Nguyên nhân chủ yếu khiến CPI tháng 4 giảm nhờ giá xăng dầu giảm mạnh. 2 đợt điều chỉnh giảm giá xăng, dầu vào ngày 29.3 và ngày 13.4 khiến chỉ số giá xăng, dầu giảm 28,48% (tác động làm CPI chung giảm 1,18%), giá gas giảm 19,74% (làm CPI chung giảm 0,24%) và giá dầu hỏa giảm 29,97%. Nhóm dịch vụ giao thông giảm nhiều nhất với 13,86% trong nhóm 6 mặt hàng, dịch vụ có chỉ số giá giảm. CPI bình quân 4 tháng đầu năm nay tăng 4,9% so với bình quân cùng kỳ năm 2019, còn CPI tháng 4 giảm 1,21% so với tháng 12.2019 và tăng 2,93% so với cùng kỳ năm trước. Nhờ chỉ số CPI tháng 4 giảm đẩy lạm phát cơ bản trong tháng giảm 0,15% so với tháng trước và tăng 2,71% so với cùng kỳ năm trước. Lạm phát cơ bản bình quân 4 tháng đầu năm nay tăng 2,96% so với bình quân cùng kỳ năm 2019.
Cũng theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trước tác động của dịch Covid-19, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 4 ước tính đạt 20,4 tỉ USD, giảm 7,9% so với tháng trước. Tính chung 4 tháng đầu năm là 79,89 tỉ USD, tăng 2,1% so với cùng kỳ năm trước. Về thị trường nhập khẩu, Trung Quốc đứng đầu với 22,7 tỉ USD, giảm 0,1% so với cùng kỳ năm trước; Hàn Quốc đứng thứ 2, đạt 15,5 tỉ USD, tăng 2,5%; ASEAN đạt 9,9 tỉ USD, giảm 7,8%...
Xuất khẩu tháng 4 đã sụt giảm tới 18,4% so với cùng khi chỉ đạt 19,7 tỉ USD. Tính chung 4 tháng, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 82,94 tỉ USD, tăng 4,7% so với cùng kỳ năm trước. Mỹ vẫn dẫn đầu thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam trong 4 tháng đầu năm, với kim ngạch đạt 20,3 tỉ USD, tăng 13,4% so với cùng kỳ năm trước; tiếp đến là Trung Quốc đạt 13,1 tỉ USD, tăng 26,7%; thị trường EU đạt 10,7 tỉ USD, giảm 8,1%... Cán cân thương mại hàng hóa 4 tháng ước xuất siêu 3 tỉ USD.
Số liệu của Tổng cục Thống kê cũng cho thấy, trong 4 tháng, số doanh nghiệp (DN) tạm ngừng kinh doanh có thời hạn là 22.700 DN, tăng 33,6% so với cùng kỳ năm trước. Ngoài ra, còn có gần 14.000 DN ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, giảm 19,2%; 5.277 DN đăng thông báo giải thể, và 5.776 DN chờ làm thủ tục giải thể với cơ quan thuế.
Bình luận (0)