Bách hóa Xanh ngay lập tức tìm cách chuyển đổi mô hình kết nối để guồng cung ứng từ siêu thị có thể đến với khách hàng phù hợp trong bối cảnh không ai được đến mua tại siêu thị.
Gần 2.000 nhóm (Group) Zalo trong đó tại TP.HCM là hơn 560 nhóm đã được thiết lập chỉ trong vòng 48h đồng hồ, mỗi nhóm đại diện cho từng siêu thị Bách hóa Xanh để kết nối trực tiếp với khách hàng trong bán kính 2-3km gần siêu thị. Các link đặt hàng được nhúng ngay trong Group Zalo để Khách hàng có thể đặt hàng trực tiếp. Và cũng chỉ trong vòng 48h đồng hồ, đội ngũ làm web và IT Bách hóa Xanh đã nỗ lực chuyển đổi giao diện đặt hàng sao cho thao tác thuận tiện, đơn giản nhất cho bà nội trợ. Giao diện này kết nối tồn kho thực tế đến từng điểm bán để khách hàng có thể lựa chọn sản phẩm trên web tương tự như chọn mua tại siêu thị đó. Cuối cùng khi khách đặt hàng xong thì hệ thống sẽ gửi đơn hàng về nhân viên cửa hàng để nhân viên trực tiếp liên hệ, giao hàng cho khách hoặc thông qua lực lượng đi chợ của chính quyền khu vực.
Trong suốt 2 ngày đầu giãn cách, các Group Zalo này đã nhanh chóng tăng số người tham gia với tốc độ phi mã, lên tới hàng triệu thành viên, hiện đạt gần 1.3 triệu và trung bình mỗi ngày phục vụ gần 60.000 đơn hàng. Riêng khu vực TP.HCM là hơn 650 ngàn thành viên và trung bình mỗi shop sở hữu hơn 1.100 người dùng, nhiều siêu thị phải lập tới 2-3 nhóm Zalo.
Với một thao tác đơn giản là gõ vào website Bách hóa Xanh, toàn bộ link tham gia Group Zalo được đưa lên website với địa chỉ hiển thị cụ thể cho từng tỉnh thành, phường xã. Khách hàng có thể dễ dàng tìm kiếm Group Zalo của siêu thị Bách hóa Xanh thuộc khu vực mình sinh sống để trực tiếp kết nối đặt mua hàng.
|
Có thể nói trong 1 tuần lễ đầu vô cùng “nóng bỏng” khi tìm được một nơi đặt được hàng thiết yếu là rất khó khăn thì việc ra đời các Group Zalo và tích hợp trang đặt hàng đã giúp Bách hóa Xanh rất nhiều trong việc phục vụ kịp thời người dân. Tất cả quy trình đều được tự động hoá, mang lại hiệu quả cao, giúp giảm tải lớn nếu so với cách đặt hàng phổ biến hiện nay là gửi tin nhắn, xác nhận tin nhắn, nhân viên soạn đồ, báo lại khách nếu có món nào đã hết, thương lượng thay bằng món khác, báo giá và chốt đơn… Nếu theo cách “thủ công” này, một Group Zalo với 1.000 thành viên có lẽ sẽ “vỡ trận”.
Việc tận dụng tốt thế mạnh công nghệ đã trở thành “vũ khí” giúp nhà bán lẻ này vẫn tối ưu hiệu quả giữa lúc thị trường gần như “đóng băng”. Tuy nhiên cũng cần phải thừa nhận rằng, do số lượng đơn hàng quá lớn và số lượng nhân sự được tham gia giao hàng vẫn còn hạn chế, Bách hóa Xanh chưa thể đáp ứng hết nhu cầu mua sắm của khách hàng. Đại diện nhà bán lẻ cho biết “Bình thường chúng tôi đón tiếp 300.000 lượt khách tới siêu thị, họ tự tới chọn đồ, lựa đồ và thanh toán rồi xách hàng về. Giờ đây, tất cả các công việc này được làm thay hoàn toàn bởi nhân viên siêu thị, do đó phát sinh một khối lượng công việc khổng lồ. Cùng với sự hạn chế về nhân lực được làm việc nên hiện chỉ đáp ứng được khoảng 1/3 nhu cầu”.
Không dừng lại ở đó, để phục vụ được nhiều khách hàng hơn, nhà bán lẻ đã liên tục đưa ra giải pháp, chẳng hạn chỉ cho 1 số điện thoại mua được 1 lần trong vòng 3 ngày, để cơ hội mua sắm được đến với nhiều người hơn, thử nghiệm 150 siêu thị bán hàng theo gói combo cho nhóm hàng Tươi sống như Thịt-Cá-Trứng; Cá và Thủy hải sản; Rau củ-Rau Lá; Trái Cây và vài chục gói mua lẻ đồ khô khác với hơn 100 sản phẩm thông dụng. Hình thức mua theo combo đã chứng minh tác dụng do hiệu quả phục vụ tăng lên đồng thời cũng được nhiều khách hàng đánh giá cao vì đơn hàng được phục vụ nhanh hơn, hàng tươi hơn do rút ngắn thời gian giao từ 2-3 ngày xuống từ 4h đến tối đa 24h. Nhà bán lẻ đang cân nhắc áp dụng trên diện rộng hình thức này.
|
Rõ ràng, trước một thế giới bất định như hiện nay và ngay cả sau này khi “bình thường mới” được thiết lập, việc ứng biến nhanh chóng mới là chìa khóa cho thành công. Thế Giới Di Động nói chung và Bách hóa Xanh nói riêng, vì thế, dù đã lớn nhưng không hề chậm chạp.
Bình luận (0)