Ngày 4.6, Ngân hàng Nhà nước tăng tỷ giá trung tâm 7 đồng/USD, lên 23.138 đồng/USD. Các ngân hàng thương mại cũng đã tăng giá USD 10 đồng, Vietcombank mua vào lên 22.920 - 22.950 đồng/USD và bán ra 23.150 đồng/USD; Eximbank mua USD với giá 22.950 - 22.970 đồng/USD và bán ra 23.130 đồng/USD… Ngược lại, các ngoại tệ khác giảm giá khá mạnh, Vietcombank giảm giá đô la Úc 150 đồng, xuống 17.199 - 17.379 đồng ở chiều mua vào và bán ra 17.917 đồng; đô la Canada giảm 90 đồng, mua vào còn 18.548 - 18.737 đồng và bán ra 19.324 đồng; euro giảm 130 đồng, mua vào còn 27.098 - 27.373 đồng và bán ra 28.515 đồng; bảng Anh giảm 110 đồng, mua vào còn 31.677 - 31.997 đồng và bán ra 33.000 đồng…
Giá đồng bạc xanh trên thị trường tự do tăng 30 - 50 đồng, mua vào lên 23.155 đồng/USD và bán ra 23.215 đồng/USD. Chênh lệch giữa giá mua và bán USD tự do giãn ra lên 60 đồng/USD thay vì chỉ 30 - 40 đồng/USD trước đó khi giá bán USD tăng nhanh hơn mua.
Giá USD quốc tế tăng mạnh, chỉ số USD-Index tăng 0,6 điểm, lên 90,53 điểm. Thông tin kinh tế Mỹ vừa công bố khá tốt làm USD tăng mạnh. Theo Viện Quản lý Nguồn cung Mỹ (ISM), chỉ số nhà quản lý mua hàng tăng 64 % trong tháng 5 từ mức 62% của tháng 4. Đây là con số cao kỷ lục, chỉ cần vượt 50% đã chỉ ra tín hiệu nền kinh tế tăng trưởng.
Ông Anthony Nieves, Chủ tịch Ủy ban Khảo sát Kinh doanh Dịch vụ ISM cho biết, “Khu vực dịch vụ tiếp tục tăng trưởng trong tháng 5 với tốc độ mạnh do các doanh nghiệp đã mở cửa trở lại và năng lực sản xuất tăng lên. Tuy nhiên, một số hạn chế về năng lực, tình trạng thiếu nguyên liệu, sự chậm trễ do thời tiết và những thách thức về nguồn lực hậu cần và việc làm vẫn tiếp diễn”.
Chỉ số hoạt động kinh doanh đã tăng lên 66,2, tăng từ mức 62,7 của tháng 4; áp lực lạm phát đang gia tăng. Bộ Lao động Mỹ công bố số lượng bảng lương phi nông nghiệp tháng 5 đã tạo ra gần 1 triệu việc làm.
Bình luận (0)