Giá heo hơi miền Bắc tăng đột biến
Cập nhật đến chiều qua (1.3), giá heo hơi tại Hưng Yên được thương lái báo về đang ở mức từ 85.000 - 86.000 đồng/kg, trong khi cách đó một tuần, chủ nhật (23.2), giá heo hơi tại địa phương này cao nhất 79.000 đồng/kg. Tại các tỉnh như Tuyên Quang, Nam Định, Vĩnh Phúc, Phú Thọ cũng tăng từ 2.000 - 4.000 đồng lên 86.000 đồng/kg, cao hơn 1 tuần trước khoảng 10.000 đồng/kg.
Trái ngược với thị trường phía bắc, giá heo hơi tại khu vực miền Nam ngày cuối tuần vẫn giữ mức ổn định của tuần qua, dao động từ 74.000 - 77.000 đồng/kg. Trong tuần qua, giá heo hơi tại miền Nam đã có lúc giảm sâu xuống 70.000 - 72.000 đồng/kg tại vùng Đông Nam bộ. Riêng tại Đồng Nai, mức giá cao hơn với 75.000 đồng/kg.
Trong khi đó, thông tin từ một số trại chăn nuôi phía nam, lượng cuộc gọi của thương lái đến trại hỏi mua heo trong 2 ngày cuối tuần tăng đột biến. Đặc biệt khu vực Bà Rịa-Vũng Tàu và Đồng Nai, giá heo hơi được thương lái “mời chào” chỉ cao hơn 1.000 - 2.000 đồng, khoảng 77.000 đồng/kg. Ông P.V.Hùng (chủ trại heo ở Bà Rịa) cho biết: “Trong ngày 1.3, đã có 4 cuộc gọi từ thương lái hỏi tôi để mua heo, tăng thêm 1.000 đồng/kg so với tuần qua nhưng... chỉ dặn để dành đó sẽ mua, có thể trao đổi tăng thêm chút nữa, chiều nay vẫn chưa ghé cọc, chưa thấy gì”.
Thông tin từ đại diện CP miền Nam, lượng heo các đại lý đặt mua từ công ty bắt đầu tăng từ gấp rưỡi lên gấp đôi trong 4 ngày qua. Cụ thể, trung bình mỗi ngày, CP miền Nam cung cấp cho các đại lý khoảng 3.000 con, nhưng đến hôm qua, các đại lý là khách hàng lâu năm của công ty đã đặt mua với số lượng gấp đôi, lên 6.000 con.
Gom hàng chờ xuất đi Trung Quốc ?
Ông Lê Xuân Huy, Phó tổng giám đốc CP Việt Nam, phụ trách thị trường phía nam, cho rằng lượng heo các nhà phân phối hỏi mua tăng gấp đôi trong khi khảo sát thị trường phía nam cho thấy, nhu cầu không tăng mạnh như vậy. Thừa nhận có sự tăng giá đột biến ở thị trường tự do phía bắc, ông Huy cho rằng có 3 lý do với sự tăng đột biến này. Thứ nhất, sau Tết Nguyên đán lại gặp dịch Covid-19 dồn dập kéo dài, nên nhu cầu thị trường giảm mạnh. Nay đã đến lúc phải đi chợ, tăng mua để duy trì cuộc sống thường nhật hằng ngày, cho dù có đi học, đi làm hay không, cũng phải mua thịt, cá, trứng, rau để bảo đảm bữa ăn gia đình. Theo đó, nhu cầu sẽ tăng hơn trong khi lượng heo dự trữ phía bắc không còn nhiều. Thứ hai, có thể có một số nhà kinh doanh đầu cơ đã để chuồng trống nay mua gom hàng để chuẩn bị tung ra thị trường sau khi học sinh đi học và các công nhân tại khu công nghiệp đi làm trở lại… “Cũng không loại trừ khả năng gom hàng để chờ cửa khẩu thông thương, bán sang Trung Quốc sau dịch, do thị trường này vẫn đang rất khan hàng thịt heo. Bởi nhu cầu thị trường phía nam không tăng đột biến, trong khi lượng heo chở ra phía bắc được báo cáo đang tăng...”, ông Huy nói và dự báo nếu tình trạng này kéo dài trong khoảng 1 tuần đến 10 ngày tới, các trại tư nhân sẽ giữ hàng để bán giá cao, giá heo hơi chắc chắn sẽ tăng trong thời gian tới theo chuỗi “domino” từ thị trường phía bắc.
Từ giữa tháng 2, sau khi Bộ trưởng Bộ NN-PTNT kêu gọi các doanh nghiệp chăn nuôi lớn tham gia bình ổn giá, “kéo” giá heo hơi xuống mức 75.000 đồng/kg, hai công ty chăn nuôi lớn là CP và Dabaco giảm giá heo hơi xuống 72.000 - 75.000 đồng/kg. Từ đó, giá heo hơi trong khu vực trại tư nhân cũng giảm theo. Khu vực miền Nam “hưởng ứng” khá tốt khi giá heo hơi liên tục “hạ nhiệt” từ mốc trên 80.000 đồng/kg, đã có ngày xuống sát mốc 70.000 đồng/kg. Giá thịt heo bán lẻ nhờ thế cũng giảm theo, trung bình mức giảm 10.000 đồng/kg, có loại thịt giảm đến 20.000 đồng/kg so với thời điểm sau Tết Nguyên đán.
Thế nhưng chỉ duy trì được thời gian ngắn, giá heo hơi phía bắc đã tăng đột biến khiến nhiều người lo ngại giá heo hơi các vùng miền khác sẽ tăng theo. “Các công ty chăn nuôi lớn vẫn theo giá bình ổn thị trường như cam kết với Chính phủ, giữ mức 75.000 đồng/kg, chưa có gì thay đổi”, ông Huy khẳng định.
Bình luận (0)