Doanh nghiệp Việt nói về ‘cơ’ trong ‘nguy’

14/10/2020 06:45 GMT+7

Không chỉ kiên cường phòng chống, cộng đồng doanh nghiệp còn chủ động nắm bắt cơ hội, biến nguy thành cơ... chèo lái con thuyền của mình vượt qua bão tố.

Đó là điều mà chúng tôi thấy được trong cuộc khảo sát nhanh khi thực hiện ấn phẩm Đặc san Doanh nhân, như một lời tri ân nhân ngày Doanh nhân Việt Nam 13.10.
Cái được lớn nhất của du lịch là sự đoàn kết

Dùng từ “cơ hội” thì có lẽ chưa chuẩn nhưng sau đại dịch Covid-19, ngành du lịch Việt Nam chắc chắn sẽ thay đổi khá mạnh. Trải qua đợt khó khăn kéo dài, khủng khiếp chưa từng có tiền lệ, ngành du lịch Việt Nam tuy phải chịu những hậu quả nghiêm trọng nhưng lại cho thấy rất nhiều ưu điểm, “tính cách” tích cực. Nổi bật nhất là sự đoàn kết. Sau cả 2 đợt dịch bùng phát hồi đầu năm và tháng 7 tại Đà Nẵng, ngay khi dịch bệnh cơ bản được kiểm soát, tất cả các cấp, ngành đã nhanh chóng chung tay phát động chiến dịch Việt Nam an toàn, du lịch an toàn, cùng với cuộc kích cầu nội địa bài bản, kịp thời, giúp doanh nghiệp du lịch phần nào vượt qua khó khăn. Người dân cũng đồng lòng hưởng ứng, thấu hiểu, thông cảm cho doanh nghiệp và góp sức vực dậy ngành du lịch.
“Thuyền trưởng giỏi được sinh ra trong bão tố, còn chiến binh giỏi được sinh ra trên chiến trường”, câu nói này đã được cộng đồng doanh nghiệp Việt thể hiện rõ nhất khi đối mặt với đại dịch thế kỷ: Covid-19.
Đặc biệt, liên kết - khái niệm trước giờ luôn được nhận định là điểm yếu nhất của du lịch Việt Nam - đã được thể hiện rất tốt trong khó khăn. Các doanh nghiệp từ vận chuyển đến lữ hành, khách sạn, nhà hàng… đã cùng gắn bó, theo dõi sát tình hình dịch bệnh, bắt tay nhau vượt bão. Điều này sẽ tạo tiền đề cho các doanh nghiệp trao đổi, thấu hiểu, đoàn kết, liên kết chặt chẽ cùng xây dựng ngành du lịch Việt Nam phát triển bền vững hơn trong tương lai. Bên cạnh đó, thời gian thị trường đóng băng cũng là dịp tốt để các doanh nghiệp rà soát lại toàn bộ hoạt động kinh doanh, cải tổ hệ thống điều hành, quản lý, cách sử dụng nguồn nhân lực, xây dựng sản phẩm và sàng lọc đối tượng khách, sàng lọc lại thị trường.
Ông Trần Hùng Việt, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch TP.HCM

Doanh nghiệp cơ khí Việt cần chủ động đổi mới, cạnh tranh

Ngành cơ khí nói chung cơ bản lâu nay là ở thế yếu. Nhưng hiện nay kinh tế phát triển, nhu cầu công nghiệp phụ trợ phát triển mạnh, xu hướng dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam gia tăng. Từ đó nhu cầu các sản phẩm cơ chí, chế tạo nhiều hơn, đòi hỏi các doanh nghiệp trong nước phải chủ động, quyết tâm hơn. Đây là giai đoạn chuyển đổi khi các doanh nghiệp có vốn FDI vào Việt Nam nhiều hơn, kéo theo nhu cầu về sản phẩm của các tập đoàn.
Nhưng đây là ngành sản xuất khó, thâm dụng vốn, phải đầu tư nhiều nên vẫn cần sự hỗ trợ quyết liệt của thành phố và Chính phủ. Thực tế, thành phố và Chính phủ cũng đã có những chính sách khuyến khích phát triển công nghiệp phụ trợ, nhưng từ chính sách đến thực tiễn vẫn còn khoảng cách. Do vậy, cần phải tiếp tục thu hẹp khoảng cách đó để doanh nghiệp tiếp cận chính sách nhiều hơn.
Về phía doanh nghiệp, để gia tăng và đón đầu cơ hội trong thời gian tới, cần mạnh dạn và sự quyết tâm cao độ. Không thể ngồi im hoặc không đầu tư vì cơ hội không thể tự đến. Bản thân doanh nghiệp phải có nội lực. Quan trọng nữa là các doanh nghiệp cùng trong hiệp hội cần phải liên kết, hợp tác nhiều hơn để nâng cao sức mạnh của cộng đồng. Ngoài ra, việc thu hút vốn FDI cần lưu ý làm sao tạo ra nhiều cơ hội cho doanh nghiệp trong nước tham gia chuỗi cung ứng linh phụ kiện, qua đó không chỉ tạo việc làm mà còn từng bước giúp doanh nghiệp chuyển đổi, nâng cao công nghệ.
Ông Đỗ Phước Tống, Chủ tịch Công ty cơ khí Duy Khanh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp cơ khí - điện TP.HCM

