Gạo Việt gặp khó

28/06/2019 07:38 GMT+7

Khoảng chục năm qua, mỗi năm ngành lúa gạo mang về cho VN 2 - 3 tỉ USD và là một trong 3 nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới . Nhưng năm nay gạo đang gặp khó ở hầu hết các thị trường chủ lực.

Các nước nhập khẩu tăng tự chủ gạo

Xu hướng chung của các nước hiện nay là giảm nhập khẩu, tăng tự chủ lúa gạo. Năm nay, sản lượng gạo của hầu hết các nước đều tăng so với năm trước. Dự báo mới nhất của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), Thái Lan tăng 138.000 tấn, Ấn Độ tăng 2,87 triệu tấn, Campuchia tăng 79.000 tấn, Bangladesh tăng 2,35 triệu tấn, Indonesia tăng 100.000 tấn.
Theo USDA, tổng sản lượng gạo toàn cầu niên vụ 2018/2019 ước đạt trên 499 triệu tấn, tăng đến 4,2 triệu tấn so với năm 2018. Sản lượng tăng nhưng giao dịch gạo toàn thế giới chỉ khoảng 46,98 triệu tấn, giảm đến 561.000 tấn so với năm trước. Nguyên nhân được chỉ ra là các thị trường nhập khẩu lớn đều giảm nhập so với năm trước. Trung Quốc đang tồn kho tới 113 triệu tấn và đang “đẩy” gạo tồn này sang các nước châu Phi. Trong 4 tháng đầu năm nay, lượng gạo nhập khẩu của Trung Quốc chỉ có 850.000 tấn, giảm đến 24,4% so với cùng kỳ năm trước.

Một số thị trường quan trọng như Indonesia dự định không nhập khẩu gạo trong năm 2019. Thực tế quý 1 năm nay, Indonesia chưa có động thái nhập khẩu, nếu có tổng lượng nhập khẩu của nước này năm nay chỉ khoảng 800.000 tấn. USDA cũng dự báo Philippines giảm nhập 435.000 tấn, dù nước này xóa bỏ hoàn toàn quy định về hạn ngạch nhập khẩu áp dụng đối với mặt hàng gạo, thay vào đó các mức thuế nhập khẩu gạo, trong đó thuế suất đối với gạo nhập khẩu từ các nước trong ASEAN là 35%.
Trong khi cầu giảm nhưng cung dự báo tăng chính là nguyên nhân làm tình hình xuất khẩu nửa đầu năm nay ảm đạm. Bộ Công thương nhận định: Các nước nỗ lực nâng cao năng lực sản xuất trong nước hướng đến tự chủ về lương thực. Bên cạnh đó là thực hiện thuế hóa mặt hàng gạo và thay đổi phương thức nhập khẩu quen thuộc là mở thầu tập trung cấp chính phủ bằng phương thức tự do cạnh tranh. Các động thái này làm thay đổi sâu sắc quan hệ cung cầu theo hướng thị trường thuộc về người mua.

Càng xuất càng lỗ

Bộ Công thương dự báo: Các thị trường nhập khẩu gạo lớn như Trung Quốc, Indonesia và Bangladesh đều đồng loạt giảm nhập khẩu trong nửa đầu năm và dự báo sẽ là cả năm 2019. Do vậy, giá gạo xuất khẩu trung bình 5 tháng đầu năm nay khoảng 427,5 USD/tấn, giảm khoảng 76,8 USD/tấn so với cùng kỳ năm 2018.
Đầu ra hạn chế dẫn đến thị trường trong nước vô cùng ảm đạm. Theo Bộ Tài chính, giá thành sản xuất lúa hè thu ở ĐBSCL bình quân là 3.826 đồng/kg, trong khi hiện nay giá lúa tại ruộng chỉ có 3.800 đồng/kg. Theo ông Phạm Thái Bình, Tổng giám đốc Công ty CP nông nghiệp công nghệ cao Trung An (Cần Thơ), người dân đang lỗ, dù mới đầu vụ thu hoạch. Cần phải có giải pháp để mua hết lúa trong dân khi vụ hè thu. Bà Bùi Thị Thanh Tâm, Phó chủ tịch Hiệp hội Lương thực VN (VFA), nhận định: Thời kỳ hoàng kim của gạo qua rồi, doanh nghiệp xuất khẩu gạo, đặc biệt là các doanh nghiệp tư nhân đang tự bươn chải rất khó khăn.
“Trên cơ sở bảo đảm an ninh lương thực quốc gia đến năm 2050 và mỗi năm xuất khẩu gạo 5 triệu tấn, thì diện tích đất lúa có cần phải 3,8 triệu ha nữa không? VN nên sản xuất ít gạo hơn cũng là lời khuyên của Ngân hàng Thế giới tại VN”, ông Lê Minh Đức, Giám đốc Sở Công thương tỉnh Long An, đặt vấn đề.
Từ nhiều năm nay, GS-TS Bùi Chí Bửu, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học nông nghiệp miền Nam, vẫn bảo vệ quan điểm: Ngành gạo thế giới là một thị trường rất mỏng, chỉ có hơn 10 tỉ USD nên rủi ro là rất lớn. Tái cơ cấu nông nghiệp cần nghiên cứu chuyển đổi sản xuất theo xu hướng thị trường, sản phẩm có dung lượng lớn hơn. Còn lúa gạo phải hướng đến sản phẩm chất lượng cao, gạo dược liệu... Cùng quan điểm, Th.S Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia về sinh thái học ĐBSCL, cho rằng: Trong nhiều năm qua chúng ta đã bị trói buộc vào khái niệm an ninh lương thực nhưng khái niệm này cần được định nghĩa lại theo hướng cần có nhiều lúa gạo hay cần nhiều “tiền trong túi”, vì thực tế là những nước không có điều kiện sản xuất lúa gạo nhưng có nhiều tiền vẫn đảm bảo được an ninh lương thực.
Trước mắt, ông Trần Quốc Khánh, Thứ trưởng Bộ Công thương, cho rằng: Trong ngắn hạn vẫn cần có cơ chế hỗ trợ thu mua tạm trữ nhằm giải quyết đầu ra và lợi ích cho người nông dân. Cùng với đó, các bộ ngành cũng sẽ phối hợp làm tốt dự báo thông tin thị trường để doanh nghiệp có kế hoạch thu mua, dự trữ hợp lý.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.