Lúc 7 giờ 40 phút sáng 16.3, chỉ số USD-Index trên Kitco lùi về 97,88 điểm, giảm 0,59 điểm so với phiên cuối tuần. Ngược lại tỷ giá euro so với USD tăng 0,46% lên 1,1161 và tỷ giá đồng bảng Anh so với USD cũng tăng 0,77% lên 1,2372...
Tuy nhiên tỷ giá USD trong nước chưa có nhiều biến động. Đầu ngày, tỷ giá trung tâm do Ngân hàng Nhà nước công bố đứng ở mức 23.222 đồng, tăng thêm 10 đồng so với cuối tuần qua. Riêng các ngân hàng thương mại hầu như giữ nguyên tỷ giá USD. Ngân hàng Vietcombank vẫn giữ nguyên tỷ giá USD ở mức 23.120 - 23.290 đồng; Eximbank, tăng giá mua vào 20 đồng lên 23.150 đồng/USD nhưng cũng giữ nguyên giá bán ra 23.270 đồng/USD... Tương tự, Eximbank tăng giá euro ở chiều mua vào thêm 135 đồng lên 25.667 đồng/euro nhưng vẫn giữ nguyên giá bán ra là 25.941 đồng/euro; Vietcombank giữ nguyên tỷ giá euro khi vẫn giao dịch ở mức 25.466 - 26.630 đồng/euro...
Trong cuộc họp bất thường vào chủ nhật 15.3, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã tuyên bố hạ lãi suất điều hành về 0% và thực hiện một chương trình nới lỏng định lượng (QE) mới với quy mô 700 tỉ USD. Đây là gói chính sách lớn chưa từng có trong lịch sử của Fed. Cơ quan này cho biết dịch Covid-19 đã gây tổn hại cho cộng đồng và làm gián đoạn hoạt động kinh tế ở nhiều nước trong đó có Mỹ.
Đây là lần đầu tiên Fed sử dụng lại chính sách lãi suất 0% kể từ tháng 12.2015. Fed cũng giảm cả lãi suất cho vay khẩn cấp qua cửa sổ chiết khấu từ 1,5% xuống còn 0,25% đồng thời kéo dài kỳ hạn cho vay lên 90 ngày và hạ tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với hàng nghìn ngân hàng xuống còn 0%...
Theo CNBC, việc Fed công bố một loạt biện pháp mạnh tay như trên trong cùng một ngày là chưa từng có tiền lệ trong lịch sử hơn 100 năm của ngân hàng trung ương này. Ngay cả trong cuộc khủng hoảng tài chính 2008, các biện pháp kể trên cũng chỉ được thực hiện dần trong vòng vài tháng chứ không phải trong một ngày.
Trong tuần này, thị trường tài chính thế giới sẽ có thể chịu tác động từ một số sự kiện như cuộc họp cấp bộ trưởng tài chính tại Liên minh châu Âu (EU) hay dữ liệu kinh tế Mỹ, Trung Quốc và khu vực Eurozone. Ví dụ ngày 16.3, Trung Quốc sẽ công bố dữ liệu về sản lượng công nghiệp, doanh số bán lẻ và đầu tư tài sản cố định cho tháng 2, giúp nhà đầu tư có cái nhìn rõ hơn về thiệt hại do các lệnh phong tỏa ngăn dịch Covid-19 gây ra cho nước này. Mỹ cũng sẽ công bố dữ liệu về sản lượng công nghiệp và doanh số bán lẻ tháng trước. Thêm vào đó, một số ngân hàng trung ương khác như của Nhật Bản, Thụy Sĩ và Nga cũng dự kiến sẽ tổ chức cuộc họp chính sách trong tuần...
Bình luận (0)