Đón cơ hội từ phục hồi sớm

14/10/2020 18:35 GMT+7

Thành công trong ngăn chặn dịch bệnh cho phép Việt Nam có thời gian để phục hồi trước những quốc gia khác. Đặc biệt, sự chủ động, linh hoạt của Chính phủ trong mở cửa thị trường tạo đà cho nền kinh tế đón các cơ hội mới.

Chính phủ, bộ, ngành vào cuộc

Từ đầu tháng 2, ngay sau khi được Tổ chức Y tế thế giới đánh giá cao trong việc khống chế dịch Covid-19, số ca nhiễm được khống chế, số bệnh nhân được điều trị khỏi, xuất viện đạt gần tuyệt đối, ngành du lịch Việt Nam đã nhanh chóng kích hoạt chiến dịch “Việt Nam - Điểm đến an toàn” nhằm tạo một chiến dịch truyền thông trong cả nước và toàn ngành du lịch, tạo sự ổn định, đà phục hồi cho ngành du lịch sau khi kết thúc dịch Covid-19. Theo đó, Tổng cục Du lịch phối hợp cùng các địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp du lịch xây dựng tiêu chí về “Du lịch Việt Nam an toàn” nhằm truyền thông phá bỏ rào cản tâm lý người dân, khách du lịch về việc không an toàn khi đi du lịch tại Việt Nam trong giai đoạn hiện nay; đồng thời kích cầu du lịch nội địa, tháo gỡ khó khăn cho các điểm đến, doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch tại các địa phương. Song song đó là khôi phục hoạt động du lịch bình thường tại các địa phương, điểm đến không có dịch Covid-19 và xây dựng bản đồ số cung cấp thông tin chính xác về các vùng du lịch, điểm đến an toàn cho du khách trên ứng dụng dành cho thiết bị cầm tay thông minh.
Lãnh đạo các địa phương như Quảng Nam, Thừa Thiên-Huế… cũng lập tức viết thư “trấn an” du khách, đối tác, khẳng định điểm đến an toàn, thân thiện. Trong thư, người đứng đầu các địa phương này nhấn mạnh hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh vẫn diễn ra bình thường, các điểm tham quan và trải nghiệm đang tiếp tục nâng cao chất lượng dịch vụ, mở rộng các chương trình ưu đãi.
Cấp Chính phủ, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, chỉ đạo Bộ Y tế có văn bản hướng dẫn các địa phương để chuẩn bị điều kiện công bố hết dịch đối với các tỉnh đã đảm bảo đủ điều kiện. Đặc biệt, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đích thân “vào cuộc”, nhấn mạnh Việt Nam không chỉ là điểm đến an toàn vì nỗ lực phòng chống dịch rất hiệu quả mà còn an toàn ngay từ các điều kiện tự nhiên. “Thời tiết ấm áp trên cả nước, đặc biệt khí hậu ở miền Trung, miền Nam hiện nay rất thuận lợi. Các bãi biển nắng ấm, không khí rất tốt, khách du lịch đến Việt Nam không chỉ để cảm nhận sự an toàn mà còn để khỏe mạnh hơn, có những trải nghiệm thú vị. Tôi xin nhấn mạnh với toàn xã hội, không chỉ du khách mà cả với các nhà đầu tư, Việt Nam là môi trường kinh doanh, môi trường sống an toàn, hấp dẫn, có nhiều tiềm năng”, Thủ tướng nói.

