Giá vàng ngày 17.3: thế giới giảm còn 42,4 triệu đồng/lượng

17/03/2020 08:36 GMT+7

Vàng đã tiếp tục giảm sâu vào ngày 17.3 khi các nước đồng loạt giảm lãi suất và các hoạt động bán vàng bù lỗ cho sự giảm giá kỷ lục của chứng khoán.

Các đơn vị kinh doanh vàng trong nước có động thái dọ giá vàng vào đầu ngày 17.3 khi tăng, giảm khá nhanh. Giá bán vàng miếng tại Tập đoàn Doji giảm 300.000 đồng so với chiều 16.3, còn 46,1 triệu đồng/lượng, mua vào duy trì ở mức 45,1 triệu đồng/lượng. Chỉ vài phút sau, đơn vị này đã tăng giá bán lên 46,3 triệu đồng/lượng, mua vào tăng lên 45,3 triệu đồng/lượng. Giá vàng trong nước giảm chậm hơn thế giới, kéo mức tăng cao hơn lên 3,8 triệu đồng/lượng. Các đơn vị khác chậm công bố giá thăm dò thị trường.
Giá vàng thế giới sáng ngày 17.3 giảm 20 USD/ounce so với giá cuối tuần qua, còn 1.507 USD/ounce, quy đổi tương đương 42,4 triệu đồng/lượng. Trong đêm 16.3, vàng có lúc giảm mạnh về đến 1.446 USD/ounce, giảm 258 USD/ounce liên tục trong 6 ngày qua. Vàng đã bị bán tháo nhằm bù lỗ cho thị trường chứng khoán giảm quá sâu. Trên thị trường chứng khoán Mỹ, chỉ số Dow Jones giảm 2.997,1 điểm, tương đương 12,93%, còn 20.188,52 điểm; S&P 500 giảm 324,89 điểm, tương đương 11,98%, còn 2.386,13 điểm; Nasdaq giảm 970,28 điểm, tương đương 12,32%, còn 6.904,59 điểm.
Tâm lý các nhà đầu tư càng trở nên xấu hơn khi các hoạt động thương mại tại Mỹ đóng cửa giữa đại dịch Covid-19. Các cửa hàng lớn đang đóng cửa, các trường công lập đóng cửa, Colorado đóng cửa tất cả các dốc trượt tuyết và một số bang đã ra lệnh đóng cửa các quán bar và nhà hàng. Các hãng hàng không Mỹ đang gặp nguy hiểm về tài chính khi lưu lượng hành khách giảm mạnh. Trung tâm kiểm soát dịch bệnh Hoa Kỳ đã cảnh báo hầu hết người dân nên ở nhà và khuyến nghị các cuộc tụ họp từ 50 người trở lên trong ít nhất hai tháng tới.
Để hỗ trợ nền kinh tế trong mùa dịch, các ngân hàng trung ương trên thế giới đã có những động thái nới lỏng chính sách tiền tệ với những động thái khác nhau, gần như ở mức tối đa nhằm ổn định nền kinh tế đang đứng trước nguy cơ khủng hoảng vì những hậu quả từ dịch Covid-19. Cụ thể, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ Fed đã có cuộc họp khẩn cấp lần hai trong tháng này và quyết định giảm lãi suất 1%, xuống còn 0 – 0,25%. Sau động thái này của Fed, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã quyết định cắt giảm hàng loạt các mức lãi suất điều hành vào tối 16.3. Cũng trong ngày 16.3, Ngân hàng trung ương Nhật Bản BOJ có cuộc họp bất thường, mặc dù quyết định vẫn giữ nguyên lãi suất cơ sở ở mức -0,10% nhưng tăng mức vốn hằng năm để mua chứng khoán thuộc quỹ hoán đổi danh mục lên 12.000 tỉ JPY, bên cạnh đó cũng sẽ nâng mức mua trái phiếu doanh nghiệp lên 2.000 tỉ JPY, tổng cộng tương đương khoảng 130 tỉ USD. Tương tự, Ngân hàng trung ương New Zealand RBNZ ngày hôm qua cắt giảm mạnh lãi suất cơ sở 0,75%, từ 1,0% xuống còn 0,25%. Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc BOK ngày 16.3 cắt giảm lãi suất cơ sở 0,5% xuống mức thấp kỷ lục 0,75%; ghi dấu lần hạ lãi suất khẩn cấp đầu tiên trong hơn 10 năm qua. Trước đó, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc PBoC thông báo cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc từ 0,05-0,1% cho các ngân hàng, có hiệu lực từ ngày 16.3, nhằm bơm khoảng 550 tỉ CNY tương đương 79 tỉ USD vào thị trường.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.