Giá điện giảm 'nhỏ giọt'

14/04/2020 06:28 GMT+7

Các doanh nghiệp sẽ được giảm giá điện 10% và hộ gia đình cũng được giảm 10% từ bậc 1 - 4 (dưới 300 kWh/tháng) trong thời gian 3 tháng (từ tháng 4 - 6.2020).

Thế nhưng, do hóa đơn điện tăng vọt, nhiều hộ đã “lọt sổ” không còn rơi vào danh sách hỗ trợ nữa.

Người dân được giảm tối đa 62.000 đồng/tháng

Giá điện sinh hoạt của người dân vẫn đang áp dụng ở 6 bậc khác nhau với đơn giá tăng lũy tiến theo từng bậc. Đối với những hộ đang sử dụng trong 50 kWh/tháng phải trả 83.900 đồng thì sắp tới sẽ được giảm 8.390 đồng xuống còn 75.510 đồng. Những gia đình nào sử dụng dưới 100 kWh/tháng phải trả 170.600 đồng thì sẽ được giảm 17.060 đồng xuống còn 153.540 đồng. Tương tự, nhà nào đang sử dụng dưới 300 kWh sẽ được giảm 62.560 đồng xuống còn hơn 563.000 đồng...
Như vậy, các hộ gia đình đang sử dụng trên 300 kWh/tháng (tương đương khoảng 600.000 đồng/tháng) trở lên cũng chỉ được giảm tối đa 62.560 đồng/tháng trong 3 tháng tới, riêng số điện trên 300 kWh vẫn được tính theo đơn giá hiện nay.
Trong khi giá điện giảm khá khiêm tốn thì mấy tháng nay, đặc biệt là tháng 4 này, hóa đơn điện của nhiều hộ gia đình tăng vọt, có hộ thậm chí hơn gấp đôi. Chị Như Trần (ngụ Q.Gò Vấp, TP.HCM) vừa thanh toán tiền điện tháng 4 hơn 2,2 triệu đồng, tăng hơn 1 triệu đồng so với trước đó mà vẫn không lý giải được tại sao. “Mỗi tháng tiền điện nhà tôi thường dao động từ 800.000 - 1 triệu đồng, cao nhất cũng chỉ 1,5 triệu đồng.
Tiền điện tháng 2 cũng chưa đến 1,5 triệu đồng mà qua đến tháng 4 tăng vọt lên hơn 2,2 triệu đồng. Nếu chỉ được giảm tối đa có hơn 62.000 đồng thì không đáng bao nhiêu”, chị Như Trần cho hay.
Bị “sốc” nhất là anh Phạm Hoàng (ngụ Q.Bình Thạnh, TP.HCM) do nhận được hóa đơn tiền điện tháng 4 tăng gấp 2,2 lần so với tháng 3. Cho chúng tôi thấy chi tiết hóa đơn thanh toán qua ví điện tử, anh Phạm Hoàng cho rằng anh ở căn hộ chung cư một mình, trước đây đi làm thì hiếm khi nấu ăn tại nhà nên tiền điện thấp. Cụ thể tháng 2 tiền điện của anh là 350.000 đồng, đến tháng 3 tăng lên 415.000 đồng, rồi tháng 4 nhảy vọt lên 925.000 đồng vì làm việc tại nhà nhiều hơn, nấu ăn nhiều hơn...
“Ngành điện chỉ giảm giá từ bậc 1 - 4 thì bình thường tôi sẽ thuộc diện được giảm. Nhưng vì làm việc tại nhà khi thực hiện cách ly xã hội nên mức tiêu thụ điện đã nhảy lên đến bậc cao nhất là bậc 6. Thế là vừa tốn điện, cũng chẳng được hưởng gì từ chính sách này cả”, anh Hoàng nói. Nhiều trường hợp khác cũng phản ánh tương tự vì “lọt sổ” đối tượng được giảm giá điện do hóa đơn điện tăng mạnh.

