Doanh nghiệp vẫn phập phồng vì thuế

28/11/2020 09:32 GMT+7

Quy định tạm nộp thuế thu nhập doanh nghiệp 3 quý không thấp hơn 75% trong năm được tính từ năm 2021 khiến các doanh nghiệp thất vọng trầm trọng.

Việc áp dụng quy định từ năm 2021 được Tổng cục Thuế thông tin tại buổi đối thoại với doanh nghiệp do Phòng Thương mại và Công nghiệp VN phối hợp với Bộ Tài chính tổ chức sáng 27.11. Trước đó, nhiều ý kiến chuyên gia, doanh nghiệp đã phân tích cho thấy sự bất hợp lý của quy định này.

Tính tiền chậm nộp trên số thuế chênh lệch

Cụ thể, khoản 6, điều 8, Nghị định số 126/2020 hướng dẫn thi hành luật Quản lý thuế (gọi tắt NĐ 126) quy định “Tổng số thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) đã tạm nộp của 3 quý đầu năm tính thuế không được thấp hơn 75% số thuế TNDN phải nộp theo quyết toán năm. Trường hợp người nộp thuế nộp thiếu so với số thuế phải tạm nộp 3 quý đầu năm thì phải nộp tiền chậm nộp tính trên số thuế nộp thiếu kể từ ngày tiếp sau ngày cuối cùng của thời hạn tạm nộp thuế TNDN quý 3 đến ngày nộp số thuế còn thiếu vào ngân sách nhà nước”. Theo các chuyên gia và doanh nghiệp (DN), trong môi trường kinh doanh biến động, có thể có trường hợp kết quả kinh doanh trong quý 4 không tốt, kết quả kinh doanh cả năm thấp hơn kết quả kinh doanh lũy kế đến hết quý 3.

Sẽ trình những giải pháp hỗ trợ DN bị ảnh hưởng dịch Covid-19

Liên quan những chính sách hỗ trợ DN bị ảnh hưởng từ dịch Covid-19 có được tiếp tục vào năm tới hay không, bà Vũ Thị Mai - Thứ trưởng Bộ Tài chính, cho hay về quy định gia hạn tiền thuế và tiền thuê đất sẽ kết thúc vào cuối năm. Tùy theo diễn biến tình hình dịch như thế nào, Bộ Tài chính rà soát, xem xét các chính sách hỗ trợ người nộp thuế để trình Chính phủ có những giải pháp tiếp theo.
Như vậy, kể từ thời điểm 30.10 hằng năm, DN đã nộp thừa thuế và NĐ 126 hiện tại không có cơ chế để DN nhận lại số thuế tạm nộp đã nộp thừa. DN phải bù trừ số thuế nộp thừa với các nghĩa vụ thuế của năm sau hoặc chờ 6 tháng không phát sinh nghĩa vụ thuế mới được xin hoàn theo các thủ tục phức tạp. Như vậy là thiệt thòi cho họ. Chưa kể, quy định này cũng không phù hợp với quy trình kinh doanh của DN. Bởi tại thời điểm kết thúc 3 quý đầu năm (30.9), DN còn tiếp tục kinh doanh 90 ngày nữa, hơn thế đây còn là khoảng thời gian kinh doanh cao điểm trong năm, nhiều dịp lễ, tết quan trọng, biến động chi phí lương, thưởng... nên họ không thể có cơ sở để xác định kết quả kinh doanh và nghĩa vụ thuế của cả năm.
Dịch bệnh, thiên tai và có những biến động bất thường nên việc đoán trước doanh thu và lợi nhuận để ra số thuế phải nộp của cả năm là điều không tưởng. Với các phân tích xác đáng như vậy, khẳng định của Tổng cục Thuế như trên khiến cộng đồng DN thất vọng. Đại diện một DN đến từ tỉnh Khánh Hòa đặt câu hỏi, NĐ 126 có hiệu lực từ ngày 5.12, nay đã qua thời điểm quý 3 để thực hiện, vậy DN có bị tính tiền chậm nộp hay không? Ông Đặng Ngọc Minh - Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, trả lời quy định này sẽ được thực hiện cho kỳ quyết toán thuế năm 2021 chứ chưa tính cho năm 2020. Năm sau, trường hợp DN 3 quý nộp 65%, thấp hơn 75% theo như quy định thì số tiền chênh lệch 10% này sẽ được tính tiền chậm nộp.

Cần nuôi dưỡng nguồn thu

Trao đổi ngoài hội nghị, ông Đặng Ngọc Minh thừa nhận, sự điều chỉnh này xuất phát từ đặc thù ngân sách rất khó khăn, trong đó tiến độ thu ngân sách có ý nghĩa quan trọng. Trong khi thực tế, các DN, nhất là các DN niêm yết báo cáo tài chính theo quý dù có lợi nhuận nhưng cũng chưa nộp thuế theo đúng tiến độ. Chính vì vậy, cơ quan thuế đã đề xuất thay đổi quy định để đôn đốc kịp thời các khoản thu phục vụ cho ngân sách điều hành của Chính phủ cũng như các địa phương có khó khăn.
Luật sư Trần Xoa - Công ty luật Minh Đăng Quang, phân tích trước đây tỷ lệ tạm nộp thuế thu nhập DN được đưa ra lấy ý kiến là 80% cho 4 quý, tức 3 quý tương ứng 60%. Nay sửa lại thành tạm nộp thuế 3 quý không được thấp hơn 75% số thuế năm và tính tiền chậm nộp cho mức thuế chậm nộp là đi thụt lùi. Nếu chỉ vì những trường hợp DN không chịu nộp thuế dù đã có báo cáo tài chính theo quý mà đưa ra quy định này nhằm tăng thu ngân sách là điều không hợp lý. Cơ quan thuế hoàn toàn có cơ sở xử lý đối với những DN này. “Không thể vì ngân sách khó khăn mà áp dụng một quy định có thể dẫn DN đến tình trạng nộp tiền chậm nộp như vậy. Chính sách thuế cần phải nuôi dưỡng nguồn thu”, ông Trần Xoa nói.
Ông Nguyễn Hoàng Hải, Phó chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính VN (Vafi), nhận xét đời sống DN muôn màu muôn vẻ và luôn có những bất ngờ trong hoạt động kinh doanh. Quý 1, 2 có thể lời, nhưng sang quý 3, 4 lỗ, đó là chưa kể hỏa hoạn, thiên tai, lũ lụt, dịch bệnh... khiến DN rơi vào tình trạng số thuế tạm nộp 3 quý thấp hơn 75%. Việc các DN xây dựng kế hoạch hoạt động kinh doanh, lợi nhuận và đóng thuế mỗi năm chỉ là dự kiến và họ có thể thay đổi kế hoạch trong năm. Về nguyên tắc, DN làm được bao nhiêu thì đóng thuế bấy nhiêu mới là “sòng phẳng”, việc đưa ra tỷ lệ 75% và tính tiền chậm nộp là không cần thiết, dẫn đến cơ chế “xin cho” điều chỉnh số thuế tạm nộp. Thuế thu nhập DN năm được thực hiện quyết toán vào cuối năm, cũng chỉ thời điểm đó DN mới biết được lời lỗ của năm như thế nào. "Tôi thấy rằng, hầu hết các DN niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán thực hiện nghiêm túc việc báo cáo tài chính, chấp hành tốt nghĩa vụ thuế. Không nên lấy đó làm lý do để áp dụng các quy định bất hợp lý như thế này", ông Hải nhấn mạnh.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.