đặt hệ thống thu phí tự động cho các DN BOT cho biết chủ trương nhân rộng mô hình thu phí không dừng của Chính phủ gặp khó đến từ sự “lệch pha” giữa mệnh lệnh hối thúc các trạm BOT lắp đặt hệ thống kỹ thuật và việc tuyên truyền, khuyến khích người dân sử dụng.
Cụ thể, người dân đang có thói quen dùng tiền mặt, nếu thu phí không dừng không có lợi về mặt tài chính thì rất khó để người dân chuyển đổi. Trong khi đó, một hệ thống thu phí của VETC hiện nay có giá khoảng 1.800 tỉ đồng. Số tiền đầu tư rất lớn nhưng lượng phương tiện sử dụng quá ít, đồng nghĩa với tiền chủ phương tiện nộp vào tài khoản thấp, không đủ bù chi phí cho đơn vị lắp đặt. Do đó, các DN rất e ngại. Cũng chính vì chịu lỗ, hiện VETC đang dần cắt giảm khoản hoa hồng dành cho đơn vị đăng kiểm khi thực hiện dán thẻ E-tag cho phương tiện, khiến các trạm đăng kiểm không mấy mặn mà, cơ hội tiếp cận của người dân ngày càng thấp.
Cũng theo vị này, việc các DN này chần chừ, nguyên nhân lớn nhất đến từ sự không công bằng giữa quyền lợi của cơ quan quản lý, quyền lợi của người dân và DN. Theo đó, hợp đồng PPP ký giữa DN và nhà nước trước đây không tính đến khoản chi phí lắp đặt và vận hành thu phí không dừng. Nay muốn thay đổi phải điều chỉnh hợp đồng, nếu không sẽ rất thiệt cho nhà đầu tư. Trong khi đó, chủ trương hiện nay của Bộ GTVT là không cho nâng giá vé theo lộ trình đã ký trong hợp đồng.
Không đồng tình với cách lý giải này, TS Phạm Văn Hùng, Phó phân viện trưởng Phân viện Khoa học công nghệ giao thông vận tải phía nam, khẳng định chi phí đầu tư hệ thống thu phí tự động không dừng thuộc trách nhiệm của chủ đầu tư BOT. Theo đó, chi phí lắp đặt, vận hành hệ thống này sẽ thay cho chi phí thuê nhân công đếm tay thu tiền, thuê bảo vệ túc trực, vận hành cần gạt… đã được DN tính toán trước đó.
“Không thể kêu gọi người dân sử dụng một dịch vụ chưa hoàn thiện, chưa tiện lợi. Trách nhiệm của nhà nước là đồng bộ hệ thống thu phí không dừng xuyên suốt, đơn giản tối đa thủ tục dán thẻ, thủ tục kết nối ngân hàng, tạo ra dịch vụ tốt, hoàn chỉnh. Thủ tướng đã có chỉ đạo quyết liệt, các DN không thể lấy lý do để lần lữa, chần chừ. Cứ đến hẹn DN nào không đáp ứng được thì dừng, không được thu nữa”, ông Hùng nói thẳng.
Bình luận (0)