Ngân hàng Nhà nước công bố tỷ giá trung tâm ngày 24.4 tăng thêm 11 đồng/USD so với ngày 23.4, lên 23.272 đồng/USD. Trên thị trường liên ngân hàng ngày 23.4, giá USD giao dịch giữa các ngân hàng tăng thêm khoảng 10 đồng, ở mức 23.490 đồng/USD. Các ngân hàng thương mại tăng giá USD thêm 10 đồng, Vietcombank mua vào lên 23.360 đồng/USD, bán ra 23.570 đồng/USD. Giá bán USD tại Eximbank lên 23,570 đồng/USD, mua vào 23.400 đồng/USD…
Ngược lại, giá USD tự do giảm 30 đồng ở chiều mua vào, còn 23.490 đồng/USD, bán ra giảm 20 đồng/USD, còn 23.530 đồng/USD. Chỉ trong 2 ngày qua, đồng bạc xanh trên thị trường tự do đã bị “thổi bay” khoảng 70 đồng/USD.
USD trong ngân hàng những ngày qua tăng giá trước thông tin thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan về tổng giá trị xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam trong kỳ 1 tháng 4 (từ ngày 1.4 đến ngày 15.4) đạt 17,8 tỉ USD, giảm 28,3% tương ứng giảm 7,03 tỉ USD so với kết quả thực hiện trong nửa cuối tháng 3. Cán cân thương mại hàng hóa thâm hụt 1,28 tỉ USD, trong đó xuất khẩu đạt 8,26 tỉ USD, nhập khẩu đạt 9,54 tỉ USD. Tuy nhiên tính từ đầu năm đến hết ngày 15.4, cán cân thương mại hàng hóa của Việt Nam vẫn thặng dư 2,46 tỉ USD. Ngoài ra, giá vàng trong nước hiện nay đang thấp hơn giá thế giới từ 500.000 đến 3 triệu đồng mỗi lượng tùy theo loại vàng. Điều này cũng làm cho nhu cầu USD không cao.
Giá USD trên thị trường quốc tế vẫn tiếp tục tăng so với các ngoại tệ khác, chỉ số USD-Index tăng 0,2 điểm, lên 100,56 điểm. Số liệu kinh tế Mỹ vừa công bố khá tiêu cực đã giúp USD phát huy là nơi trú ẩn. Mỹ vừa công bố có thêm 4,427 triệu người nộp đơn trợ cấp thất nghiệp lần đầu trong tuần qua, giảm so với những tuần trước đó và gần bằng mức dự báo 4,35 triệu đơn. Trong vòng 5 tuần trở lại đây có khoảng 26,5 triệu người Mỹ thất nghiệp dưới tác động của dịch Covid-19. Sức khỏe của ngành sản xuất giảm sút mạnh khi chỉ số PMI lĩnh vực sản xuất giảm từ mức 48,5 điểm của tháng 3 xuống còn 36,9 điểm; lĩnh vực dịch vụ giảm từ 39,8 điểm xuống 27 điểm.
Không những Mỹ, chỉ số PMI lĩnh vực sản xuất và lĩnh vực dịch vụ tại châu Âu tiếp tục giảm sâu hơn trong tháng 4. PMI lĩnh vực sản xuất của khối châu Âu và nước Anh lần lượt ở mức 33,6 và 32,9 điểm trong tháng này. Trước đó, tháng 3, các chỉ số này ở mức tương ứng 44,5 và 47,8 điểm. Ở lĩnh vực dịch vụ, giảm lần lượt ở 11,7 và 12,3 điểm trong tháng 4, từ mức 26,4 và 34,5 điểm của tháng 3.
Bình luận (0)