Giải ngân vốn đầu tư công: Truy trách nhiệm khi có tiền nhưng tiêu không hết

19/09/2020 08:11 GMT+7

Kỳ vọng và nỗ lực giải ngân vốn đầu tư công từ Chính phủ là rất lớn để phục hồi nền kinh tế sau Covid-19 . Bởi vậy, người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương phải chịu trách nhiệm khi chậm tiêu hết số tiền được giao.

Áp lực giải ngân vốn đầu tư công không chỉ ở các dự án công trình trọng điểm, mà còn là trách nhiệm cụ thể của 63 địa phương trên cả nước.

Gắn với trách nhiệm giải trình từng cá nhân

Trong văn bản gửi các địa phương, Thủ tướng cũng đã nêu rõ, trường hợp cán bộ công chức, cơ quan đơn vị cố tình làm chậm, nhũng nhiễu, vi phạm quy định, gây lãng phí về đầu tư công sẽ bị xử lý nghiêm. Theo TS Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu và quản lý kinh tế T.Ư, để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, không chỉ cần tháo gỡ những điểm nghẽn về cơ chế thủ tục, giải phóng mặt bằng..., mà quan trọng hơn là gắn liền trách nhiệm người thực hiện. “Ví dụ như giải phóng mặt bằng đang rất vướng nhưng khó quy trách nhiệm vì liên quan đến rất nhiều đơn vị, nhiều khâu, vì vậy phải xem xét trách nhiệm giải trình với từng cá nhân, tránh lấy nghị quyết tập thể để che lấp trách nhiệm cá nhân”, ông Doanh nói.
PGS-TS Chu Công Minh, Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, nhận định đối với các dự án đầu tư công, thủ tục pháp lý rất nhiều, nhiêu khê. Muốn đẩy nhanh, đòi hỏi phải có những đột phá trong chính sách, cơ chế, rút ngắn các thủ tục hành chính nhưng điều này rất khó. Cán bộ sợ trách nhiệm, Chính phủ cũng rất khó ban hành ngay một quyết định mà có thể lập tức tác động, ảnh hưởng đến các dự án. Đối với lĩnh vực giao thông hạ tầng theo phương thức đầu tư công, dù có thúc giục đến đâu cũng sẽ có độ trễ. Nếu xác định dự án nào cần đẩy nhanh, yêu cầu tất cả các sở, ban, ngành liên quan, từ trên xuống dưới, phải tập trung tham gia vào giải quyết triệt để, linh động xử lý từng trường hợp thì mới mong có thể làm ngay được.
“Do đó, song song với thúc vốn đầu tư công, cần nhanh chóng hoàn thiện hành lang pháp lý đối với các dự án thực hiện theo hình thức đối tác công - tư (PPP). Tốc độ giải quyết vấn đề, đẩy dự án của doanh nghiệp tư nhân rất nhanh. Chỉ cần có pháp lý chặt chẽ, rõ ràng, chính sách hợp lý thu hút nhà đầu tư tư nhân, nhà nước vừa huy động thêm được vốn, vừa nhanh chóng triển khai được các dự án hạ tầng để phá băng kinh tế”, vị này gợi ý.

Chỉ hô hào thôi chưa đủ

TS Vũ Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và phát triển GTVT Việt Đức, cho rằng các dự án hạ tầng vốn dĩ từ trước đến nay đã có rất nhiều vướng mắc dẫn đến chậm trễ, tắc giải ngân. Mặc dù Thủ tướng trực tiếp chỉ đạo nhưng bên cạnh một số địa phương còn chây ì, tồn tại tình trạng “trên nóng dưới lạnh”, có rất nhiều dự án do vướng mắc về cơ chế, thủ tục, vấp rào cản cố hữu có tính hệ thống trong các văn bản pháp lý khiến các đơn vị muốn “nóng” cũng không được.
Đơn cử, giải phóng mặt bằng thuộc trách nhiệm của địa phương nhưng vẫn phải tuân theo các quy định, quy trình mà địa phương không chủ động được, phải cần sự can thiệp của Bộ, Chính phủ. Hay với các dự án vay vốn ODA, hiệp định vay đã ký, tiền có sẵn nhưng quy trình triển khai, mọi thủ tục vẫn phải “chạy đi chạy lại” từ trên xuống dưới, mãi vẫn chưa thể giải ngân. Muốn làm nhanh, làm gấp thì bắt buộc phải rút ngắn quy trình hoặc có những khâu làm tắt, nhưng ai dám làm? Lỡ tắt một bước, sau này hồi tố thì ai chịu trách nhiệm? Thành ra, dự án gấp rút thế nào cũng phải kinh qua đủ mọi vướng mắc, thủ tục nhiêu khê.
Theo ông Tuấn, để giải quyết vấn đề, trước hết tất cả các ban, ngành từ địa phương cần nhanh chóng rà soát lạt tất cả các dự án, lên danh sách chia thành từng loại cụ thể. Những dự án nào do địa phương đầu tư bằng vốn địa phương, có quyền quyết định thì triển khai luôn, thúc các sở, ngành hành động ngay. Những dự án nào đòi hỏi thông qua HĐND thì có cơ chế thông qua sớm. Đối với các dự án cần sự can thiệp của T.Ư, đồng loạt nhiều địa phương kiến nghị thì Thủ tướng phải có chỉ thị đặc biệt cho phép tháo gỡ nhanh rào cản, rút ngắn một số khâu để các bộ có cơ sở hỗ trợ địa phương. Sau đó giám sát chặt chẽ, áp cam kết và chế tài đối với từng địa phương, từng sở, ban quản lý dự án...
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.