Cơ hội lớn nhất vẫn thuộc về nông thủy sản

Theo khảo sát của Viện Nghiên cứu phát triển Mekong thì trong 3 tháng diễn ra đại dịch có ít nhất 30% hộ kinh doanh cá thể phải đóng cửa. Con số này sẽ còn tác động đến việc làm và tăng trưởng kinh tế trong thời gian tới. Nền kinh tế có thể chưa chạm đáy và may mắn tái dịch lần 2 chúng ta lại khống chế được, nhưng khó khăn vẫn còn ở phía trước. Đặc biệt, với các ngành bị ảnh hưởng nặng nề trong đại dịch như du lịch, có thể mất đến 3 năm mới phục hồi lại như xưa. Dịch cũng thay đổi hành vi đi lại của dân chúng, hết dịch rồi thì số người quen cuộc sống ở nhà vẫn sẽ gia tăng. Ngành thứ 2 cũng chưa thể có cơ hội ngay được là thời trang giày dép. Thói quen mua sắm áo quần cũng giảm đi vì dịch.
Tuy nhiên, một số ngành lại có cơ hội tăng tốc sau dịch. Đó là ngành điện tử, máy tính. Có thể do thời gian làm việc ở nhà nhiều, nhu cầu sử dụng máy tốc độ cao hơn, xuất khẩu nhóm hàng máy tính trong dịch tăng rất mạnh và dự kiến sau dịch tiếp tục tăng trưởng tốt, đặc biệt xuất sang EU và Mỹ. Nhóm hàng thứ 2 là nông sản chế biến. Có một dấu hiệu rất rõ là hàng nông sản và chế biến nông sản Việt được thị trường các nước biết đến nhiều hơn nhờ… dịch, cùng đó là hiệu ứng từ Hiệp định EVFTA được ký kết ngay trong dịch. Mặt khác, người tiêu dùng các nước ở nhà nhiều hơn, nhu cầu ăn uống nhiều hơn, mua hàng trên mạng nhiều hơn, đặc biệt các hàng chế biến nông sản châu Á, trong đó có hàng Việt Nam.
Chuyên gia kinh tế, TS Phùng Đức Tùng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển Mekong

Ngân hàng đồng hành cùng doanh nghiệp trong quá trình hồi phục

Đại dịch Covid-19 xảy đến bất ngờ nhưng Việt Nam đã có những phản ứng nhanh chóng, quyết đoán trước đại dịch, danh tiếng và uy tín của đất nước thực sự được nâng cao từ một vị thế vốn đã rất tích cực trước đó. Trong khi hầu hết các quốc gia ASEAN đang ghi nhận GDP âm thì Việt Nam vẫn được kỳ vọng sẽ có GDP dương vào năm 2020 và dự báo GDP tăng tích cực trở lại, có thể đạt mức 8%, vào năm 2021.
Ngân hàng sẽ tiếp tục đồng hành cùng khách hàng trong quá trình khôi phục, cung cấp nguồn tài chính đáp ứng những thay đổi hoạt động mà các công ty đang tìm kiếm. Cũng như các doanh nghiệp, ngân hàng cũng sẽ tiếp tục đổi mới và quá trình chuyển đổi số sẽ góp phần đơn giản hóa quy trình và thủ tục, từ đó có thể nâng cao trải nghiệm khách hàng và giảm chi phí hoạt động.
Một xu hướng khác là việc các công ty tìm cách đa dạng hóa chuỗi cung ứng đang tạo ra cơ hội cho những quốc gia như Việt Nam. Các ngân hàng quốc tế như HSBC sẽ có khả năng hỗ trợ các công ty tìm hiểu các thị trường mới và phát triển hoạt động kinh doanh tại đó.
Ông Tim Evans, Tổng giám đốc Ngân hàng HSBC Việt Nam

