“Săn” được vé rẻ, cũng... khổ
“Mua vé về quê chưa?” - “Chưa! Cơ quan chưa chốt ngày nghỉ” - “Nhà này cũng chưa. Mà bây giờ mua sớm hay muộn cũng giống nhau, cứ từ từ!”.
Năm nào cũng vậy, cứ gần tới Tết Nguyên đán, câu chuyện vé tàu xe về quê lại thay cho lời chào hỏi trong mỗi dịp gặp mặt tất niên. Trước đây, việc canh mua vé máy bay, vé tàu xe cuối năm trở thành “nhiệm vụ” chính của những người con xa xứ. Thế nhưng vài năm trở lại đây, dù đến sát tết, mọi người vẫn khá thờ ơ.
Nguyên nhân do ngày càng nhiều hãng hàng không tham gia vào thị trường, cung ứng đầy đủ nhu cầu của người dân. Từ tháng 8 đến nay, 4 hãng hàng không gồm Vietnam Airlines, Vietjet, Bamboo Airways và Pacific Airlines đã đua nhau tung hàng triệu vé trên tất cả các chặng nội địa. Thậm chí, dù dịch bệnh ảnh hưởng rất nhiều tới tâm lý và kinh tế của người dân nhưng tại một số chặng “hot” như Hà Nội - TP.HCM, TP.HCM - Đà Nẵng... số chỗ mở bán Tết Tân Sửu 2021 còn cao hơn hàng triệu vé so với năm Canh Tý 2020. Hết đợt bán đầu, các hãng lại mở thêm nhiều đợt sau, nguồn cung dồi dào, không lo thiếu vé về quê ăn tết.
Trong khi đó, giá vé thì dù mua sớm hay muộn cũng gần như ngang nhau. Các hãng vừa thông báo mở bán vé tết hôm nay thì ngay ngày hôm sau, các dải giá rẻ đã đồng loạt hiển thị “hết vé” trên trang bán online. Thông điệp “không có vé tết giá rẻ” cũng liên tục được đại diện các hãng hàng không khẳng định nên hành khách không còn tâm lý canh mua sớm để được vé rẻ.
Cá biệt, nhiều trường hợp mua vé tết sớm trước cả năm, may mắn mua được giá tốt thì đến gần ngày bay cũng “chóng mặt” vì lịch dời liên tục. Việt Đức (26 tuổi, ngụ tại Q.Bình Thạnh, TP.HCM) kể năm nào bạn cũng xin nghỉ tết trước và sau 1 tuần so với lịch nghỉ chính thức của cơ quan, nên chủ động lịch và có thể mua trước vé từ rất sớm. Mọi năm, Việt Đức thường kết hợp thực hiện một chuyến đi du lịch nước ngoài rồi về quê ở Huế ăn tết luôn. Tuy nhiên năm nay tình hình dịch bệnh phức tạp, kế hoạch du lịch cuối năm đành gác lại nên Đức đã “nhắm” mua vé về quê từ tháng 4.
“Mình may mắn, vừa mua xong thì cũng là lúc các hãng tạm đóng vé giai đoạn tết, chờ đến khoảng tháng 8 - tháng 9 mới chính thức thông báo mở bán vé tết. Mua trước gần cả năm nên săn được vé rẻ, chỉ hơn 3 triệu đồng/vé khứ hồi, trong khi bình thường phải mất hơn
5 triệu. Thế nhưng do lịch bay quá xa nên mỗi lần kiểm tra thông tin, mình lại thấy chuyến bay bị dời lại một chút. Mua vé sáng mà giờ đã chuyển thành bay đêm. Mua sớm quá cũng khổ”, Đức chia sẻ.
Xe khách chiều Nam - Bắc vẫn hot
Mới đây, hai bến xe lớn nhất TP.HCM là Bến xe Miền Đông và Bến xe Miền Tây vừa chính thức thông báo kế hoạch phục vụ Tết Nguyên đán 2021.
Theo kế hoạch phục vụ tết của Công ty TNHH MTV Bến xe Miền Đông, lượng khách có nhu cầu về quê dự báo bắt đầu tăng từ ngày 24.1 âm lịch, tức ngày 5.2.2021 dương lịch. Lượng khách mà bến xe này dự kiến phục vụ trong khoảng 10 ngày trước Tết Tân Sửu là 37.600 khách, bằng 95% so với năm 2020.