Doanh nghiệp, người dân hưởng ứng

Là một trong những nhà phát triển du lịch hàng đầu, ngay khi Chính phủ phát động, Tập đoàn Sun Group khẳng định các điểm đến trong hệ thống của tập đoàn an toàn, với các biện pháp phòng ngừa dịch được thực hiện tích cực nhất. Đặc biệt, để hưởng ứng chương trình kích cầu du lịch, hệ thống khu vui chơi, giải trí Sun World của Sun Group áp dụng một loạt chính sách như: Hỗ trợ không hủy phạt đối với các đoàn khách bị hủy do tình trạng của dịch bệnh; Xây dựng kế hoạch thay đổi chính sách bán hàng đối với từng phân khúc khách hàng; Gia hạn thêm thời gian sử dụng vé đã mua trước của các đối tác; Phối hợp cùng các đối tác đưa ra những gói bán hàng có ưu đãi và mang lại trải nghiệm tốt hơn cho khách hàng.
Cụ thể, Sun World Fansipan Legend (Sa Pa) giảm giá vé cáp treo 60% cho du khách 6 tỉnh Tây Bắc (đến 28.6), Sun World Ba Na Hills (Đà Nẵng) giảm giá vé cáp treo 60% cho người dân 19 tỉnh miền Trung - Tây nguyên. Đặc biệt, từ 15.5 - 15.7, Bà Nà Hills tiếp tục áp dụng combo mua vé cáp treo tặng vé buffet cho du khách… Cuối tháng 5 vừa qua, Sun Group còn cho ra mắt 2 sản phẩm du lịch độc đáo là thung lũng hoa hồng lớn nhất Việt Nam đã được Kỷ lục Việt Nam ghi nhận tại Sun World Fansipan Legend (Sa Pa, Lào Cai) và giai đoạn 1 khu nghỉ dưỡng suối khoáng nóng chuẩn Nhật Bản đầu tiên ở Việt Nam - Yoko Onsen Quang Hanh, tại TP.Cẩm Phả (Quảng Ninh).
Đón cơ hội từ phục hồi phục hồi sớm1

Kiểm soát dịch bệnh thành công, du lịch, dịch vụ, kinh doanh, sản xuất... nhanh chóng hồi phục, vực dậy kinh tế sau dịch

ẢNH: NGỌC DƯƠNG

“Ông lớn” Vingroup với hệ thống nghỉ dưỡng Vinpearl và VinWonders đã công bố liên tiếp 3 chương trình khuyến mãi có mức ưu đãi tối đa cho các dịch vụ du lịch nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí, hoặc kỳ nghỉ trọn gói, áp dụng trên toàn hệ thống gồm 45 cơ sở. Đáng chú ý là chương trình đại khuyến mãi “Du lịch Free - Book Vinpearl đi”, với 7 gói ưu đãi hấp dẫn chưa từng có. Du khách có thể lựa chọn một trong các “đặc quyền”: hoàn tiền 100% qua hình thức ghi nhận tín dụng tại chỗ, miễn phí vé máy bay khứ hồi hay vui chơi giải trí không giới hạn…
Các hãng lữ hành, hàng không, các điểm tham quan cũng nhanh chóng nhập cuộc với mức giảm vô tiền khoáng hậu như Công ty du lịch Vietravel tiên phong khởi động lại thị trường du lịch, với gói kích cầu lên tới 60%. Tổng công ty du lịch Sài Gòn (Saigontourist) triển khai chương trình khuyến mãi quy mô lớn lần 2 (từ ngày 1.6 - 30.9) với ưu đãi lên đến 50% khi sử dụng các dịch vụ lưu trú, lữ hành, ẩm thực, giải trí… của Saigontourist Group. Vé máy bay chưa bao giờ rẻ như thế. Thời điểm cuối tháng 2, giá vé máy bay TP.HCM - Hà Nội của các hãng tính cả thuế, phí xuống chưa tới 700.000 đồng/chiều. Theo đánh giá của Google Flight, giá vé máy bay của Việt Nam đang ở mức thấp nhất, ngay cả trong dịp cao điểm du lịch hè giá vé cũng ở mức thấp.

