Gần 200.000 xe 'hết đát' không biết ở đâu

25/06/2018 08:01 GMT+7

186.883 ô tô hết niên hạn sử dụng, hơn 200.000 xe quá hạn đăng kiểm, nhưng làm sao ngăn chặn các phương tiện này tiếp tục cố tình lưu thông vẫn đang là bài toán khó đối với cơ quan chức năng.

Thu hồi chưa được 1/14 xe “hết đát”
Theo thống kê của Cục Đăng kiểm VN, đến nay cả nước có 186.883 ô tô hết niên hạn sử dụng (xe “hết đát”), trong đó có 138.510 xe chở hàng và 48.373 xe chở người. Tính đến ngày 1.6, có 205.058 ô tô quá hạn kiểm định từ 30 ngày trở lên. Nếu tính cả số xe quá hạn đăng kiểm (từ mức bắt đầu bị phạt), con số này còn lớn hơn nhiều.
Đáng chú ý, trong tổng số xe “hết đát” nói trên, số xe trong năm 2017 chiếm gần 1/8 (24.264 xe, trong đó có 21.651 xe chở hàng và 2.613 xe chở người). Cục Đăng kiểm VN đánh giá những phương tiện này nếu vẫn tiếp tục tham gia giao thông sẽ tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn rất cao.
Theo quy định, tất cả các phương tiện hết niên hạn sử dụng đều bị cấm lưu thông, buộc nộp lại giấy chứng nhận đăng kiểm cho trung tâm đăng kiểm địa phương và biển kiểm soát cho cơ quan đăng ký xe. Chủ phương tiện có quyền giữ các phương tiện này nhưng không được phép đưa vào lưu thông. Trên thực tế, số giấy tờ thu hồi được chỉ chiếm một phần rất nhỏ, còn số lượng lớn xe quá niên hạn không biết đang đi về đâu.
Trong năm 2017, trên địa bàn TP.HCM có khoảng 3.142 xe hết niên hạn, nhưng theo một cán bộ tại đơn vị quản lý phương tiện thuộc Công an TP.HCM, số giấy tờ thu hồi được chỉ có 220 xe, chiếm chưa đến 1/14 tổng số xe “hết đát”. Đáng lo ngại, có nhiều chủ xe không những trốn tránh việc nộp lại giấy tờ mà còn lén lút bán xe cho người khác làm giả giấy tờ, đưa vào lưu thông. Điển hình như trường hợp xảy ra vào cuối năm 2016, một công ty vận tải ở Q.2 mua xe container “hết đát” về gắn biển số đỏ giả, sau đó thuê tài xế không có giấy phép lái xe hạng FC điều khiển, gây tai nạn chết người.
Tại TP.HCM và Hà Nội còn có hẳn những khu chợ chuyên mua bán xe cũ, xe “quá đát”, “mông má” lại rồi tiếp tục đưa vào sử dụng.
Trao đổi với Thanh Niên, đại diện Phòng CSGT đường bộ - đường sắt (PC67, Công an TP.HCM) cho biết đơn vị này thường xuyên tiến hành rà soát, thống kê số ô tô hết niên hạn sử dụng, sau đó lập danh sách, gửi thông báo mời chủ phương tiện đến cơ quan chức năng làm thủ tục nộp giấy tờ theo đúng quy định. Tuy nhiên, trong công tác thu hồi giấy tờ, kiểm tra, xử lý còn gặp nhiều khó khăn. Thứ nhất, do phương tiện hết niên hạn thường được bán qua nhiều đời chủ nên việc xác minh không dễ. Thứ hai, hộ khẩu nơi chủ phương tiện đăng ký thường trú thường xuyên thay đổi gây khó khăn trong việc thông báo; và cuối cùng là tinh thần tự giác của chủ phương tiện chưa cao, cố tình né tránh không chấp hành việc nộp lại giấy tờ.
Rất khó thu hồi
