Giá xăng dầu thế giới ngày 29.7.2020: Quay đầu tăng

29/07/2020 09:14 GMT+7

Sau khi lao dốc xuống mức thấp nhất trong hơn một tuần, giá dầu thô thế giới đầu giờ sáng nay (29.7, theo giờ Việt Nam) quay đầu tăng lại.

Cập nhật đến 7 giờ 30 sáng nay (29.7), dầu thô ngọt nhẹ WTI giao ngay nhích lên 16 cent, tương đương 0,39%, lên 41,2 USD/thùng; hợp đồng giao tháng 9 cũng thêm 18 cent, lên 41,22 USD/thùng. Hợp đồng giao tháng 9 trước đó lùi 56 cent (gần 1,4%) xuống 41,04 USD/thùng khi kết thúc phiên 28.7. Tương tự, dầu Brent sáng nay tăng 19 cent với hợp đồng giao ngay, tương đương 0,44%, lên 43,8 USD/thùng; hợp đồng giao tháng 9 tăng 22 cent, lên 43,44 USD/thùng. Trước đó, hợp đồng này lùi 19 cent, về 43,22 USD/thùng khi kết thúc phiên ngày 28.7.
Các hợp đồng dầu thô tương lai quay đầu tăng nhờ đồng USD đã tăng nhẹ trở lại sau khi chạm đáy mức thấp nhất trong 2 năm. Trên MarketWatch, nhiều nhà đầu tư vẫn tỏ ra khá thận trọng khi cho rằng, nhu cầu xăng dầu vẫn “cầm chừng” ở mức giá trên 40 USD/thùng và khó đánh giá nhu cầu trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang hoành hành tại nhiều nơi trên thế giới. Ở Mỹ, ngày 27.7, hai đảng Cộng Hòa và Dân Chủ đã khởi động các cuộc đàm phán về gói cứu trợ trị giá 1.000 tỉ USD trong mùa dịch. Chuyên gia phân tích cho rằng đây là dấu hiệu tích cực trong bối cảnh đà phục hồi kinh tế Mỹ đang chậm lại.
Theo Bloomberg, số liệu từ Hiệp hội hàng không châu Á -Thái Bình Dương cho thấy, trong tháng 6, số khách hàng của các hãng hàng không châu Á giảm đến 98% do giới hạn đi lại vì Covid-19. Ước số tải khách trung bình (Average passenger load factor) chỉ đạt 36,3%. Tính chung cả khu vực châu Á - Thái Bình Dương, các hãng hàng không chở 61 triệu hành khách trong 6 tháng đầu năm, giảm 68% so với cùng kỳ. Hiệp hội hàng không châu Á - Thái Bình Dương nhận định triển vọng phục hồi 6 tháng cuối năm càng khó khăn hơn khi khắp nơi lại đang vật lộn với dịch bệnh tái bùng phát và buộc phải tái áp lệnh phong tỏa.
Dịch Covid-19 đang khiến lượng tiêu thụ dầu hàng ngày chững lại, chỉ bằng 1/3 so với nhu cầu ngày thường khi chưa có dịch bệnh. Một số nhà lãnh đạo Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) bắt đầu lo ngại nhu cầu dầu mỏ biến động trong năm nay có thể dẫn đến sự thay đổi mang tính dài hạn. Reuters dẫn nguồn tin riêng cho biết OPEC đang lo ngại việc tiêu thụ dầu mỏ khó có thể phục hồi hoàn toàn như trước. Cách đây 12 năm, các quốc gia xuất khẩu dầu mỏ OPEC đã bội thu khi giá dầu lên 145 USD/thùng. Và với mức giá trên 40 USD/thùng như hiện này, Reuters cho rằng, nếu kéo dài, các quốc gia có nguồn thu chủ yếu từ dầu mỏ trong tổ chức OPEC, kể cả Ả Rập Xê Út cần cân đối lại ngân sách.
Ở trong nước, chiều hôm qua (28.7), đúng như dự báo, do trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đang có diễn biến xấu, Liên Bộ Công thương – Tài chính đã tiếp tục chi Quỹ bình ổn giá xăng, điều chỉnh không tăng giá đối với xăng RON95, tăng nhẹ 151 đồng/lít với xăng E5 RON92 và dầu diesel tăng 283 đồng/lít. Tại kỳ điều chỉnh này, Liên bộ thực hiện trích lập Quỹ Bình ổn giá như kỳ trước, với xăng E5 RON92 ở mức 100 đồng/lít, xăng RON95 trích lập 200 đồng/lít, dầu diesel 500 đồng/lít, dầu hỏa 300 đồng/lít… Ngoài ra, liên bộ chi sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng với xăng E5 RON92 ở mức 900 đồng/lít (kỳ trước chi 961 đồng/lít), xăng RON95 479 đồng/lít (kỳ trước là 526 đồng/lít), dầu hỏa 100 đồng/lít (kỳ trước 88 đồng/lít), dầu diesel ngừng chi sử dụng (kỳ trước 167 đồng/lít). Theo đó, bảng giá bán lẻ xăng dầu ngày 29.7 của Petrolimex với xăng E5 RON92 là 14.409 đồng/lít; xăng RON95 14.973 đồng/lít; dầu diesel 12.397 đồng/lít; dầu hỏa 10.279 đồng/lít.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.