Ngày 29.6, các hợp đồng dầu thô tiếp tục giảm sau khi lao dốc 2% trong phiên ngày đầu tuần. Dầu thô ngọt nhẹ WTI giao dịch dưới ngưỡng 73 USD/thùng, dầu Brent lùi về 74 USD/thùng. Khoảng cách chênh lệch giữa 2 loại dầu ngày càng tiến gần hơn.
Theo kết quả thỏa thuận từ đầu tháng 4, đến đầu tháng 7, sản lượng dầu của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và đồng minh (OPEC+) sẽ tiếp tục tăng thêm 400.000 thùng/ngày (trong tháng 5 tăng thêm 350.000 thùng/ngày và tháng 6 tăng thêm 350.000 thùng/ngày). Song song đó, Ả Rập Xê Út, quốc gia tự nguyện cắt giảm đến 1 triệu thùng mỗi ngày cũng thông báo sẽ điều chỉnh mức cắt giảm tự nguyện này, dự kiến nâng sản lượng dầu từ tháng 7 thêm 400.000 thùng mỗi ngày. Như vậy, thị trường dầu thô thế giới từ tháng 7 sẽ có thêm 800.000 thùng mỗi ngày từ OPEC+ và Ả Rập Xê Út.
Một số phân tích cho rằng, với diễn biến nguồn cung giảm trong thời gian gần đây, OPEC+ có thể tính toán gia tăng sản lượng thêm 500.000 thùng/ngày từ tháng 8 tới. Trên MarketWatch, nhà phân tích rủi ro thị trường và nguồn cung dầu tại S&P Global Platts, Paul Sheldon cũng nhận định, với mức giá dầu trung bình 70 USD/thùng, tăng hạn ngạch thêm 500.000 thùng mỗi ngày sẽ thêm phần “nhạy cảm” cho nhu cầu phục hồi mong manh.
Thực tế đã có “nỗi lo sợ” khi biến thể Delta của vi rút Corona đang đe dọa, thách thức nỗ lực mở cửa phục hồi kinh tế của các nước châu Âu, hoặc thậm chí lùi một bước vào mùa hè này. Thêm vào đó, thông tin nguồn cung tăng mạnh từ tháng 7 và 8 tới đã đẩy thị trường dầu đi xuống.
Trong nước, ngày 29.6, giá xăng dầu bán lẻ phổ biến ở mức sau: xăng E5 RON92 19.760 đồng/lít; xăng RON95 20.916 đồng/lít; dầu diesel 16.119 đồng/lít; dầu hỏa 15.051 đồng/lít và dầu mazut 15.449 đồng/kg.
Bình luận (0)