Cơ hội tái cấu trúc cho nhiều doanh nghiệp

Cơ hội phát triển sau đại dịch Covid-19 sẽ rất lớn nhưng không đến đồng đều cho tất cả lĩnh vực và doanh nghiệp. Mỗi ngành nghề có đặc điểm riêng, có cả lợi thế lẫn thách thức. Ví dụ như ngành du lịch và một số ngành dịch vụ đã bị ảnh hưởng nặng do dịch Covid-19 thì cơ hội còn lại những tháng cuối năm nay chủ yếu đến từ thị trường trong nước. Nhưng với tình hình kiểm soát dịch bệnh, vắc xin ngừa Covid-19 đang phát triển và Việt Nam mở lại đường bay quốc tế, kết nối lại giao thương quốc tế thì sang năm tới sẽ phục hồi tốt hơn. Nhưng chắc chắn cũng sẽ chưa thể bù đắp lại những thiệt hại vừa qua mà cần có thêm thời gian. Đối với những ngành phục vụ sản xuất hàng hóa thiết yếu thì sẽ tốt hơn nhiều. Nhiều doanh nghiệp trong ngành gỗ, vật liệu xây dựng, nhựa… cho biết doanh thu vẫn tăng trưởng kể cả trong mùa dịch Covid-19. Vì vậy, xu hướng tích cực là rõ nét. Riêng đối với các ngành xuất khẩu, nhiều hiệp định thương mại song phương, đa phương của Việt Nam đã thực hiện, nhất là EVFTA, sẽ phát huy tích cực hơn nữa trong thời gian tới...
Covid-19 tác động tiêu cực đến nhiều doanh nghiệp nhưng đã tạo ra sức ép để mọi công ty phải tái cấu trúc mạnh từ hoạt động quản trị, nguồn nhân lực, chuỗi cung ứng và kể cả đối tác. Từ đó, tạo ra xu hướng liên kết chuỗi, hợp tác giữa các doanh nghiệp trong nước nhiều hơn và đây là một ưu điểm để gia tăng sức cạnh tranh của cộng đồng doanh nghiệp.
Ông Chu Tiến Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM

Hàng không sẽ bật dậy mạnh mẽ

Đại dịch Covid-19 như một cơn “đại hồng thủy” càn quét thị trường hàng không toàn thế giới. Với tốc độ quá nhanh, quá khắc nghiệt, không một hãng hàng không nào có thể chống đỡ hiệu quả. Ngành hàng không sau đại dịch như một đống ngổn ngang, dự báo phải tới sau 2021 mới có thể phục hồi. Tuy nhiên, tốc độ phát triển sau đó sẽ rất nhanh, nhanh hơn cả giai đoạn 2018 - 2019. Vì sao? Thứ nhất, một số quốc gia cũng đã bắt đầu kiểm soát được dịch bệnh, nối lại giao thương và vắc xin cũng đã được thử nghiệm trên người; đồng thời, sau thời gian bàng hoàng, sợ hãi kéo dài, người dân đã bình tĩnh trở lại, nhu cầu di chuyển sẽ dần khôi phục bình thường.
Thứ hai, nhờ tác động từ các gói kích cầu du lịch đang và sẽ triển khai mạnh mẽ, chi phí đi lại rẻ hơn, thêm nhiều đối tượng có thể di chuyển bằng máy bay.
Thứ ba, thời gian giãn cách, hạn chế đi lại do dịch bệnh tạo ra hiện tượng “nén” tâm lý, nhiều người sẽ “bùng ra”, đi bù lại; nhu cầu thăm thân, giao lưu trao đổi, hợp tác, ký kết trực tiếp giữa các đối tác, thương gia cũng tăng lên, tạo thuận lợi cho đầu ra của ngành hàng không.
Sau dịch, tất cả các doanh nghiệp lớn/nhỏ, mới/cũ sẽ gần như đứng ở vạch xuất phát giống nhau. Lúc này, các chi phí đầu vào như chi phí nguồn nhân lực, nhiên liệu, chi phí vay vốn mua/thuê tàu bay và các loại thuế, phí… sẽ giảm xuống, tạo cơ hội cho các hãng hàng không mới ra đời có thể nhanh chóng giành thị phần, khẳng định chỗ đứng trên thị trường.
Đầu vào, đầu ra đều thuận lợi, sức cạnh tranh và mức độ tăng trưởng của ngành hàng không chắc chắn sẽ tăng nhanh sau đại dịch.
Ông Vũ Đức Biên, Tổng giám đốc Vietravel Airlines

