Giá thịt heo khó về “trạng thái bình thường”

14/07/2020 06:23 GMT+7

Loạt chính sách khuyến khích từ nhập khẩu thịt đông lạnh đến nhập khẩu heo sống, song giá heo hơi cuối tuần qua có dấu hiệu tăng trở lại.

Nhập khẩu heo sống chỉ đủ “gãi ngứa” thị trường

Sau khi bất ngờ tăng lên mốc 90.000 đồng/kg cách đây 1 tuần, nguyên tuần qua, giá heo hơi trên 3 miền chững lại, dao động từ 82.000 - 90.000 đồng/kg. Tuy nhiên, ngày cuối tuần qua, tại một số địa phương bất ngờ tăng 2 - 5 giá, một số nơi khác tăng nhẹ từ 1 - 2 giá, tập trung phần lớn tại các tỉnh miền Nam và miền Trung - Tây nguyên. Ngày hôm qua (13.7), giá heo hơi tại thị trường phía nam dao động từ 84.000 - 92.000 đồng/kg. Các địa phương có giá heo hơi “leo” trên mốc 90.000 đồng/kg có Bình Dương, Đồng Nai, Bình Phước... Tại miền Trung và Tây nguyên, heo hơi dao động từ 82.000 - 93.000 đồng/kg, miền Bắc vẫn duy trì mức giá trung bình khá cao, từ 88.000 - 92.000 đồng/kg.

Bộ trưởng NN&PTNT phát biểu trước quốc hội: "Không có lý gì mà giờ chúng ta cứ tập trung ăn thịt lợn"

Nhiều dự báo cho thấy Trung Quốc sẽ không tăng mua vào nữa do lượng thịt dự trữ của quốc gia này đang tăng. Một số nhà nhập khẩu thịt đông lạnh trong nước dự báo, giá thịt heo có thể sẽ quay trở lại nhịp bình thường trước dịch trong thời gian tới. Do trong đại dịch Covid-19, nhiều nhà máy giết mổ lớn của Mỹ, Canada, châu Âu phải ngưng hoạt động, đóng cửa, khiến giá thành thịt heo đội lên tầm 10.000 - 20.000 đồng/kg đối với một số sản phẩm có nhu cầu tiêu thụ cao.
Thông tin từ Cục Thú y - Bộ NN-PTNT, đến nay, đã có khoảng 9.000 con heo sống được 7 doanh nghiệp trong nước nhập khẩu chính thức từ Thái Lan về Việt Nam, trong đó heo nhập đưa về thị trường miền Nam chưa tới 3.000 con.
Tại hai chợ đầu mối TP.HCM, lượng heo hơi về chợ ngày chủ nhật (12.7) có hơn 5.000 con, trong đó có 600 con heo nhập từ Thái; ngày hôm qua (13.7), cả hai chợ có hơn 4.800 con, nhưng không có con heo từ Thái nào, theo phản ánh của các thương lái và tiểu thương kinh doanh tại chợ Hóc Môn (TP.HCM). Bà Trang - thương lái ở Đồng Nai cho biết heo Thái nhập lậu với số lượng ít vẫn về lai rai lâu nay, nhưng chẳng đáng là bao so với nhu cầu thị trường. “Hôm nào cao nhất có khoảng 700 con trên 5.000 con tại 2 chợ đầu mối, có hôm không có con nào. Nên nói thị trường thịt heo trông chờ vào heo nhập chính thức từ Thái thì... khó”, bà Trang nhận xét.
Đại diện một doanh nghiệp nhập khẩu heo sống từ Thái cho biết đến nay, công ty đã nhập khẩu về được 2.800 con heo thịt. Vấn đề là giá heo hơi từ Thái Lan tăng vọt, cộng thêm chi phí kiểm dịch, chờ kết quả kiểm dịch, nuôi cách ly trước khi giết mổ... đã đội lên khá cao khiến chính các nhà nhập khẩu heo sống từ Thái không còn mặn mà nữa.
“Trước khi xuất chuồng từ Thái Lan, cơ quan thú y bên đó đã lấy mẫu máu kiểm dịch, cấp giấy phép đầy đủ mới được xuất đi Việt Nam. Heo được chở từ Thái về qua Lào bằng xe chuyên dụng. Về đến cửa khẩu Việt - Lào lại phải lấy mẫu kiểm dịch và chờ có kết quả sau 5 ngày, chờ tiếp cơ quan thú y vùng kiểm tra kết quả mới cho xuất chuồng. Quá nhiều thời gian khiến lãi chẳng còn bao nhiêu, giá thành về đã hơn 82.000 đồng/kg, xuất chuồng giá 84.000 đồng/kg đã bị chê cao”, một nhà nhập khẩu heo khu vực miền Trung cho hay.

Chưa có vắc xin phòng dịch, khó cân bằng cung - cầu

Theo dự báo của Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường vào tuần trước, đến quý 4 năm nay, thị trường thịt heo sẽ trở về trạng thái bình thường, cung cầu gặp nhau như trước thời điểm dịch tả heo châu Phi bùng nổ. Khẳng định của ông Cường dựa trên thông tin tái đàn tại các địa phương đang được báo cáo về, trong bối cảnh tái đàn theo phương pháp sinh học và không có dịch bệnh. Tuy nhiên, loạt thông tin ngay ngày cuối tuần vừa qua liên quan đến ngành chăn nuôi tại các địa phương cho thấy, đang xảy ra tái dịch tả heo châu Phi tại nhiều địa phương.
Báo cáo hết 6 tháng đầu năm của Bộ NN-PTNT, cả nước có 228 xã chưa qua hết 30 ngày “thử thách” đã tái dịch tả heo châu Phi.
TS Võ Văn Sự, chuyên gia chăn nuôi - Viện Chăn nuôi Việt Nam, cho rằng khi chưa có vắc xin ngừa dịch tả heo châu Phi, mọi nỗ lực tái đàn, cho dù là bằng biện pháp sinh học, khả năng bảo đảm an toàn hoàn toàn là rất “mong manh”.
Ông Sự nói: “Vi rút dịch bệnh luôn luôn sống lơ lửng đâu đó trong không khí, có cơ hội là nó xâm nhập vào heo ngay. Như khi vắc xin phòng chống dịch Covid-19 chưa có, khả năng khống chế đại dịch này của thế giới là vô cùng khó khăn. Với dịch tả heo châu Phi cũng vậy, đến nay, chưa có vắc xin phòng chống, nên nguy cơ tái dịch luôn rình rập khắp nơi. Đó là chưa nói thời gian qua, chúng ta đã mở cửa cho nhập khẩu heo sống từ Thái về để bình ổn giá trong nước. Thực tế, nhập không được bao nhiêu, nhưng nguy cơ tăng tái dịch là hoàn toàn có thể xảy ra. Điều này tôi đã cảnh báo nhiều từ năm ngoái, khi heo nhập lậu từ Thái tràn vào Việt Nam”.
Đồng quan điểm này, ông Nguyễn Kim Đoán, thuộc Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, cũng cho rằng: Chừng nào chưa có vắc xin phòng chống dịch, chừng đó khó nói chăn nuôi trong nước giúp ngành lấy lại phong độ như trước được. Tái đàn thành công mới là cốt lõi của vấn đề, không xuất hiện tình trạng heo đang nuôi “tự nhiên lăn ra chết hàng loạt” mới giải quyết được vấn đề cung - cầu của thị trường. Thế nên, đến hết năm nay khó nói chuyện heo giảm sâu được”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.