Theo Quyết định số 16/2015 của Thủ tướng Chính phủ về thu hồi, xử lý sản phẩm thải bỏ, đến ngày 1.1.2018, mô tô, xe gắn máy, ô tô các loại hết thời hạn sử dụng sẽ bị tịch thu. Nhưng việc thu hồi giấy tờ xe hết niên hạn đã khó, thu hồi phương tiện còn khó hơn gấp nhiều lần.
Ông Khuất Việt Hùng, Phó ban chuyên trách Ban An toàn giao thông quốc gia, phân tích không thể thu hồi phương tiện hết niên hạn. Đây là tài sản thuộc sở hữu của người dân, họ được quyền sử dụng tài sản cho bất kỳ mục đích nào không trái quy định pháp luật như giữ làm kỷ niệm, chạy trong không gian riêng, tái sử dụng các động cơ còn hoạt động được để chế tạo thành các công cụ khác hay bán sắt vụn đều là quyền của họ. Chỉ cần không đưa các phương tiện này tham gia giao thông công cộng là được.
Theo ông Hùng, vẫn còn tồn tại tình trạng sử dụng xe hết niên hạn để chở nông, lâm, thủy sản hoặc thậm chí dùng làm xe đưa rước học sinh tại một số tỉnh, thành vùng sâu, vùng xa. Nguyên nhân là tại các khu vực này lực lượng thanh tra, kiểm tra mỏng, chưa sát sao trong công tác quản lý. “Giải pháp duy nhất là nâng cao công tác tuyên truyền, phổ biến nhắc nhở người dân thực hiện đúng quy định nộp lại giấy tờ xe quá niên hạn, đăng kiểm đúng thời hạn. Bên cạnh đó, lực lượng chức năng cần đẩy mạnh công tác quản lý, kiểm tra, xử phạt các trường hợp vi phạm”, ông Hùng nói.
Đồng tình, PGS-TS Nguyễn Lê Ninh, Ủy viên Hội đồng tư vấn khoa học - kỹ thuật - môi trường thuộc Ủy ban Mặt trận Tổ quốc VN TP.HCM, bổ sung đơn vị đăng kiểm và đơn vị đăng ký phương tiện phải có trách nhiệm thông báo tới chủ phương tiện khi phương tiện sắp hết niên hạn hay đã đến thời gian tái đăng kiểm. Ngay khi chủ phương tiện không thực thi, phải lập tức thông báo về cơ quan quản lý địa phương để có phương án xử lý theo đúng pháp luật.
TP.HCM sẽ tịch thu hàng chục ngàn phương tiện vi phạm giao thông
Ngày 24.6, Sở GTVT TP.HCM đề xuất UBND TP phương án xử lý 41.417 ô tô, mô tô vi phạm giao thông đang bị tạm giữ tại Công an TP, trong đó có 7.406 phương tiện đủ điều kiện để trả lại cho người vi phạm, số còn lại sẽ tiến hành tịch thu, đấu giá sung công quỹ theo đúng quy định (34.011 phương tiện).
Theo Phó chủ tịch UBND TP.HCM Huỳnh Cách Mạng, trên cơ sở đề xuất của Sở GTVT, TP sẽ tính toán để xử lý dứt điểm tình trạng hàng chục ngàn phương tiện vi phạm giao thông lưu giữ trong kho quá thời hạn bị tạm giữ. Ông Mạng cho biết thực hiện chỉ đạo của Phó thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình, UBND TP cũng đã có văn bản yêu cầu Công an TP cần hạn chế việc giữ phương tiện giao thông đường bộ của người vi phạm theo đúng tinh thần của luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012. Trong trường hợp bắt buộc phải tạm giữ phương tiện vi phạm để bảo đảm thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính thì phải đảm bảo điều kiện bảo quản để tránh gây hư hỏng phương tiện của người dân.
Đình Phú
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.