Hồi sinh du lịch ngay tâm dịch

Trong khi cả thế giới vẫn quay cuồng chống dịch, số lượng ca nhiễm tăng từng ngày thì với sự năng động, linh hoạt, và đặc biệt là sự liên kết chặt chẽ của chuỗi giá trị trong ngành du lịch từ hàng không, lưu trú, dịch vụ, điểm đến... đã mang lại kết quả bất ngờ. Tại các bãi biển, du khách nước ngoài vẫn thoải mái vui chơi, nghỉ dưỡng. Dù không còn khách Trung Quốc nhưng nhiều resort, cơ sở lưu trú tại Hàm Tiến, Mũi Né (Phan Thiết, Bình Thuận) vẫn được lấp đầy bởi hàng ngàn khách Tây. Giữa tâm dịch, Việt Nam vẫn đón hơn 1.200 hành khách đến từ Bắc Âu, Bắc Mỹ, Úc và thủy thủ đoàn tham quan trên 2 du thuyền cỡ nhỏ Crystal Symphony và Silver Spirit cùng quốc tịch Bahamas cập cảng Tiên Sa, TP.Đà Nẵng và cảng Chân Mây, Thừa Thiên-Huế. Các tour đến Việt Nam đặt từ năm ngoái không bị hủy. Khách thoải mái tận hưởng kỳ nghỉ, đồng thời thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng chống dịch bệnh để bảo vệ sức khỏe. Chưa kể, rất nhiều người nước ngoài chọn ở lại Việt Nam để “trốn dịch”, thay vì trở về nước.
Đón cơ hội từ phục hồi phục hồi sớm2
Tiếp sức, một chiến dịch kích cầu “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam” đã được triển khai đồng loạt, mạnh mẽ, giúp hàng không, du lịch “phá băng” sau thời gian thực hiện cách ly toàn xã hội. Chỉ trong 1 tháng, lượng khách du lịch đến các địa phương tăng vọt từ 50 - 80%. Thị trường du lịch nội địa bật dậy mạnh mẽ đã phần nào tiếp thêm “ô xy”, đưa các doanh nghiệp hàng không, lữ hành, nhà hàng, khách sạn… vượt qua cơn bĩ cực.
Ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch HĐQT Vietravel, cho biết trong 99 ngày trước khi dịch bùng phát ở Đà Nẵng, tốc độ phục hồi của Vietravel rất tốt. Tổng doanh thu vẫn chưa vượt trước dịch vì còn đang bị hụt ở thị trường quốc tế nhưng doanh thu thị trường nội địa thì vượt xa, thậm chí tăng hơn gấp đôi. Vietravel đã kỳ vọng tháng 8 có thể sẽ là tháng cao kỷ lục trong lịch sử công ty. Tuy nhiên, dịch tái bùng phát nên điều này đã không trở thành hiện thực. Nhưng sự linh hoạt, năng động chớp thời cơ từ khống chế dịch lần 1 của Việt Nam là điều không thể phủ nhận.
Hãng tin Reuters (Anh) số ra ngày 19.5 cho biết, để kích cầu du lịch sau dịch bệnh, Việt Nam cung cấp các dịch vụ giảm giá nhằm thu hút khách du lịch trong nước. Chương trình quảng bá du lịch “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam” được phát động nhằm giới thiệu các sản phẩm và gói dịch vụ du lịch chất lượng với giá cả hợp lý cho du khách địa phương. Động thái này đặt Việt Nam lên trước các đối thủ cạnh tranh du lịch trong khu vực Đông Nam Á như Thái Lan, Indonesia và Philippines - nơi các hạn chế du lịch chỉ mới bắt đầu được dỡ bỏ.