Cần giảm giá điện nhiều hơn

Với các doanh nghiệp (DN), giảm giá điện đồng nghĩa với giảm chi phí đầu vào. Trong thời buổi khó khăn như hiện nay, cứ giảm được chi phí đồng nào là tốt đồng đó. Thế nhưng, theo bà Trần Thị Ngọc Hà, Giám đốc Công ty TNHH TMDV phát triển thực phẩm Toàn Cầu (TP.HCM), mức giảm 10% tiền điện không thấm vào đâu so với chi phí mà DN đang “gồng”. Là đơn vị kinh doanh mặt hàng thực phẩm đông lạnh cung cấp cho các công ty sản xuất đồ ăn, trường học nhưng do dịch bệnh nên học sinh nghỉ học, trường đóng cửa... việc bán hàng của công ty sụt giảm mạnh trong khi vẫn phải tốn chi phí bảo quản thực phẩm đông lạnh.
“Tiền điện khoảng 35 triệu đồng/tháng, nay được giảm khoảng 3,5 triệu đồng là một con số quá nhỏ so với gánh nặng mà DN phải gồng gánh”, bà Hà nói.
Ông Nguyễn Chính Pháp, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tân Việt Sin, cũng cho hay chi phí tiền điện chiếm khoảng 5% trong tổng chi phí của công ty. Ước tính mỗi tháng công ty chi trả khoảng 400 - 500 triệu đồng tiền điện. Như vậy, tiền điện trong 3 tháng tới sẽ giảm được khoảng 50 triệu đồng/tháng. “Nếu được giảm 20%, tương ứng 100 triệu đồng thì chúng tôi có thêm một khoản để giữ được mức lương cho nhân viên như bình thường mà không phải cắt giảm lương”, vị này nói.
Bên cạnh mong muốn ngành điện có thể giảm giá nhiều hơn, ông Nguyễn Văn Kịch, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần thủy sản Cafatex (Hậu Giang), cho biết chi phí điện là một trong 3 nỗi lo thường trực của DN thủy sản, chỉ đứng sau lãi vay ngân hàng và lương công nhân, lên đến hàng tỉ đồng mỗi tháng.
Thế nhưng, DN hiện cứ bị ngành điện phát hành hóa đơn đến 3 lần/tháng, cứ 10 ngày là bị thúc nộp tiền điện, càng gây thêm khó khăn.
Ông Kịch nêu: Vì sao cứ phải trả tiền điện đến 3 lần trong một tháng mà không phải thu 1 lần như hộ gia đình? Liệu điều này có công bằng cho DN hay chưa? Trong khi đó, bảo hiểm xã hội, ngân hàng cũng đều gia hạn thời gian phải đóng phí hay trả nợ thì liệu ngành điện có lùi thời gian đóng tiền điện được hay không?
Trước việc nhiều khách hàng kêu hóa đơn điện tăng vọt trong tháng 4, Tổng công ty điện lực TPHCM cho biết hiện phúc tra nội bộ 100% hóa đơn có mức tăng trên 30%, trước khi phát hành tới khách hàng.
 

Huy động điện mặt trời 3 tháng đầu năm tăng 28 lần so với cùng kỳ 2019

Ngày 13.4, Tập đoàn điện lực Việt Nam công bố báo cáo tình hình sản xuất kinh doanh quý 1/2020. Theo đó, lũy kế 3 tháng đầu năm, sản lượng điện sản xuất và nhập khẩu toàn hệ thống đạt 57,29 tỉ kWh, tăng 6,3% so với cùng kỳ năm 2019.
Trong đó, do mực nước về các hồ thủy điện thấp nên thủy điện huy động được chỉ đạt 8,93 tỉ kWh, giảm tới 30,4% so với cùng kỳ năm 2019.
Tương tự, nhiệt điện khí huy động được trong quý 1 chỉ đạt 9,46 tỉ kWh, giảm 15,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Ngược lại, nhiệt điện than huy động lên tới 33,91 tỉ kWh, tăng 21,3% so với thời gian này 1 năm trước. Đặc biệt, năng lượng tái tạo huy động trong quý đầu năm là 2,76 tỉ kWh, trong đó điện mặt trời đạt 2,31 tỉ kWh, tăng gấp 28 lần so với cùng kỳ năm 2019.
EVN đặt mục tiêu ổn định hệ thống điện và thị trường điện, đáp ứng nhu cầu điện trong các tháng mùa khô quý 2/2020 với mức tăng trưởng cao nhất dự kiến 5,7% so với cùng kỳ và dự báo phụ tải của hệ thống có thể đạt bình quân tới 750 triệu kWh/ngày, công suất lớn nhất toàn hệ thống có thể lên tới 41.000 MW. Do đó, dự kiến các nguồn nhiệt điện than và tuabin khí sẽ được khai thác tối đa.
Chí Hiếu
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.