Năm 2012, tại hội nghị xúc tiến đầu tư lần đầu tiên được Quảng Ninh tổ chức, một doanh nhân Hàn Quốc đã so sánh, đi từ thủ đô Seoul (Hàn Quốc) đến Hà Nội (VN) dài gần 3.000 km chỉ mất 4 giờ 30 phút, nhưng di chuyển từ thủ đô Hà Nội đến TP.Hạ Long, Quảng Ninh (200 km) cũng mất tầm đó thời gian. Điểm nghẽn hạ tầng giao thông khi đó đã trở thành rào cản lớn nhất, hạn chế khả năng thu hút đầu tư của Quảng Ninh. Đây cũng là lý do dù được đánh giá có rất nhiều tiềm năng, tạo thành thế kiềng 3 chân cùng với Hà Nội và Hải Phòng là tam giác kinh tế trọng điểm Bắc bộ, nhưng 5 - 6 năm trước Quảng Ninh vẫn chưa phải cái tên sáng giá với nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Bước đột phá cao tốc
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Đức Long từng nói, nếu chỉ trông chờ vào ngân sách nhà nước thì Quảng Ninh phải chờ đến 10 năm, thậm chí lâu hơn nữa để thay đổi. Mạnh dạn lựa chọn các hình thức PPP, BOT, BT, từ năm 2013, Quảng Ninh chủ động ứng vốn từ ngân sách tỉnh cùng với Bộ GTVT hoàn thành dự án đường 18C - cửa khẩu Hoàng Mô, ứng trước 1.200 tỉ đồng để nhà đầu tư BOT Đại Dương giải phóng mặt bằng cho dự án mở rộng QL18 đoạn Uông Bí - Hạ Long...
Đặc biệt, Quảng Ninh đã đề xuất Chính phủ cho phép tự huy động các nguồn vốn hợp pháp như tiết kiệm chi mỗi năm 1.000 tỉ đồng, phát hành trái phiếu chính quyền địa phương... để triển khai cao tốc Hạ Long - Hải Phòng.
Gặp khó về nguồn vốn để thực hiện cầu Bạch Đằng dài hơn 5 km nối Quảng Ninh - Hải Phòng khi thực hiện dự án cao tốc Hạ Long - Hải Phòng (khởi công tháng 10.2014), mà theo tính toán cần tới 10 năm tiết kiệm chi của tỉnh nếu dùng ngân sách đầu tư, Quảng Ninh đã mạnh dạn xin cơ chế đầu tư theo hình thức BOT, kết quả chỉ trong một thời gian ngắn, 8 nhà đầu tư trong nước đã đề xuất tham gia dự án cầu Bạch Đằng và nút giao cuối tuyến với tổng mức đầu tư hơn 7.000 tỉ đồng. Đây không chỉ là dự án góp phần hoàn thiện tuyến cao tốc huyết mạch Hà Nội - Hải Phòng - Hạ Long, mà còn mở ra hướng đi mới để Quảng Ninh thu hút đầu tư, xây dựng cao tốc Hạ Long - Vân Đồn và cảng hàng không quốc tế Vân Đồn theo hình thức BOT.
Tháng 5.2017, Quảng Ninh đã trao Giấy chứng nhận đầu tư cho dự án đường cao tốc Hạ Long - Vân Đồn và cải tạo, nâng cấp QL18 đoạn Hạ Long - Mông Dương theo hình thức hợp đồng BOT cho liên danh nhà đầu tư Công ty CP đầu tư và xây dựng Công Thành - Công ty CP đầu tư và xây dựng giao thông Phương Thành. Dự án có tổng mức đầu tư lên tới gần 14.000 tỉ đồng, trong đó phần vốn BOT trên 10.062 tỉ đồng, phần vốn ngân sách nhà nước hỗ trợ và nguồn vốn huy động hợp pháp khác hơn 3.900 tỉ đồng cho chi phí giải phóng mặt bằng, tái định cư và một phần chi phí xây dựng cầu đường...
