Giá xăng dầu ngày 14.7.2020: Lao dốc về dưới mốc 40 USD/thùng

14/07/2020 09:01 GMT+7

Các hợp đồng dầu thô tương lai quay đầu giảm sau khi có thông tin các nước sản xuất dầu mỏ chủ chốt đang xem xét nới cắt giảm sản lượng, tăng khai thác thêm 2 triệu thùng/ngày trở lại.

Đầu giờ sáng nay (14.7, theo giờ Việt Nam), hợp đồng dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 8 tiếp tục lao dốc, mất 62 cent, tương đương 1,55%, về 39,48 USD/thùng; hợp đồng giao tháng 9 cũng mất 61 cent, còn 39,71 USD/thùng; giao tháng 10 còn 39,9 USD/thùng. Như vậy, các hợp đồng dầu thô WTI đã xuống dưới mốc 40 USD/thùng sau khi mất 45 cent (1,1%) xuống 40,1 USD/thùng vào cuối phiên ngày 13.7. Các hợp đồng dầu Brent giao tháng 9 cũng mất 52 cent (1,2%) cuối phiên 13.7 và sáng nay tiếp tục điều chỉnh lùi 59 cent, tương đương 1,38%, về 43,13 USD/thùng.
Thị trường dầu thô thế giới lao dốc ngay ngày đầu tuần và kéo sang hôm nay được cho là do thông tin liên minh các nhà sản xuất dầu mỏ dẫn đầu là Ả Rập Xê Út đang thúc đẩy OPEC và đồng minh (OPEC+) nới lỏng cắt giảm sản lượng vào tháng 8 tới. Theo Wall Street Journal, nhiều dấu hiệu cho thấy nhu cầu dầu đã quay trở lại sau sự sụt giảm do các biện pháp phong tỏa chống dịch Covid-19, khiến các nước sản xuất dầu mỏ và đồng minh thúc đẩy việc nới lỏng sản xuất từ tháng sau. Trong 2 ngày 14 - 15.7, dự kiến sẽ có một cuộc họp định kỳ tiếp theo để Ủy ban Kỹ thuật chung của OPEC và Ủy ban giám sát chung cấp bộ trưởng đưa ra đánh giá về thị trường dầu và có khuyến nghị nới lỏng cắt giảm hay không.
Ngày 13.7, theo TTXVN, Ả Rập Xê Út và Iraq đã xác nhận cam kết tuân thủ đầy đủ thỏa thuận cắt giảm sản lượng dầu mỏ của OPEC+. Trước đó vào tháng 4.2020, OPEC+ bao gồm Nga, đã đồng ý cắt giảm sản lượng toàn cầu 9,7 triệu thùng/ngày trong tháng 5 và tháng 6 sau khi nhu cầu sụt giảm và cuộc chiến giá dầu giữa 2 ông lớn Ả Rập Xê Út và Nga khiến giá dầu thô lao dốc. Việc cắt giảm sản lượng sau đó được kéo dài đến cuối tháng 7 năm nay và mới đây là thông tin đề xuất của Ả Rập Xê Út và Nga về nới lỏng cắt giảm khoảng 2 triệu thùng/ngày, chỉ còn giảm 7,7 triệu thùng bắt đầu từ tháng 8. Tuy nhiên, một số nhà phân tích trên MarketWatch cho rằng, thị trường dầu thô vẫn bị áp lực khi số ca nhiễm Covid-19 nhảy vọt ở Mỹ và nhiều nơi khác.
Ở trong nước, tại kỳ điều chỉnh giá xăng dầu chiều hôm qua (13.7), liên Bộ đã quyết định tăng chi quỹ bình ổn, giữ nguyên giá xăng dầu đã tăng từ kỳ điều chỉnh trước. Cụ thể, cơ quan quản lý thực hiện trích lập Quỹ Bình ổn giá đối với xăng E5 RON92 ở mức 100 đồng/lít (kỳ trước là 50 đồng/lít), xăng RON95 trích lập ở mức 200 đồng/lít (bằng kỳ trước), dầu diesel ở mức 500 đồng/lít (kỳ trước là 600 đồng/lít), dầu hỏa ở mức 300 đồng/lít (bằng kỳ trước) và dầu mazút trích lập ở mức 300 đồng/kg (bằng kỳ trước). Cùng với đó, chi sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu đối với các mặt hàng xăng E5 RON92 ở mức 961 đồng/lít (kỳ trước chi 900 đồng/lít), xăng RON95 ở mức 526 đồng/lít và dầu diesel ở mức 167 đồng/lít (kỳ trước không chi), dầu hỏa ở mức 88 đồng/lít (kỳ trước không chi), dầu mazút ở mức 254 đồng/kg (kỳ trước không chi). Sau khi thực hiện việc trích lập và chi sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu, ngày 14.3, theo bảng giá bán lẻ xăng dầu của Petrolimex, xăng E5 RON92 có giá 14.258 đồng/lít, xăng RON95 14.973 đồng/lít, dầu diesel 12.114 đồng/lít, dầu hỏa 10.038 đồng/lít…
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.