Duy trì mặt bằng lãi suất thấp để thúc đẩy kinh tế

11/01/2021 17:19 GMT+7

Chính phủ cần tiếp tục thực hiện chính sách tài khóa và tiền tệ hỗ trợ doanh nghiệp, thúc đẩy kinh tế phát triển trong năm 2021.

Chiều 11.1, Diễn đàn Kịch bản Kinh tế Việt Nam 2021 với chủ đề “Định hình chiến lược đầu tư và Kinh doanh trong bối cảnh mới” do Tạp chí Kinh tế Việt Nam tổ chức diễn ra tại TP.HCM. TS.Nguyễn Xuân Thành, Chuyên gia kinh tế cấp cao, thành viên tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, nhận định năm 2020 đa số các nền kinh tế đều tăng trưởng âm, ngoại trừ Việt Nam... Các chuyên gia đều có chung nhận định là năm nay các nền kinh tế sẽ tăng trưởng dương trong bối cảnh Covid-19 rồi sẽ qua đi, chính sách tiền tệ vẫn được nới lỏng và các gói hỗ trợ tài khóa được tiếp nối hoặc được mở rộng. Nhưng kịch bản đó không tránh khỏi những rủi ro như phân phối vắc xin không dễ dàng, kể cả những nước giàu. Bên cạnh đó có những thay đổi về chính trị và những căng thẳng về thương mại quốc tế không dễ gì được xóa bỏ…
Riêng đối với Việt Nam, động lực để phục hồi và phát triển trong năm nay là ổn định vĩ mô. Năm 2020 là lần đầu tiên Việt Nam bị ảnh hưởng bởi sự kiện toàn cầu nhưng vĩ mô vẫn ổn định. Đây là yếu tố quan trọng để kinh tế phục hồi trong năm 2021.
Thứ hai là cần phục hồi đầu tư doanh nghiệp tư nhân và đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng. Việc duy trì mặt bằng lãi suất thấp sẽ là động lực thúc đẩy đầu tư doanh nghiệp tư nhân năm 2021 và những năm sau. Đồng thời, cần tiếp tục tăng đầu tư công cho cơ sở hạ tầng trong năm nay như thực hiện trong năm vừa qua.
Thứ ba, chú trọng nối lại dòng vốn đầu tư nước ngoài. Vốn đầu tư nước ngoài năm 2020 có giảm, nhưng số tuyệt đối vốn FDI vào Việt Nam lớn. Điều quan trọng cho thấy Việt Nam vẫn là điểm hấp dẫn đối với dòng vốn nước ngoài do giữ được ổn định vĩ mô.
Thứ tư là phục hồi sức mua trong nước, trong đó chuyển đổi số là động lực quan trọng để doanh nghiệp thích ứng với bối cảnh mới. Đặc biệt, chính sách tiền tệ và tài khóa vẫn cần tiếp tục trong trạng thái hỗ trợ để thúc đẩy tăng trưởng sức mua và đầu tư trong nền kinh tế.
Cuối cùng là động lực đến từ xuất khẩu. Trong năm 2020, xuất khẩu đã giúp cho kinh tế Việt Nam vẫn giữ mức tăng trưởng dương. Nhờ đa dạng hóa thị trường xuất khẩu nên cả nước vẫn xuất siêu trogn năm qua, chẳng hạn xuất vào Mỹ và Trung Quốc tăng bù cho thị trường ASEAN, EU giảm sút. Vì vậy, việc thực thi và tận dụng tốt cơ hội từ các Hiệp định thương mại là động lực để đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường đã bị giảm sút trong năm nay như EU, ASEAN.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.