Đồng bằng sông Cửu Long nên sản xuất ít gạo hơn

18/06/2019 10:49 GMT+7

Đó là khuyến cáo của Ngân hàng Thế giới tại hội nghị Chính phủ đánh giá 2 năm thực hiện Nghị quyết 120/NQ-CP tổ chức hôm nay, ngày 18.6, tại TP.HCM.

Nông sản phân khúc thấp, người tiêu dùng hoài nghi

Tại phiên thảo luận chuyên đề về “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu vùng ĐBSCL”, bà Phạm Hoàng Vân, đại diện WB nhận định: Trong một phần tư thế kỷ qua, ngành nông nghiệp Việt Nam đã đạt được những tiến bộ to lớn, mang lại thành tựu về năng suất, sản lượng, đóng góp cho các mục tiêu quốc gia về an ninh lương thực, giảm nghèo và thương mại. Những tiến bộ trong thâm canh lúa, mở rộng nuôi trồng thủy sản và sản xuất trái cây (và thương mại) là câu chuyện thành công được nhắc đến rộng rãi.
Tuy nhiên, Việt Nam chưa theo kịp các nước trong khu vực các vấn đề liên quan đến năng suất lao động nông nghiệp và năng suất sử dụng nước. Một khoảng cách đang hình thành giữa thu nhập nông nghiệp và phi nông nghiệp, sự bất bình đẳng về thu nhập đang gia tăng ở khu vực nông thôn. Hầu hết sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam bán ở dạng thô, thường được định vị ở phân khúc chất lượng thấp hoặc trung bình của thị trường quốc tế. Trong nước, nhiều người tiêu dùng vẫn còn hồ nghi về sự an toàn của thực phẩm.
Tăng trưởng sản lượng nông nghiệp đạt được nhờ sử dụng ngày càng nhiều nguyên liệu đầu vào với chi phi lớn hơn về môi trường. Phần lớn tăng trưởng nông nghiệp Việt Nam cho đến nay dựa vào mở rộng sản xuất hoặc tăng cường sử dụng đất và các tài nguyên thiên nhiên khác, cũng như sử dụng khá nhiều phân bón và các hóa chất khác trong nông nghiệp. Do đó tăng trưởng nông nghiệp cũng đi kèm tác động xấu về môi trường như phá rừng, hủy hoại nguồn lợi thủy sản, suy thoái đất và ô nhiễm nước. Nói cách khác, tăng trưởng nông nghiệp Việt Nam dựa khá nhiều vào sức lao động, tài nguyên thiên nhiên và hóa chất trong sản xuất.

