Đôi giày Adidas giá 2,3 triệu đồng, bán hàng nhái qua Zalo chỉ 150.000 đồng

08/06/2020 18:09 GMT+7

Ngày 8.6, lực lượng quản lý thị trường tại Hà Nội đã kiểm tra bất ngờ cửa hàng chuyên kinh doanh giày ngoại, phát hiện hơn 5.000 sản phẩm có dấu hiệu làm giả các thương hiệu Adidas, Nike…

Thông tin từ Tổng cục Quản lý thị trường, sáng nay (8.6), Đội quản lý thị trường thuộc Cục Quản lý thị trường Hà Nội đã phối hợp với Tổ công tác về thương mại điện tử (Tổ công tác 368) đã tiến hành kiểm tra đột xuất cơ sở kinh doanh giày dép tại số 3 ngách 12, ngõ 82 Trần Cung, Q.Cầu Giấy, Hà Nội do bà Trần Thị Thanh Duyên làm chủ.
Tại thời điểm kiểm tra, cơ sở đang hoạt động kinh doanh giày dép qua Zalo là chính. Chủ cơ sở sử dụng tài khoản Zalo có tên “Giày” với số điện thoại và tên của bà Duyên để kinh doanh, nhưng không có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.
Kết quả kiểm tra bước đầu, lực lượng chức năng phát hiện rất nhiều mẫu giày mang các thương hiệu nổi tiếng nhưng có giá bán “rẻ không thể tưởng”, chỉ bằng 1/15 lần so với giá hàng chính hãng. Chẳng hạn, đôi giày Stan Smith (Adidas), hãng Adidas đang bày bán ở Việt Nam không dưới 2,3 triệu đồng, nhưng tại “Giày” chỉ có giá 150.000 đồng/đôi.

Giày có đầy đủ hộp đựng mang các thương hiệu nổi tiếng

Khai nhận với cơ quan chức năng, bà Trần Thị Thanh Duyên cho biết, cơ sở mua trôi nổi giày dép các loại do Việt Nam và nước ngoài sản xuất trên thị trường, không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc, sau đó bán cho các cá nhân và tổ chức kinh doanh, đặc biệt chỉ bán theo mô hình online (ứng dụng Zalo) và trên các gian hàng của sàn thương mại điện tử. Các sản phẩm giày dép, tất, lót giày mà cơ sở đang kinh doanh được đóng gói trong túi ni lông hoặc có hộp giấy chưa được gập hoàn thiện đi kèm, trên hàng hóa và hộp giấy có các nhãn hiệu Adidas, Nike.
Đoàn kiểm tra đã tiến hành niêm phong, tạm giữ 5.182 sản phẩm có dấu hiệu hàng giả nhãn hiệu Adidas, Nike để tiếp tục mở rộng đấu tranh, làm rõ số lượng hàng giả và hành vi kinh doanh vi phạm của cơ sở kinh doanh giày dép này.
Đáng nói hơn, ngay trong sáng nay (8.6), Quốc hội cũng vừa mới phê chuẩn thông qua Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA). Theo đó, một trong các nội dung quan trọng trong Hiệp định là vấn đề tuân thủ về sở hữu trí tuệ, xuất xứ… Thực trạng buôn bán hàng giả các thương hiệu của châu Âu cũng gióng lên hồi chuông báo động với cơ quan thực thi pháp luật ở Việt Nam.

Chủ nhân cơ sở kinh doanh này thường xuyên đăng tải các mẫu giày hàng hiệu bắt mắt, bán trên Zalo với giá chỉ bằng 1/15 giá trị sản phẩm thật. Ngoài ra, giày cũng được bán trên các trang thương mại điện tử khác

Theo Tổng cục Quản lý thị trường, các hoạt động kinh doanh hàng hóa trên các ứng dụng di động như Zalo và kinh doanh thương mại điện tử đa kênh đang được rất nhiều hộ kinh doanh quan tâm và sử dụng. Tuy nhiên, đây cũng là kênh được nhiều người lợi dụng để bán hàng giả, nhái các nhãn hiệu của các chủ sở hữu là doanh nghiệp lớn tại EU. Đây là thách thức không nhỏ khi EVFTA có hiệu lực.
Trước đó, ngày 4.6, lực lượng quản lý thị trường ở huyện Bắc Quang - Hà Giang cũng kiểm tra một cơ sở kinh doanh giày dép, áo quần, phát hiện 55 sản phẩm là dép và ba lô có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu Adidas, Nike. Chủ cơ sở đã không xuất trình được hóa đơn, chứng từ số hàng hóa nêu trên. Đội Quản lý thị trường số 3 (Cục Quản lý thị trường Hà Giang) đã lập hồ sơ vụ việc tạm giữ toàn bộ số hàng hóa có dấu hiệu giả mạo hai nhãn hiệu nói trên để xác minh làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật. Cùng ngày, Đội Quản lý thị trường số 7 (Cục Quản lý thị trường Hà Giang) cũng kiểm tra một số cửa hàng quần áo may sẵn, giày dép chợ Trung tâm thị trấn Tam Sơn, huyện Quản Bạ đã phát hiện và tạm giữ 84 sản phẩm dép và áo phông có dấu giả mạo các nhãn hiệu NiKe và Adidas.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.