Xuất khẩu 15 thị trường mới trong đại dịch

Khác với nhiều mặt hàng, dịch Covid-19 lại khiến tiêu thụ nhóm hàng bánh tráng, bún phở khô tăng mạnh, đặc biệt là mặt hàng bún khô không chỉ tăng doanh số tại các thị trường châu Á mà hầu hết tại các thị trường châu Âu, Mỹ, Canada, Úc đều tăng. Đặc biệt, từ khi tham gia “giải cứu” dưa hấu và thanh long, nghiên cứu làm được món bún khô dưa hấu và bánh tráng thanh long, Duy Anh Foods đã xuất khẩu được sản phẩm mới này đến 15 nước ngay trong đại dịch. Đáng quý hơn, trước đây, sản phẩm bún, phở khô và một ít thương hiệu riêng của công ty chào hàng tại thị trường nội địa lần nào cũng thất bại thì trong đại dịch thị trường nội địa lại gia tăng doanh số, chúng tôi phải mua thêm máy để chạy mới đủ công suất. Chắc nhờ vào sản phẩm mới lạ là bún dưa hấu, bánh tráng thanh long của công ty khiến nhiều người biết đến thương hiệu công ty hơn.
Sau Covid-19, chúng tôi sẽ đẩy mạnh xuất khẩu sang EU để tận dụng thuế suất ưu đãi từ EVFTA. Trước đây, bún gạo Việt vào EU thuế 60 - 70%, nay về 0%. Còn sản phẩm bún dưa hấu sẽ có tính thuế trái cây nhưng không đáng kể.
Ông Lê Duy Toàn, Giám đốc Công ty TNHH xuất nhập khẩu thực phẩm Duy Anh (Duy Anh Foods)

Đại dịch là thảm họa nhưng cũng là cơ hội lớn

Chúng ta đang sống trong kỷ nguyên hỗn loạn do khí hậu biến đổi quá nhanh, dịch bệnh… cũng như công nghệ thay đổi nhanh với hiệu ứng không lâu dài, không lớn như trước đây. Chúng ta đang đi trên một con đường có nhiều “ổ gà” nên để giảm độ xóc đòi hỏi người nắm vô lăng phải vững, có trình độ, thay đổi nhanh để thích nghi trong môi trường mới… Thực tế cho thấy, rủi ro kinh doanh lớn nhưng cũng tạo ra nhiều cơ hội bứt phá, đặc biệt đó là sự thay đổi nhanh chóng về tư duy công nghệ, số hóa. Trước đây, khi đề cập về công nghệ, số hóa, thương mại điện tử, thanh toán điện tử…, nhiều người cứ nghĩ điều này chỉ áp dụng cho nước ngoài, nhưng qua đại dịch Covid-19 tư duy về chuyển đổi số thay đổi nhanh bằng cả 10 năm qua. Tư duy ứng dụng công nghệ vào tất cả các ngành nghề lĩnh vực, kể cả bán bất động sản cũng vậy.
Trước đây, các doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh chỉ biết đến mình. Chẳng hạn như doanh nghiệp xuất khẩu không quan tâm nhiều đến anh nông dân trồng, thu hoạch sản phẩm như thế nào. Còn bây giờ, môi trường kinh doanh đã thay đổi, không quan tâm đến chuỗi cung ứng hàng hóa thì không thể tồn tại được. Các doanh nghiệp không những kết nối với nhau hàng dọc mà cả hàng ngang để có thể tiết giảm được chi phí ở mức thấp nhất. Chúng tôi đã thử nghiệm điều này trong xây dựng từ nhà thầu đến ngân hàng cho vay, tiết kiệm được 20% chi phí. Hay mô hình kinh tế đêm, kinh tế đường phố… có sự tổ chức, tham gia của các doanh nghiệp một cách phong phú để thúc đầy kích cầu thị trường nội địa trong nước trước bối cảnh giãn cách xã hội, xuất khẩu gặp nhiều khó khăn.
Rõ ràng, Covid-19 là tai họa, thảm họa nhưng cũng là cơ hội kinh doanh lớn cho các doanh nghiệp khởi nghiệp phần mềm kết nối, số hóa của ngân hàng thương mại, chứng khoán…
Ông Lê Xuân Nghĩa, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.