Đó là ý kiến của nhiều chuyên gia nông nghiệp, đại diện các doanh nghiệp tại hội thảo bàn về chủ đề: Nông nghiệp công nghệ cao, các vấn đề và giải pháp, do Học viện Nông nghiệp Việt Nam (Bộ NN - PTNT) chủ trì tổ chức, diễn ra tại Hà Nội chiều 7.4.
Câu chuyện giải cứu thịt lợn, dưa hấu, gừng tươi, gần đây nhất là củ cải và su hào, làm nóng diễn đàn thảo luận tại hội thảo khi các đại biểu phân tích và đề xuất các giải pháp ứng dụng công nghệ để giải quyết thực trạng này.
Ứng dụng công nghệ thông tin kết nối sản xuất với thị trường
Ông Đào Ngọc Nam, Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư và dịch vụ nông nghiệp An Việt, cho rằng Việt Nam có nhiều mặt hàng nông sản có thể sản xuất và cung ứng với khối lượng lớn. Nhưng cái khó là diện tích đất manh mún, trình độ canh tác của người nông dân không đồng đều. Doanh nghiệp muốn kiểm soát được chất lượng và nguồn gốc nông sản, phải bắt tay với nông dân trong canh tác và ứng dụng khoa học công nghệ để hướng dẫn, giám sát và kiểm soát chất lượng nông sản.
Cũng theo ông Nam, câu chuyện được mùa mất giá vốn đã là đặc tính của nông nghiệp, khi các sản phẩm mang tính chất thời vụ. Điều này có nguyên nhân do hệ thống phân phối hiện còn nhiều bất cập. Người tiêu dùng phải chi trả quá cao so với giá thực tế, trong khi thiếu sự đảm bảo về chất lượng của sản phẩm.
“Nông nghiệp ứng dụng công nghệ thông tin trong việc truy xuất nguồn gốc của sản phẩm được coi là yếu tố không thể thiếu trong xây dựng các kênh phân phối tiêu thụ nông sản”, ông Nam nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, GS-TS Đỗ Kim Chung, Học viện nông nghiệp Việt Nam, cho rằng một trong những điểm yếu của nông nghiệp hiện nay là giữa sản xuất và thị trường chưa có sự kết nối, dẫn đến nhiều nông sản phải kêu gọi cộng đồng giải cứu.
Đất nước Việt Nam với 95 triệu người hiện nay đang có nhu cầu rất lớn về nông sản sạch, đòi hòi nông sản ngày càng ngon về chất lượng, đẹp về mẫu mã và đây sẽ là thị trường rộng lớn cho sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, công nghệ thông minh.
Theo GS-TS Đỗ Kim Chung, nếu ứng dụng công nghệ thông tin được đưa vào sử dụng phổ biến, thì các nông trang trại có thể dễ dàng tìm kiếm, tiếp cận khách hàng trực tiếp của mình là người tiêu dùng và xây dựng hệ thống bán hàng riêng, chứ không lệ thuộc vào các đơn vị phân phối trung gian.
Đào tạo kiến thức thị trường cho nông dân
Theo chia sẻ của các đại biểu, nền nông nghiệp Việt Nam với trên 42 triệu mảnh ruộng manh mún hiện nay khó có thể thành công nếu ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao trên quy mô lớn. Trong khi đó, mỗi vùng miền lại có lợi thế phát triển các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng, riêng có.
Bà Nguyễn Thị Lan, Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam, cho rằng bối cảnh hiện nay cần phải thay đổi chương trình đào tạo cho nông dân, giúp họ tiếp cận những kiến thức khoa học, công nghệ ứng dụng vào sản xuất nông nghiệp, cho ra sản phẩm chất lượng cao nhất, đáp ứng nhu cầu thị trường.
“Muốn chuyển giao được công nghệ, người nông dân phải có kiến thức. Muốn như vậy, chúng ta phải giúp nông dân tiếp cận những công nghệ mới, qua đó áp dụng để triển khai trên thực tế như thế nào”, bà Lan nói.
Cũng theo bà Lan, về đào tạo nhân lực cho ngành, Học viện nông nghiệp Việt Nam ưu tiên khơi dậy niềm đam mê và định hướng sinh viên học tập và tìm hiểu kiến thức về nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, góp phần nâng cao năng lực cho nông dân về kinh nghiệm quản lý, kinh doanh, tìm kiếm thị trường.
"Hiện tại, Học viện nông nghiệp Việt Nam đang liên kết với Liên minh hợp tác xã phối hợp các chương trình đào tạo cho nông dân, đưa tri thức trẻ về tham gia các chương trình phát triển nông nghiệp ở địa phương", bà Lan cho biết.
Bình luận (0)