tin liên quan
Nhà đầu tư đòi tăng phí BOT quốc lộ 18 Uông Bí - Hạ LongDự án cải tạo, nâng cấp QL18 đoạn Hạ Long - Mông Dương, dài trên 33 km, khởi công quý 4/2015, nay đã hoàn thành và dự kiến thu phí hoàn vốn trong quý 1/2018. Cao tốc Hạ Long - Vân Đồn dài 59,5 km, tốc độ thiết kế 100 km/giờ với 4 làn xe, khởi công trong quý 1/2016 và dự kiến hoàn thành cơ bản vào quý 2/2018. Chỉ trong 3 - 4 năm ngắn ngủi, mạch máu giao thông của Quảng Ninh đã thông suốt, không chỉ nội vùng mà còn kết nối Quảng Ninh với vùng kinh tế trọng điểm phía bắc là Hà Nội - Hải Phòng.
Đi đúng hướng
Là nhà đầu tư từng tham gia liên danh xây dựng dự án BOT cầu Bạch Đằng và cao tốc Hạ Long - Vân Đồn, ông Phạm Văn Khôi, Tổng giám đốc Công ty CP đầu tư và xây dựng giao thông Phương Thành (Phương Thành Tranconsin), cho rằng mấu chốt thành công của Quảng Ninh bắt nguồn từ tư duy của lãnh đạo tỉnh thực sự muốn đổi mới.
“Khi làm BOT cầu Bạch Đằng, Quảng Ninh sẵn sàng hỗ trợ làm đường nối lên cầu dài 19,5 km, nhà đầu tư an tâm phần kết nối, chỉ phải lo phần cầu, giảm được một phần vốn đầu tư. Cao tốc Hạ Long - Vân Đồn, tỉnh cũng sẵn sàng bỏ một phần chi phí tham gia, không chỉ giải phóng mặt bằng mà còn xây dựng một phần hạ tầng dự án”, ông Khôi chia sẻ.
Nhà đầu tư này cho rằng Quảng Ninh đã có được sự đột phá tư duy thực sự, khi lựa chọn cách làm hợp tác công tư (PPP) rất linh hoạt. Nhà đầu tư cảm nhận được sự khao khát, nhiệt tình, thân thiện từ những lãnh đạo cao nhất của tỉnh trong việc hỗ trợ nhà đầu tư từ giải phóng mặt bằng đến các thủ tục hành chính vốn rất phức tạp và mất nhiều thời gian. “Nói dễ hiểu nhất, khi tư vấn lập dự án, tỉnh hỏi nhà đầu tư đang vướng chỗ nào, cần tỉnh tham gia hỗ trợ ở đâu và bắt tay chung sức cùng nhà đầu tư. Đó là lý do các dự án BOT hạ tầng tại Quảng Ninh đều thuận lợi và nhanh chóng về đích”, ông Khôi nói.
Theo PGS-TS Nguyễn Quang Toản, nguyên Chủ nhiệm bộ môn đường bộ, ĐH Giao thông vận tải Hà Nội, Quảng Ninh đang đi đúng hướng với phương thức PPP, BOT linh hoạt trong thu hút các dự án hạ tầng giao thông. “Đây là hướng đi phù hợp khi sử dụng một phần ngân sách, trái phiếu... tham gia dự án BOT theo hình thức đối tác công tư, thành công trong lập dự án và kêu gọi đầu tư”, ông Toản nhìn nhận. TS Nguyễn Quang Toản nhấn mạnh: “Việc đảm bảo thực hiện đúng các cam kết với nhà đầu tư, cũng như tính toán cân đối mức phí hợp lý cho người dân là cơ sở nền tảng tạo sự bền vững cho các dự án BOT, cũng như tạo niềm tin lâu dài cho các nhà đầu tư”.
Bình luận (0)