Ngày 22.2, Ngân hàng Nhà nước giữ ổn định tỷ giá trung tâm ở mức 23.239 đồng/USD. Tại Eximbank, giá mua USD ở mức 23.170 đồng, bán ra 23.300 đồng. Các ngoại tệ khác tăng giá lại, như bảng Anh tăng 120 đồng, mua vào lên 29.868 đồng, bán ra 30.307 đồng; franc Thuỵ Sĩ tăng 140 đồng, giá mua lên 23.552 đồng, bán ra 23.899 đồng; đô la Úc tăng 40 đồng, mua vào lên 15.265 đồng, bán ra 15.489 đồng; euro tăng 73 đồng, giá mua lên 24.991 đồng, bán ra 25.358 đồng…
Các ngoại tệ khác tăng mạnh trở lại sau khi USD trên thị trường thế giới đảo chiều giảm mạnh sau khi tăng lên mức cao. Chỉ số USD-index tăng lên 99,9 điểm và sau đó giảm mạnh về 99,34 điểm. Đồng đô la giảm khỏi mức cao gần đây so với đồng yen, euro và bảng Anh nhưng tăng mạnh so với các loại tiền tệ mới nổi. Cặp EUR/USD, đã chạm mức thấp nhất trong 3 năm đầu tuần này, hiện tăng mạnh trở lại sau khi cả hai chỉ số quản lý mua hàng của Pháp và Đức cho tháng 2 tăng cao hơn dự kiến. Đồng yen vẫn tăng trở lại mặc dù PMI sản xuất và dịch vụ tiếp tục giảm.
Thị trường chứng khoán Mỹ giảm điểm mạnh trong đêm 21.2, chỉ số Dow Jones giảm 0,78%, còn 28.992,41 điểm; S&P 500 giảm 1,05%, còn 3.337,75 điểm; Nasdaq giảm 1,79%, còn 9.576,59 điểm… USD và chứng khoán giảm khi các nhà đầu tư rơi vào trạng thái phòng thủ trong bối cảnh lo ngại về tác động kinh tế của Covid-19 khi nó lan ra bên ngoài Trung Quốc. Lợi tức của Kho bạc 30 năm giảm xuống mức thấp kỷ lục trong bối cảnh dữ liệu cho thấy hoạt động kinh doanh của Mỹ lần đầu tiên bị thu hẹp kể từ năm 2013 khi virus tấn công chuỗi cung ứng.
Ông Chris Rupkey, chuyên gia kinh tế tài chính của MUFG Union Bank cho biết, các nhà đầu tư đã đột nhiên bị “lạnh chân” và đang chạy trốn. Lợi suất và giá cổ phiếu đã trở lại đồng bộ ngày hôm nay khi thị trường lao dốc có nghĩa là triển vọng kinh tế sẽ không tốt trong năm nay như nhiều người nghĩ.
Bình luận (0)