Ngày 14.1, dầu thô ngọt nhẹ WTI lùi nhẹ, giao dịch ở mức 52,8 USD/thùng với hợp đồng giao tháng 2; dầu Brent giao tháng 3 cũng mất gần 0,2%, giao dịch sát mốc 56 USD/thùng. Trước đó, kết thúc phiên khuya 13.1, cả hai hợp đồng này đều quay đầu giảm sau chuỗi ngày tăng mạnh, dầu WTI mất 30 cent, về 52,91 USD/thùng; dầu Brent lùi 53 cent về 56,05 USD/thùng.
Áp lực từ số ca nhiễm Covid-19 mới trên toàn cầu gia tăng đã đe dọa nhu cầu nhiên liệu giảm trong ngắn hạn, khiến giá dầu quay đầu lao dốc hai hôm nay. Theo Reuters, nước Mỹ ngày 12.1 (theo giờ địa phương) đã ghi nhận kỷ lục 4.470 ca tử vong trong ngày, con số cao nhất kể từ đầu dịch, nâng tổng số ca tử vong tại Mỹ lên hơn 380.000. Cùng ngày, Mỹ ghi nhận thêm 235.000 ca mắc Covid-19, nâng tổng số ca mắc lên hơn 22,8 triệu. Ngay sau đó, ngày 13.1, Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc cũng công bố có thêm 115 ca mắc Covid-19, con số cao nhất trong hơn 5 tháng, đặc biệt, có nhiều ca không có triệu chứng. Trung Quốc hiện đã ban bố tình trạng khẩn cấp, phong tỏa tại nhiều tỉnh trên cả nước. Nhật Bản ngày 13.1 cũng ban lệnh khẩn cấp bằng việc cấm công dân 11 quốc gia (trong đó có Việt Nam), vốn vẫn được nhập cảnh vào nước này, không được nhập cảnh vào Nhật cho đến ngày 7.2.
Tuy nhiên, giá xăng dầu hôm nay cũng được hỗ trợ bởi thông tin dự trữ dầu thô của Mỹ giảm nhiều hơn dự kiến. Số liệu của Viện Dầu mỏ Mỹ (API) cho thấy, dự trữ dầu mỏ của quốc gia này trong tuần qua giảm 5,8 triệu thùng, nhiều hơn so với mức dự báo giảm 2,3 triệu thùng được đưa ra trước đó, xuống còn khoảng 484,5 triệu thùng. Thông tin này cộng với việc Ả Rập Xê Út tự nguyện cắt giảm sản lượng thêm 1 triệu thùng/ngày kỳ vọng sẽ mở ra một đợt sóng mới trên thị trường dầu thô trong tuần tới.
Ngày 14.1, ở trong nước, theo bảng giá bán lẻ xăng dầu của Petrolimex, xăng E5 RON92 mức cao nhất 15.948 đồng/lít; xăng RON95 16.930 đồng/lít; dầu diesel 12.647 đồng/lít; dầu hỏa 11.558 đồng/lít; dầu mazut 12.272 đồng/kg.
Bình luận (0)