Bến xe Miền Đông sẽ bán vé trước từ ngày 12.1 đến hết ngày 7.2.2021 (nhằm ngày 30.11 đến hết ngày 26.12 âm lịch) cho khách đi từ ngày 24 - 28.12 âm lịch (từ 5 - 9.2.2021). Cũng giống như mọi năm, dự kiến mức phụ thu giá cước năm nay dao động từ 40 - 60% giá vé ngày thường, điều chỉnh từ ngày 16 - 27 tết, tùy từng tuyến.
Mở bán muộn hơn, trong đợt cao điểm Tết Nguyên đán Tân Sửu năm 2021 từ ngày 8.2.2021 (27.12 âm lịch) đến ngày 11.2.2021 (30 tết), Bến xe Miền Tây tổ chức bán vé phục vụ hành khách 24/24 và tổ chức bán vé trước từ ngày 22.1 - 6.2.2021 (10 - 25.12 âm lịch) cho hành khách đi lẻ và tập thể.
Ông Trần Văn Phương, Phó tổng giám đốc Công ty Bến xe Miền Tây, cho biết năm nay, đơn vị này sẽ liên hệ Ban Quản lý các khu chế xuất, khu công nghiệp có nhu cầu đặt vé cho công nhân về quê lập danh sách ghi đầy đủ họ tên, tuyến đường, ngày giờ đi gửi đến Bến xe Miền Tây. Căn cứ theo đó Bến xe Miền Tây sắp xếp, đến ngày đi hành khách vào Bến xe Miền Tây nhận vé và được hướng dẫn lên xe. Trường hợp số lượng từ 29 người trở lên cùng tuyến đường, Bến xe Miền Tây ký hợp đồng đưa xe đến điểm hẹn để đón khách. Ngoài ra, các đơn vị vận tải thuê phòng vé để tự bán vé như: Công ty Phương Trang, Công ty Thành Bưởi, Công ty Kumho Samco, Công ty Tuấn Nga... cũng có kế hoạch bán vé trước cho hành khách qua tổng đài của đơn vị, sau khi đăng ký kê khai giá vé tết.
Vé xe tăng loạn
Về mức tăng giá và thời điểm tăng giá vé bù chiều xe chạy rỗng, qua thống kê các năm, trong dịp Tết Nguyên đán các đơn vị vận tải kê khai tăng giá vé không quá 40% so với mức giá vé ngày thường, thời gian tăng giá trong 6 ngày (gồm 4 ngày trước tết và 2 ngày sau tết), cụ thể từ ngày 27.12 âm lịch đến hết mùng 2 tết (tức từ 8 - 13.2.2021).
Quy định là vậy, song thực tế, để có được những chiếc vé về quê ăn tết, nhiều người phải chật vật và chấp nhận mức giá tăng gấp 2 - 3 lần bình thường. Thử gọi điện tới nhà xe N.C chuyên chạy xe giường nằm tuyến TP.HCM - Phú Yên, chúng tôi được thông báo đã hết toàn bộ vé từ ngày 24 tết. Đại diện nhà xe này cho biết đã mở bán vé tết từ tháng 10 âm lịch và đến nay chỉ còn vé những ngày 20 - 23.12 âm lịch. Đáng chú ý, giá vé tăng gần gấp đôi, hơn 400.000 đồng/vé, trong khi thường ngày chỉ 200.000 - 230.000 đồng. Vé những ngày từ 24.12 âm lịch trở đi còn “vọt” lên mức 550.000 đồng/vé.
Khác với xe khách đường dài khu vực phía nam luôn hot do tập trung lượng lớn người lao động miền Bắc, miền Trung tại khu vực TP.HCM, Bình Dương..., dự báo nhu cầu xe tết tại khu vực phía bắc không quá nóng. Theo ông Nguyễn Anh Toàn, Giám đốc Công ty CP Bến xe Hà Nội, Tết Nguyên đán dự kiến lượng khách qua bến trong thời gian cao điểm sẽ tăng khoảng 30 - 50% so với ngày thường. Tuy nhiên, hiện các xe trong bến chỉ hoạt động chưa đến 50% công suất vào ngày thường, nên việc tăng vào ngày tết hoàn toàn trong khả năng đáp ứng. Các bến xe trung tâm lượng khách lớn như Giáp Bát, Mỹ Đình đều dự kiến sẽ được bố trí tăng thêm hơn 1.000 lượt xe/ngày, đảm bảo nhu cầu đi lại cho người dân.
Bình luận (0)