Dữ liệu từ Bộ Công thương cho thấy, giá xăng thành phẩm trên thị trường Singapore thời gian gần đây có biến động, theo chiều hướng giảm nhiều hơn tăng, song tính chung giá bình quân lại không thay đổi nhiều so với giá bình quân tại kỳ điều chỉnh trước (11.9). Cụ thể, xăng RON92 dùng để pha chế xăng E5 RON92 trung bình 46,14 USD/thùng, xăng RON95 là 47,84 USD/thùng, dầu hỏa giảm mạnh xuống 39,53 USD/thùng.
Đại diện nhà phân phối xăng dầu khu vực phía nam cho biết, dựa vào diễn biến giá xăng dầu mua vào trong nửa tháng qua, theo giá thế giới, chiều nay (26.9) có thể cả xăng và dầu đều giảm nhẹ. Trong đó, xăng E5 có thể giảm nhiều hơn khoảng 200 đồng/lít, xăng RON95 đứng yên và dầu diesel có khả năng giảm hơn 300 đồng/lít. Tuy nhiên, vị này cũng nhấn mạnh, mức tăng giảm còn phụ thuộc đến việc cơ quan điều hành cho trích quỹ bình ổn giá xăng dầu hay không và trích lập bao nhiêu. Dự báo này chỉ dựa trên mức chi quỹ bình ổn giá của kỳ trước. “Nếu liên bộ tăng trích lập và giảm chi quỹ bình ổn giá xăng dầu, có thể giá xăng không thay đổi”, vị này nhấn mạnh.
Ở kỳ điều hành lần trước (11.9), liên Bộ Tài chính - Công thương quyết định giảm giá tất cả mặt hàng xăng dầu. Giá bán lẻ xăng E5 RON92 trên thị trường hiện tại ở mức 14.266 đồng/lít, với xăng RON95 là 14.984 đồng/lít.
Trên thế giới, trong tuần qua, giá dầu mất 3%, thị trường dầu thô thế giới chứng kiến tuần giảm thứ 3 trong tháng 9 trước lo ngại làn sóng nhiễm Covid-19 lần thứ 2 tại các nước châu Âu. Ngày 26.9, kết thúc phiên giao dịch cuối tuần, hợp đồng dầu thô ngọt nhẹ giao tháng 11 giảm nhẹ nhưng vẫn ở trên mức 40 USD/thùng; hợp đồng dầu Brent cũng giảm nhẹ, giá về gần mức 42 USD/thùng. Trong tuần qua, theo dữ liệu trên Dow Jones Market, dầu WTI giảm 2,6% và dầu Brent mất gần 3%.
Giám đốc chiến lược thị trường tại SIA Wealth Management, Colin Cieszynski, nhận định, các nhà đầu tư trở nên thận trọng hơn trong tuần này trước diễn biến dịch Covid-19 làm tăng lo lắng liệu làn sóng lây nhiễm thứ 2 có ảnh hưởng lớn đến kinh tế thế giới và nhu cầu nguyên vật liệu. Số ca nhiễm Covid-19 vẫn tăng mạnh đã thúc đẩy việc nối lại một số lệnh hạn chế phong tỏa ở các nước châu Âu, đồng thời làm dấy lên lo ngại về triển vọng kinh tế Mỹ.
Bình luận (0)