Hôm nay (11.11), tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại tiếp tục đứng yên như Vietcombank duy trì giá giao dịch 23.060 - 23.270 đồng/USD... Riêng tỷ giá trung tâm do Ngân hàng Nhà nước công bố là 23.187 đồng/USD, tăng 5 đồng so với ngày hôm trước.
Trái lại, giá euro giảm nhẹ so với cuối tuần qua như Vietcombank giảm 29 - 31 đồng xuống còn 26.690 - 28.051 đồng/euro; Eximbank cũng giảm 11- 82 đồng xuống 27.129 - 27.635 đồng/euro...
Trên thị trường thế giới, chỉ số USD-Index đứng ở mức 92,69 điểm, giảm nhẹ so với ngày hôm trước. Trong bối cảnh đồng bạc xanh đi xuống, chứng khoán Mỹ liên tiếp đi lên. Nhà đầu tư bắt đầu bán ra những cổ phiếu đã tăng mạnh trước đó như nhóm công nghệ nhưng quay lại với các cổ phiếu liên quan đến sự phục hồi kinh tế. Chẳng hạn cổ phiếu Chevron và Exxon Mobil lần lượt tăng 4,6% và 2,2%; cổ phiếu Boeing vọt 5,2%... Đóng cửa phiên giao dịch ngày 10.11, chỉ số Dow Jones cộng 262,95 điểm, tương đương 0,9% lên 29.420,92 điểm. Tuy nhiên, chỉ số S&P 500 hạ 0,14% xuống 3.545,53 điểm và chỉ số Nasdaq Composite mất 1,37% còn 11.553,86 điểm khi cổ phiếu Zoom Video rớt 9%; cổ phiếu Alphabet và Microsoft lần lượt giảm 1,4% và 3,4%...
Đồng USD đã giảm khoảng 1,4% trong tháng vừa qua, góp phần hỗ trợ cho cổ phiếu nhiều nơi đi lên. Báo cáo từ Công ty chứng khoán SSI cho hay trong tháng 10, dòng tiền đầu tư toàn cầu tiếp tục rút khỏi thị trường tiền tệ khoảng 37,7 tỉ USD và vẫn đổ mạnh vào quỹ trái phiếu với tổng cộng 64,6 tỉ US. Chính sách tiền tệ nới lỏng đã khiến các quỹ trái phiếu ở tất cả các thị trường đều ghi nhận dòng vốn vào (nhiều nhất là các quỹ trái phiếu Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc).
Tình hình dịch bệnh ngày càng trầm trọng và cuộc bầu cử Mỹ khiến cổ phiếu các thị trường phát triển (DM) bị rút ròng trong nửa cuối tháng 10. Các thị trường mới nổi (EM) tỏ ra hấp dẫn hơn khi ghi nhận 6 tuần tiền vào liên tiếp (tổng cộng gần 9 tỉ USD), trong đó các thị trường mới nổi khu vực châu Á vượt trội so với châu Âu - Trung Đông - châu Phi (EMEA) và châu Mỹ La tinh nhờ sự thành công trong kiểm soát đại dịch và kỳ vọng sẽ đi trước trong quá trình phục hồi kinh tế. Báo cáo mới nhất của IMF dự đoán GDP 2020 của các nền kinh tế mới nổi khu vực châu Á là -1,7% so với mức -4,6% của khu vực châu Âu và -8,1% của khu vực châu Mỹ La tinh.
Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan, Malaysia là các thị trường châu Á có vốn vào cổ phiếu trong tháng 10. Thị trường Trung Quốc vẫn hút vốn mạnh nhất, tổng cộng 4,58 tỉ USD trong tháng 10 với dòng vốn vào cả các quỹ ETF và các quỹ chủ động. Với 3 thị trường còn lại, dòng vốn vào tập trung phần lớn ở các quỹ ETF. Ngoại trừ Malaysia, các nước Đông Nam Á khác (Indonesia, Thái Lan, Philippines, Việt Nam) đều bị rút ròng ở cả quỹ ETF và quỹ chủ động...
Bình luận (0)