Giá cá tra nguyên liệu giảm chạm đáy

15/08/2019 08:40 GMT+7

Theo Trung tâm Thông tin công nghiệp và thương mại (Bộ Công thương), giá cá tra nguyên liệu mấy tuần qua liên tục sụt giảm và đã chạm đáy.

Từ mức giá bán ra vào đầu năm nay là 30.000 - 31.000 đồng/kg, đến nay, cá tra nguyên liệu chỉ còn 20.500 đồng/kg. Theo Hiệp hội Cá tra Việt Nam, giá cá nguyên liệu giảm bắt đầu tháng 3 năm nay, xuống 25.000 đồng/kg và liên tục giảm “không phanh” trong mấy tuần qua. Tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, mỗi ký cá tra nguyên liệu được bán ra chỉ còn 20.000 - 21.000 đồng/kg, thấp hơn giá thành từ 2.000 - 3.000 đồng/kg.
Giá giảm dẫn đến diện tích, sản lượng và năng suất cá tra cũng giảm theo. Theo Chi cục Thủy sản các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long và Tổng cục Thủy sản, đến cuối tháng 7, diện tích nuôi mới cá tra của các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long gần 2.300 ha, giảm 9% so với cùng kỳ năm 2018, diện tích thu hoạch hơn 2.300 ha, giảm 7,5% so với cùng kỳ năm 2018, sản lượng đạt trên 739.000 tấn, giảm 8,2% so với cùng kỳ năm 2018 và năng suất trung bình đạt 317 tấn/ha, so với năm 2018 là 319 tấn/ha.
Có 3 lý do được các chuyên gia thủy sản đề cập đến khi nói tình trạng giá cá tra nguyên liệu giảm chạm đáy như hiện nay, về ngắn hạn lẫn dài hạn. Thứ nhất ảnh hưởng từ thuế chống bán phá giá tại Mỹ được đánh giá đã tác động lớn đến tình hình xuất khẩu cá tra của Việt Nam. Thứ hai, chính sách siết chặt thương mại mậu biên và kiểm soát chất lượng từ phía Trung Quốc khiến thủy sản nói chung, không riêng gì cá tra Việt gặp khó khăn. Ngoài việc siết buộc hàng thực phẩm nông sản vào Trung Quốc phải qua đường chính ngạch, hải quan Trung Quốc còn yêu cầu thủy hải sản xuất khẩu của Việt Nam phải nằm trong danh mục 120 loài đã được đánh giá và cho phép nhập khẩu vào Trung Quốc. Phải có chứng nhận kiểm dịch, giấy C/O, bao bì đóng gói phải có tiếng Trung và tiếng Anh, phù hợp với tiêu chuẩn đóng gói của Trung Quốc… Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu đã không nắm rõ những quy định này nên năm nay không đưa được hàng vào Trung Quốc. Cuối cùng, nhân dân tệ liên tục bị phá giá cũng là yếu tố bất lợi đối với thủy sản xuất khẩu của Việt Nam. Giá cả “trở nên đắt đỏ hơn với người tiêu dùng Trung Quốc, từ đó người dân Trung Quốc cân nhắc khi mua sản phẩm nhập khẩu”.
Hai giải pháp Tổng cục Thủy sản khuyến cáo các địa phương phải tăng cường phổ biến, hướng dẫn doanh nghiệp và tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện các quy định mới của Trung Quốc. Với thị trường Mỹ, tập trung giải quyết các rào cản thuế chống bán phá giá Mỹ đã áp, tăng cường xúc tiến thương mại sang các thị trường truyền thống và các thị trường mới...
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.