Chiều qua 8.8, Liên doanh Đồng Tâm Group và VinaCapital Group đã khởi công dự án Cảng quốc tế, khu công nghiệp (KCN), khu dịch vụ (KDV) công nghiệp và khu đô thị (KĐT) cảng quốc tế Long An. Phát biểu tại lễ khởi công, ông Võ Quốc Thắng - Chủ tịch HĐQT Đồng Tâm Group- cho biết, dự án có tổng vốn đầu tư gần 1 tỉ USD dành cho phát triển hạ tầng, chưa kể các khoản vốn đầu tư khác sẽ được rót vào các KCN, kho bãi… "Chúng tôi chọn cảng biển này làm hạt nhân đầu tư phát triển một khu vực tập trung kinh tế gồm KCN, KDV phục vụ công nghiệp cảng và KĐT mới của huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An", ông Thắng nói.
Dự án là liên doanh 50:50 vốn giữa Đồng Tâm Group và VinaCapital Group. Chiều dài của khu cảng là 2,6 km được phân kỳ đầu tư làm 3 giai đoạn từ 2010 - 2020, gồm có 7 bến cảng quốc tế có khả năng tiếp nhận được các tàu biển trọng tải 30.000 - 50.000 DWT và 6 bến tàu nội địa 1.000 DWT để khai thác lợi thế hệ thống sông ngòi chằng chịt của các tỉnh miền Đông - Tây Nam Bộ. Trong thời gian tới, khi tuyến luồng tàu biển trên sông Soài Rạp được nạo vét một số điểm thì cảng quốc tế Long An sẽ tiếp nhận được tàu có trọng tải đến 70.000 DWT. |
Nối TP.HCM - Kiên Lương và TP.HCM - Cà Mau
Tọa lạc tại xã Tân Tập, H.Cần Giuộc, cách cửa biển Đông khoảng 14 km, cảng quốc tế Long An có 2.600m nằm dọc sông Soài Rạp, có thể để tiếp nhận tàu biển trọng tải 30.000-70.000 DWT. Công suất bốc dỡ của cảng dự kiến khi đưa vào hoạt động giai đoạn 1 năm 2013 là 2,5 triệu tấn/năm, sẽ tăng lên 9,3 triệu tấn/năm vào năm 2015 và 15 triệu tấn/năm vào năm 2020.
Dự án Cảng quốc tế, KCN, KDV công nghiệp và KĐT cảng quốc tế Long An có tổng diện tích quy hoạch 1.935 ha, sẽ được liên doanh Đồng Tâm - VinaCapital triển khai liên tục trong 10 năm tới. Song song đó, một KĐT dành cho người dân địa phương, đội ngũ chuyên gia và công nhân viên làm việc tại đây cũng sẽ được xây dựng.
Ông Don Di Lam, TGĐ VinaCapital Group, cho biết cảng quốc tế Long An khi hoàn thành sẽ nối với hai tuyến đường thủy nội địa có năng lực vận tải lớn cho ĐBSCL là TP.HCM - Kiên Lương và TP.HCM - Cà Mau. "Đây là hai tuyến đường thủy quan trọng, có năng lực vận tải hàng hóa rất lớn cho khu vực ĐBSCL, giúp tiết kiệm chi phí và thời gian vận chuyển đối với khách hàng ở khu vực này. Bên cạnh đó, cảng quốc tế Long An cũng mở ra hướng vận chuyển biển quốc tế rất thuận lợi trong thời gian tới" - ông Don Di Lam nói.
Sầm uất trong tương lai
Ông Võ Quốc Thắng khẳng định: "Dự án sẽ góp phần giảm dần sự chênh lệch giàu nghèo giữa các vùng tiệm cận của Long An với TP.HCM. Khi dự án đi vào hoạt động sẽ tạo ra công ăn việc làm cho người dân trong khu vực - vốn được xem là vùng đất khó khăn nhất của tỉnh Long An, thúc đẩy phát triển kinh tế chung của vùng Đông - Tây Nam Bộ. Mặt khác, dự án khai thác được các tuyến đường sông của toàn vùng, mở ra con đường ngắn nhất từ ĐBSCL ra quốc tế, với chi phí vận chuyển xuất nhập khẩu có lợi cho khách hàng nhất. "Tương lai, đây sẽ là một cảng quốc tế sầm uất trong khu vực", ông Thắng tin tưởng.
Chủ tịch UBND tỉnh Long An, ông Dương Quốc Xuân cho biết, T.Ư và tỉnh đang tập trung đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng cho khu vực dự án, trong đó có việc mở rộng nâng cấp quốc lộ 50 và chuẩn bị khởi công cầu Mỹ Lợi nối kết TP.HCM với miền Tây Nam Bộ. Tuyến Vành đai 3 cũng sẽ được xây dựng nối Củ Chi (TP.HCM) với Đức Hòa, Bến Lức, Cần Đước, Cần Giuộc (Long An) và Long Thành (Đồng Nai). Tỉnh Long An cũng sẽ đầu tư nâng cấp các tuyến giao thông trên địa bàn H.Cần Giuộc.
Mai Vọng
Bình luận (0)