Giá vàng ngày 23.3: Giảm nhẹ, SJC vẫn cao hơn thế giới 4 triệu đồng/lượng

23/03/2020 08:32 GMT+7

Giá vàng SJC sáng ngày 23.3 bất động trước sự “giằng co” quanh mức 1.500 USD/ounce của kim loại quý trên thị trường quốc tế.

Ngày 23.3, giá vàng miếng SJC tại Công ty CP vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) giảm 200.000 đồng/lượng, bán ra còn 46,6 triệu đồng/lượng nhưng giá mua vào giữ nguyên ở mức 45,7 triệu đồng/lượng. Tập đoàn Doji giảm giá bán vàng miếng 150.000 đồng/lượng so với cuối tuần qua, còn 46,35 triệu đồng/lượng; nhưng giá mua vào tăng 100.000 đồng/lượng, lên 45,9 triệu đồng/lượng.
Vàng thế giới tiếp tục có những biến động khó lường vào đầu ngày 23.3. Mở cửa thị trường châu Á, kim loại quý đã tăng mạnh lên gần 10 USD/ounce so với giá cuối tuần qua, lên gần 1.510 USD/ounce. Sau đó, giá lao thẳng xuống mức 1.483 USD/ounce (giảm 27 USD/ounce) rồi gắng gượng tăng lại mức 1.499 USD/ounce, giảm khoảng 1 USD/ounce so với giá cuối tuần qua.
Sự ảnh hưởng nặng nề do dịch Covid-19 đang lan khắp nước Mỹ khi các cửa hàng treo bảng đóng cửa ở nhiều bang Ohio, Louisiana, Delaware, New York, California, Illinois, Connecticut và New Jersey. Vào Chủ nhật, Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ Steven Mnuchin cho biết trên Fox News rằng dự luật cứu trợ kinh tế đang được Quốc hội Mỹ hoàn thiện sẽ bao gồm khoản thanh toán 3.000 USD một lần cho các gia đình và cho phép Cục Dự trữ liên bang tận dụng tới 4.000 tỉ USD thanh khoản để hỗ trợ nền kinh tế
Vàng rất khó dự đoán sau những biến động với biên độ mạnh 120 USD/ounce trong tuần qua (từ 1.450 - 1.570 USD/ounce). Các hoạt động bán tháo vàng để bù đắp cho những khoản lỗ khác của nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán đã làm cho kim loại quý mất đi vai trò trú ẩn trong đại dịch Covid-19. Chứng khoán Mỹ đã giảm hơn 30% so với mức đỉnh giữa tháng 2 khi đại dịch lan rộng, ngay cả những khu vực an toàn nhất là thị trường trái phiếu đang trải qua căng thẳng thanh khoản trong một cuộc khủng hoảng thị trường chưa từng thấy kể từ cuộc khủng hoảng tài chính 2008.
Đồng thời, nhu cầu vàng vật chất giảm mạnh khi kinh tế nhiều quốc gia, đặc biệt là Trung Quốc, điêu đứng vì dịch bệnh, cũng tác động tiêu cực đến giá vàng ngắn hạn. Về dài hạn, vàng có triển vọng tích cực khi các ngân hàng trung ương cắt giảm lãi suất cũng như tung mạnh các gói hỗ trợ kinh tế khác. Điều này sẽ tạo áp lực lạm phát tăng lên khi dịch Covid-19 được kiểm soát, đồng nghĩa với việc vàng tăng giá.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.