Hướng đến giá trị, giảm chi phí đầu vào

Bà Vân khuyến cáo: Trong tương lai ngành nông nghiệp ở ĐBSCL phải đảm bảo “tăng giá trị, giảm đầu vào”. Tức là phải mang lại nhiều lợi ích cho nhà sản xuất, người tiêu dùng và hệ sinh thái bằng cách sử dụng ít đất, nước, lao động, phân bón, hóa chất, năng lượng, đồng thời giảm phát thải khí nhà kính, ô nhiễm, chất thải. Điều này sẽ đòi hỏi sự thay đổi trong sử dụng đất, sản xuất và tổ chức hiệu quả chuỗi giá trị và bán các sản phẩm theo nhu cầu của thị trường.
Các địa phương gặp khó khăn về đầu ra cho nông sản và áp lực chỉ tiêu phát triển kinh tế địa phương Chí Nhân
Nông nghiệp Việt Nam sẽ cần phải từ bỏ hình ảnh là một nhà cung cấp hàng hóa giá rẻ (có chất lượng thay đổi hoặc không chắc chắn) để hướng tới một vị thế vững chắc trên thị trường của một nhà cung cấp đáng tin cậy các sản phẩm chất lượng cao, an toàn, được sản xuất và phân phối một cách bền vững.
Để đạt được điều này sẽ yêu cầu các hành động hợp tác công - tư ở nhiều cấp, bao gồm: Tại khâu sản xuất: phổ biến rộng rãi việc thực hành nông nghiệp tốt, tạo điều kiện cho chứng nhận sinh thái; thúc đẩy hành động tập thể trong hoạt động sản xuất và sau thu hoạch. Tại cộng đồng: thúc đẩy hoạt động đa chức năng của các vùng nuôi; sản xuất kết hợp dịch vụ sinh thái, du lịch sinh thái. Cảnh quan cả ngành nông nghiệp: phát triển hệ sinh thái nông nghiệp bền vững, đáp ứng nhu cầu của nhiều bên liên quan. Trong chuỗi giá trị, thúc đẩy hiệu quả năng lượng; giảm tổn thất giảm lãng phí, thực hiện các hệ thống truy xuất nguồn gốc, hỗ trợ nâng cấp hệ thống quản lý an toàn thực phẩm và chất lượng của các công ty hàng đầu và các doanh nghiệp vừa và nhỏ
Ở cấp quốc gia: Cần tăng tính nhất quán giữa mục tiêu, chính sách nông nghiệp và mục tiêu, chính sách môi trường trong sự phối hợp giữa các chương trình có liên quan.
Đối với tác động của biến đổi khí hậu đang gia tăng, cần thúc đẩy các hoạt động thích ứng với biến đổi khí hậu, nhân rộng việc áp dụng các biện pháp tiết kiệm nước và thân thiện với môi trường, như kỹ thuật canh tác tưới ngập khô xen kẽ AWD. Ngoài ra, chú trọng việc chuyển đổi trên đất lúa dễ bị tổn thương (do xâm nhập mặn) sang nuôi trồng nước lợ (cá; rong biển, tảo) và đối với cây trồng chịu mặn ví dụ như dừa.
“ĐBSCL nên sản xuất ít gạo hơn nhưng thúc đẩy sản xuất gạo chất lượng cao hơn và gạo đặc chủng. Xu hướng sản xuất gạo đặc chủng đang xảy ra và có thể được gia tăng. Điều này sẽ giải phóng thêm đất để sử dụng sản xuất các loại nông sản có giá trị cao, thích ứng với biến đổi khí hậu khác, như trái cây và rau quả”, bà Vân đề xuất.
Giảm sản xuất lúa cũng là quan điểm chung của nhiều đại biểu tham dự hội thảo. Tuy nhiên trên thực tế việc này đã diễn ra nhưng theo đánh giá của GS.TS Võ Tòng Xuân, thời gian qua vẫn còn chậm chạp. Hệ quả là từ đầu năm đến này và đặc biệt là mấy ngày gần đây giá lúa giảm, ảnh hưởng lớn đến đời sống nông dân.

Hội nghị Chính phủ lần thứ 2 về phát triển ĐBSCL

Ngày 18.6, tại TP.HCM, Thủ tướng chủ trì Hội nghị đánh giá 2 năm thực hiện Nghị quyết 120/NQ-CP về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu. Hội nghị lần này được tổ chức nhằm đánh giá kết quả đạt được sau 2 năm triển khai thực hiện Nghị quyết đồng thời, xác định các vấn đề đang tồn tại, hạn chế; xác định nhiệm vụ ưu tiên, trọng tâm, trọng điểm có quy mô vùng, có tính lan tỏa và bảo đảm tính bền vững cũng như giải pháp có tính hệ thống và nguồn lực thực hiện trong thời gian tiếp theo mang tính khả thi và hiệu quả cao.
Hội nghị có các nội dung quan trọng như: “Quản lý tài nguyên nước, lũ lụt, xâm nhập mặn, ứng phó với sụt lún, sạt lở ở vùng ĐBSCL” do Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì. “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu vùng ĐBSCL” do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì. “Giải pháp phát triển hệ thống giao thông và cơ sở hạ tầng, nhà ở phục vụ phát triển bền vững ĐBSCL” do Bộ Giao thông vận tải chủ trì. “Công tác quy hoạch, cơ chế điều phối vùng và thu hút vốn đầu tư cho ĐBSCL” do Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì…
Phiên họp chiều cùng ngày sẽ do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì với các báo cáo quan trọng: Báo cáo đánh giá tổng hợp kết quả thực hiện Nghị quyết số 120/NQ-CP và các giải pháp cần thực hiện thời gian tới. Báo cáo kết quả đạt được trong công tác quy hoạch, điều phối liên kết vùng; tình hình bố trí vốn và thu hút vốn đầu tư cho vùng ĐBSCL và nhiệm vụ trong thời gian tới
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.