Đường vành đai 2 khó về đích

21/08/2018 05:05 GMT+7

Theo kế hoạch, cuối năm 2019 sẽ khép kín đường vành đai 2 nối một vòng TP.HCM, tuy nhiên đến nay kế hoạch này có thể vỡ bởi một số đoạn tuyến thi công rất chậm.

Đường vành đai 2 có chiều dài 64 km, từ nút giao thông cầu vượt Gò Dưa (QL1, Q.Thủ Đức) - nút giao thông cầu vượt Bình Phước (giao với QL13) - nút giao thông An Sương (giao với QL22) - ngã ba An Lạc (QL1 giao với đường Hồ Học Lãm) - đường Phú Định - Nguyễn Văn Linh (giao với đường Trịnh Quang Nghị) - cầu Phú Mỹ - cầu Rạch Chiếc trên đường vành đai phía đông - ngã tư Bình Thái (trên xa lộ Hà Nội) - ngã ba Linh Đông (giao với đường Phạm Văn Đồng) - nút giao Gò Dưa.
Vướng mặt bằng
Sau nhiều năm thi công, hiện đường vành đai 2 vẫn còn 14 km chưa được khép kín, bao gồm 8 km ở Q.9, Q.Thủ Đức và 6 km ở Q.8, H.Bình Chánh. Theo thông tin từ Sở GTVT, dự án đường vành đai 2 còn 4 phân đoạn chưa khép kín, chia thành 4 dự án nhỏ. Trong đó mới chỉ có 1 dự án đã được duyệt, đang triển khai xây dựng là đoạn từ đường Phạm Văn Đồng đến nút giao thông Gò Dưa, dài khoảng 2,75 km do Công ty CP Văn Phú Bắc Ái làm chủ đầu tư theo hình thức BT (xây dựng chuyển giao). Dự án có tổng vốn đầu tư hơn 2.527 tỉ đồng, trong đó chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng hơn 1.400 tỉ đồng. Chủ đầu tư đã chuyển cho TP toàn bộ số tiền bồi thường trên, nhưng đến ngày 20.7, công tác chi trả bồi thường, hỗ trợ, di dời tạm chỉ mới thực hiện được hơn 500 tỉ đồng (chỉ đạt 35,66%). Công tác đền bù, giải phóng mặt bằng được tách riêng thành dự án do UBND Q.Thủ Đức chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện.
Ngoài ra, nguyên nhân chậm còn do TP đang tạm dừng triển khai các dự án theo hình thức BT. Một nhà đầu tư cho biết dự kiến tham gia xây dựng một đoạn trong tuyến đường vành đai 2 nhưng chủ trương của TP tạm dừng các dự án theo hình thức này cũng đồng nghĩa với việc dự án tạm dừng lại khi doanh nghiệp và UBND TP đang trong giai đoạn tiến hành đàm phán hợp đồng BT.
Chờ tiền, chờ cơ chế
Theo Sở GTVT, trong 3 đoạn còn lại, đoạn từ ngã ba An Lạc (Q.Bình Tân) đến đường Nguyễn Văn Linh (H.Nhà Bè) dài khoảng 5,3 km mới đang ở bước trình xem xét chủ trương đầu tư. Trong khi đó, đoạn từ cầu Phú Hữu (Q.9) đến xa lộ Hà Nội và từ xa lộ Hà Nội đến đường Phạm Văn Đồng (Q.Thủ Đức) đã được UBND TP phê duyệt đề xuất dự án từ tháng 12.2016 nhưng đến nay vẫn chưa được phê duyệt báo cáo nghiên cứu dự án khả thi. Nguyên nhân do doanh nghiệp chưa được giao lập dự án đã hoàn thành hồ sơ thiết kế cơ sở và được Sở GTVT thẩm định nhưng chưa xác lập được phương án tài chính khả thi. Mặt khác, 2 dự án trên được phê duyệt đầu tư theo hình thức BT, trong khi theo chỉ đạo của UBND TP, Sở Kế hoạch - Đầu tư đang xây dựng quy trình thực hiện dự án theo hình thức PPP (đối tác công - tư, trong đó có hình thức BT) để triển khai thống nhất chung trên toàn địa bàn TP. Do đó, dự án đang phải nằm chờ, sẽ tiếp tục triển khai sau khi TP ban hành quy trình thực hiện dự án theo hình thức PPP.
Trả lời Báo Thanh Niên, ông Nguyễn Văn Tám, Phó giám đốc Sở GTVT TP, cho biết hiện khó khăn lớn nhất để triển khai các phân đoạn khép kín đường vành đai 2 là xác lập phương án tài chính khả thi. Cụ thể, việc đầu tư theo hình thức BOT chỉ phù hợp với tuyến đường làm mới, đồng thời trạm thu phí không quá gần với trạm thu phí khác và nguồn thu phải phù hợp với chi phí đầu tư. Nếu đầu tư theo hình thức BT, cần phải có đủ quỹ đất có giá trị phù hợp để thanh toán cho nhà đầu tư. Tuy nhiên với thực tế hiện nay, quỹ đất trên địa bàn TP không nhiều, chưa đủ khả năng đáp ứng. Vay vốn ODA sẽ phải ràng buộc rất nhiều điều kiện và gia tăng áp lực nợ công. Ngoài ra, nhiều vướng mắc trong quá trình thực hiện công tác bồi thường giải phóng mặt bằng cũng là trở ngại cố hữu ảnh hưởng đến tiến độ của dự án.
“Sở GTVT đã tham mưu kiến nghị UBND TP bố trí nguồn vốn ngân sách để thực hiện công tác bồi thường giải phóng mặt bằng đối với 2 phân đoạn từ cầu Phú Hữu đến xa lộ Hà Nội, từ xa lộ Hà Nội đến đường Phạm Văn Đồng và đã được UBND TP chấp thuận. Như vậy, tiến độ triển khai khép kín đường vành đai 2 đoạn từ cầu Phú Hữu đến nút giao Gò Dưa trong thời gian tới sẽ được đẩy nhanh; nhưng với tất cả những vướng mắc đã nêu trên, nhiều khả năng dự án không thể về đích đúng theo quy hoạch xây dựng từ năm 2017 - 2019”, ông Tám thông tin.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.