Đầu ngày 23.6, giá USD tại các ngân hàng thương mại trong nước không biến động nhiều. Giá USD được niêm yết tại ngân hàng Vietcombank đứng yên ở mức 23.100 - 23.310 đồng/USD; Eximbank vẫn giao dịch USD ở mức 23.120 - 23.290 đồng/USD; Vietinbank giảm 5 đồng còn 23.127 - 23.307 đồng/USD... Tỷ giá trung tâm do Ngân hàng Nhà nước công bố cũng đứng yên ở mức 23.241 đồng/USD.
Trong báo cáo thị trường tiền tệ trái phiếu nửa đầu tháng 6 mới công bố, Công ty chứng khoán MB (MBS) cho rằng tiền đồng là ổn định nhất khu vực và đang tiến sát về mức đầu năm. Cụ thể, tỷ giá trung tâm đến giữa tháng 6 ở mức 23.239 đồng/USD, giảm 22 đồng/USD so với mức cuối tháng 5. Tỷ giá liên ngân hàng và tỷ giá trên thị trường tự do đều đang ở mức thấp hơn tỷ giá trung tâm, lần lượt giao dịch ở mức 23.229 đồng/USD và 23.225 đồng/USD. Trên thị trường tự do, tính từ đầu năm, tỷ giá VND/USD đã giảm 35 đồng/USD. MBS cho rằng, trong khi đồng tiền các nước trong khu vực mất giá khoảng 1 - 5% so với đồng USD tính từ đầu năm thì các yếu tố vĩ mô thuận lợi như mức dự trữ ngoại hối cao hay lạm phát được kiểm soát và sự điều hành hợp lý của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) giúp VND giữ vững giá trị.
Trên thị trường thế giới, chỉ số USD-Index sáng 23.6 giảm nhẹ xuống dưới 97 điểm, còn 96,9 điểm. Đồng USD tiếp tục suy yếu khi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) thông báo số ca nhiễm Covid-19 vào ngày 21.6 đã tăng kỷ lục, hơn 183.000 ca nhiễm, với phần lớn số ca gia tăng đến từ châu Mỹ. Hay Hàn Quốc vào ngày thứ 22.6 cũng tuyên bố sự trở lại của dịch bệnh này là “làn sóng thứ 2”...
Đồng USD suy yếu có thể khiến các tài sản được neo giá theo đồng bạc xanh trở nên hấp dẫn hơn đối với người mua đang sử dụng những đồng tiền khác và cũng hỗ trợ giá vàng đi lên.
Trong nỗi lo của nhà đầu tư về dịch Covid-19, thị trường chứng khoán Mỹ đóng cửa phiên ngày 22.6 chỉ tăng nhẹ. Chốt phiên, chỉ số Dow Jones tăng 153,5 điểm, tương đương 0,59%, lên 26.024,96 điểm; chỉ số S&P 500 cộng 0,65% lên 3.117,86 điểm và Nasdaq Composite tăng 1,11% lên 10.056,48 điểm.
Bình luận (0)