Ứng phó linh hoạt giúp kinh tế tăng trưởng

Kinh nghiệm phòng chống dịch lần 1 đã phát huy tác dụng khi làn sóng Covid-19 lần 2 tái phát tại Đà Nẵng. Đối mặt với sức ép rất lớn là vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội nên khi ghi nhận ca nhiễm mới ở Đà Nẵng, lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Chính phủ đã có chỉ đạo kịp thời: không thể cứ xuất hiện 1 ca bệnh mới là đình chỉ mọi hoạt động, “đóng băng” cả một huyện, một tỉnh. Vì vậy, song song giải cứu du khách, cách ly Đà Nẵng, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 chọn cách bình tĩnh khoanh vùng dịch, kiểm soát các địa phương một cách chặt chẽ nhưng không phải bằng “lệnh” cách ly toàn xã hội như đợt 1.
Tại các thành phố có người về từ vùng dịch nhiều như TP.HCM và Hà Nội, lãnh đạo địa phương nhanh chóng thành lập các khu cách ly tập trung, ngăn chặn thấp nhất sự lây lan trong xã hội nhưng không “bế quan tỏa cảng”. Các dịch vụ kinh doanh không thiết yếu, nguy cơ lây lan cao như quán bar, vũ trường… bị yêu cầu đóng cửa nhưng không đưa thời hạn cứng nhắc mà để ngỏ việc mở cửa trở lại linh hoạt theo tình hình kiểm soát dịch bệnh. Tại các địa phương lân cận Đà Nẵng, mọi hoạt động giao thông, vận chuyển hàng hóa, giao thương vẫn diễn ra trong sự tuân thủ nghiêm các quy định phòng, chống dịch.
Trải qua hơn 1 tháng kiên cường chống dịch, đến đầu tháng 9, TP.Đà Nẵng đã thực hiện nới lỏng cách ly xã hội do dịch bệnh cơ bản được khống chế. Các nhà hàng, cửa hàng, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống được phép hoạt động trở lại, bán hàng cho khách mang đi. Ít ngày sau, hoạt động vận chuyển hàng hóa, hành khách giữa Đà Nẵng và các địa phương cũng đã được nối lại.
Chính sách phòng, chống dịch linh động, hiệu quả đã giúp Việt Nam tránh khỏi sự đứt gãy kéo dài trong nhiều lĩnh vực của nền kinh tế như những gì đã xảy ra trong đợt dịch đầu tiên. Tại các địa phương an toàn, người dân vẫn thoải mái đi du lịch. Nhiều điểm đến đông khách, khách sạn kín phòng dịp lễ 2.9 đã tạo những tín hiệu khả quan sẽ hâm nóng ngành du lịch sau 2 cú đánh bồi của Covid-19. Dịch vụ, sản xuất từ đó cũng dần phục hồi.
Đến cuối tháng 9, sau chuỗi nhiều ngày liên tiếp không có ca nhiễm mới trong cộng đồng, Chính phủ đã chính thức cho phép nối lại các chuyến bay thương mại quốc tế thường lệ có chở khách giữa Việt Nam và một số đối tác. Các đường bay thường lệ không chỉ thắp lên hy vọng được trở về đối với nhiều người Việt Nam đang sống và làm việc tại nước ngoài, mà còn giúp khơi thông các dự án xây dựng hạ tầng đang tạm ngưng chờ chuyên gia, giải quyết nhiều công ăn việc làm, kéo theo nhiều dịch vụ kích thích tiêu dùng. Khi hoạt động xây dựng được tập trung thì các ngành nghề đi theo như sản xuất sắt thép, vật liệu xây dựng cũng sẽ chuyển động. Đây là chất xúc tác, mắt xích quan trọng thay đổi cục diện, ngăn chặn sự suy thoái của thị trường.
TS Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại - Công nghiệp Việt Nam: Khả năng chống chịu là lợi thế cực lớn của Việt Nam
Qua đại dịch Covid-19, có thể thấy rõ khả năng chống chịu, linh hoạt của nền kinh tế nói chung và của các doanh nghiệp Việt nói riêng là rất quan trọng, không phải nền kinh tế có trình độ cao nào cũng có thể ứng xử được như vậy. Đơn cử, nếu kinh tế Singapore gặp trục trặc, có đứt gãy thì sẽ rất khó khăn để vượt qua vì họ quá chuyên nghiệp, quá chuẩn mực, không có không gian cho sự linh hoạt thích ứng. Người lao động ở Singapore khi thất nghiệp, ra khỏi bộ máy hiện tại không thể tìm được việc làm khác, trong khi người Việt Nam rất dễ dàng thích ứng, trụ vững trong nhiều điều kiện môi trường khó khăn.
Hiện nay, trong khi các “đối thủ” khác như Indonesia, Ấn Độ đang gồng lưng chống dịch, chúng ta đã đi trước, tạo điều kiện cho các tập đoàn, các nhà đầu tư có cơ hội đến Việt Nam sớm, nghiên cứu sớm, gặp gỡ sớm, tìm kiếm cơ hội kinh doanh sớm. Ngoài những lợi thế trước giờ đã nói rất nhiều, mảnh đất kinh doanh an toàn, khả năng khống chế, chống chịu và thích ứng với các diễn biến bất thường thể hiện qua đợt dịch Covid-19 sẽ là hấp lực lớn nhất, vũ khí lớn nhất của Việt Nam trong cuộc đua thu hút dòng đầu tư nước ngoài mới, vực dậy kinh tế sau đại dịch.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.