Đóng thuế đầy đủ, vẫn không làm được sổ hồng cho cư dân

11/06/2020 11:08 GMT+7

Đó là thực trạng ở một số dự án của Tập đoàn Hưng Thịnh được lãnh đạo công ty này hỏi trực tiếp đại diện Bộ Xây dựng tại Hội thảo " Thị trường bất động sản thế nào sau dịch Covid- 19" do báo Thanh Niên tổ chức ngày hôm nay, 11.6.

Tại tọa đàm thị trường bất động sản sáng 11.6 do Báo Thanh Niên tổ chức, ông Trần Quốc Dũng - Phó tổng giám đốc Tập đoàn Hưng Thịnh nêu vấn đề, thực tế hiện nay, nguồn cung không đáp ứng được cầu trong thị trường bất động sản tại TP.HCM và các tỉnh lân cận như Bà Rịa-Vũng Tàu, Bình Dương... Việc này có vai trò của Bộ Xây dựng. Một chính sách nếu được tháo gỡ sẽ giải quyết được vấn đề nguồn cung ra thị trường, còn làm sao để kích cầu là chuyện của các doanh nghiệp bất động sản nhưng cũng cần sự chung tay của các cấp, các ngành để tạo niềm tin cho khách hàng, để người dân mạnh dạn mua sản phẩm bất động sản. Dù Bộ Xây dựng không phải là cơ quan duy nhất giải quyết vấn đề nhưng là cơ quan đầu mối kết nối với các bộ ngành liên quan. Nếu không giải quyết được sự chồng chéo, tắc nghẽn thì tất cả các doanh nghiệp sẽ bị kẹt.

Ông Trần Quốc Dũng - Phó tổng giám đốc Tập đoàn Hưng Thịnh phát biểu tại tọa đàm sáng 11.6

Khả Hòa

Cũng theo ông Trần Quốc Dũng, hiện chưa có quy định nào về 1 quy trình chung cho các thủ tục thực hiện dự án bất động sản, thậm chí có quy trình với các bước 1, 2, 3, 4 nhưng đến bước 4 bị tắc thì lại quay vòng về từ đầu. Để 1 dự án cơ bản hoàn thành và có thể triển khai bán hàng, nhanh nhất cũng hết 1 năm, nhưng hầu hết kéo dài đến 4 - 5 năm. Đến bước cuối cùng là cấp sổ hồng cho cư dân cũng hết sức khó khăn. Ví dụ, công ty đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính theo quy định trước tháng 7/2014, nếu có điều chỉnh công năng dự án thì vẫn đủ điều kiện để được cấp sổ hồng nhưng các bộ đều e dè vì lý do điều chỉnh. Đơn vị nào cũng hỏi đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính hay chưa. "Tại sao các cơ quan có thẩm quyền không căn cứ trên quy định mà bắt chúng tôi phải hỏi lòng vòng?", ông Dũng đặt câu hỏi.
Theo ông Dũng, trong việc điều chỉnh công năng dự án, khi có phát sinh nghĩa vụ tài chính bổ sung thì trách nhiệm thuộc về các cơ quan nhà nước. Nếu chậm trễ trong việc này cũng không phải do doanh nghiệp. Thế nhưng, công ty đã đề nghị ký quỹ một phần vì có thể phát sinh nghĩa vụ tài chính do điều chỉnh dự án và mong sẽ được giải quyết cấp sổ hồng cho cư dân đối với phần diện tích sở hữu riêng, nhưng từ trước đến nay cũng chưa được giải quyết ở dự án nào.
Bên cạnh đó, tất cả ban ngành đều thống nhất dự án nếu có tranh chấp giữa chủ đầu tư và 1 bên nào đó là thuộc thẩm quyền xử lý của tòa án, còn việc cấp sổ hồng cho cư dân là chuyện khác. Tòa án đang thụ lý giải quyết và sẽ phân xử tại tòa, vấn đề này thường kéo dài 3 - 4 năm nhưng thực tế, việc cấp sổ hồng cho cư dân ở các dự án này vẫn không được giải quyết. Ông Dũng thắc mắc, liệu các cấp chính quyền đã từng giải quyết trường hợp nào đang có tranh chấp nhưng vẫn cấp sổ hồng cho cư dân hay không?
Ông Nguyễn Trọng Ninh - Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) giải thích, liên quan đến quy trình giải quyết các vấn đề của dự án thì mỗi luật có quy định một mảng riêng nhưng không có luật nào quy định 1 quy trình chung, do đó đề nghị TP.HCM soạn thảo và Bộ Xây dựng sẽ tham gia cho ý kiến và có thể hỏi thêm các bộ ngành khác.
Về thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, ông Ninh nhấn mạnh nguyên tắc chung là người dân phải được cấp sau khi mua bán xong, còn vướng mắc về thủ tục của chủ đầu tư thì các địa phương phải xử lý sau. Quy định chung về điều kiện cấp giấy hồng là thuộc Bộ Tài nguyên - Môi trường và tùy vào từng trường hợp cụ thể, nếu vướng mắc chỗ nào thì Sở Tài nguyên và môi trường sẽ tiếp nhận giải quyết.
Về thủ tục điều chỉnh dự án, luật Đầu tư đã có quy định, khi nào điều chỉnh và thẩm quyền nào cho phép điều chỉnh do Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì. Trong đó, có một phần liên quan đến thủ tục xây dựng hay liên quan đến quy hoạch và điều chỉnh cơ cấu căn hộ cũng được nêu rõ và Sở Xây dựng là đầu mối. Còn khi phát sinh tranh chấp giữa sở hữu chung và riêng, đảm bảo các điều kiện quy hoạch, phòng cháy chữa cháy... sẽ thuộc thẩm quyền giải quyết của chính quyền địa phương.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.