Giảm mạnh nhiều loại 'phí vô lý'

21/06/2018 09:07 GMT+7

Từ ngày mai 22.6, hàng loạt loại phí liên quan tới công tác thú y được điều chỉnh giảm mạnh theo Thông tư 44/2018/TT-BTC của Bộ Tài chính.

Thông tư 44 được ban hành nhằm sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 285/2016/TT-BTC quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý phí, lệ phí trong công tác thú y và Thông tư 286/2016/TT-BTC quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí thẩm định quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp.
Trong đó, mức lệ phí cấp giấy chứng nhận kiểm dịch động vật, sản phầm động vật trên cạn, thủy sản nhập khẩu, quá cảnh, tạm nhập tái xuất từ 70.000 đồng xuống còn 40.000 đồng/lần.
Phí thẩm định xác nhận kiến thức an toàn thực phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản trước đây có 2 mức: Cơ quan kiểm tra địa phương thực hiện 30.000 và 50.000 đồng trong trường hợp cơ quan kiểm tra trung ương thực hiện, nay tính chung một mức 30.000 đồng/lần/người lao động.
Thẩm định cấp giấy chứng nhận an toàn thực phẩm đối với cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm nông, lâm, thủy sản tuy vẫn giữ nguyên 2 mức 700.000 và 2 triệu đồng/cơ sở. Tuy nhiên phí thẩm định tái đánh giá theo định kỳ giảm từ mức 50% phí thẩm định chứng nhận xuống một mức chung cố định là 350.000 đồng/cơ sở
Đối với trường hợp phải kiểm tra, lấy mẫu tại doanh nghiệp để phục vụ cấp giấy chứng nhận đối với thực phẩm xuất khẩu theo yêu cầu của nước nhập khẩu, mức phí từ 350.000 xuống còn 200.000 đồng/lô hàng.
Theo ông Nguyễn Hoài Nam, Phó tổng thư ký Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) doanh nghiệp kêu nhiều nhất là loại phí này vì nó tính theo lô hàng nên mỗi năm doanh nghiệp phải tốn hàng tỉ đồng tiền phí. Hiện nay VASEP cũng đang kiến nghị điều chỉnh Thông tư 230, liên quan đến cách tính phí của ngành khai thác hải sản.
“Cộng đồng doanh nghiệp luôn mong muốn khi các bộ ngành chức năng đưa ra một mức phí nào đó phải dựa trên nguyên tắc “thu đủ bù chi" theo luật Phí và lệ phí. Bên cạnh đó còn phải chứng minh được cơ sở khoa học rõ ràng về mặt thực tiễn của cách tính phí”, ông Nam cho biết.
Điều đáng chú ý, năm 2017 được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tuyên bố là năm giảm phí cho doanh nghiệp. Các loại phí liên quan đến Thông tư 285 và 286 được điều chỉnh sau khi cộng đồng doanh nghiệp “kêu cứu” hơn một năm trời. Liên quan đến các bức xúc của doanh nghiệp, Báo Thanh Niên nhiều lần phản ánh qua các bài viết: Cá, tôm gánh cả phí nghỉ đêm của cán bộ và bài Phí vô lý vẫn khó điều chỉnh.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.