Giảm thuế chưa đủ giúp doanh nghiệp vượt qua Covid-19

11/07/2020 06:15 GMT+7

Với các doanh nghiệp nhỏ và vừa thiệt hại nặng nề bởi dịch Covid-19 , việc giảm thuế suất thuế thu nhập không mang lại nhiều ý nghĩa.

Trong khi đó, nhiều công ty lớn hoạt động tại các lĩnh vực trọng điểm, doanh thu vượt 200 tỉ đồng cũng chỉ biết “ngậm ngùi” ngồi nhìn.

Doanh thu dưới 200 tỉ đồng mới được miễn

Quyết định giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) trong kỳ tính thuế năm 2020 đang được Bộ Tài chính lấy ý kiến dự thảo rộng rãi. Trước đó, Quốc hội (QH) đã thông qua nghị quyết về vấn đề này.

Các chính sách vừa qua chưa thiết kế để dồn lực vào những đầu tàu kinh tế. Các DN lớn cần phải được “bơm kháng sinh” liều cao để vượt qua cơn bạo bệnh của đại dịch Covid-19.

Ông Vũ Tiến Lộc  
Theo đó, giảm 30% thuế TNDN cho các đối tượng trên với điều kiện doanh thu dưới 200 tỉ đồng. Trong dự thảo, Bộ Tài chính đưa ra căn cứ để xác định đối tượng được giảm là mức tổng doanh số bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ trong năm 2020 của DN. Một tiêu chí khá mở được thiết kế, kể cả DN mới thành lập trong năm 2020 không đủ 12 tháng, tổng doanh thu năm 2020 được xác định bằng doanh thu chia cho số tháng DN thực tế hoạt động trong năm 2020…
Dự thảo cũng quy định DN sẽ tự xác định doanh thu bình quân tháng. Trường hợp doanh thu bình quân tháng không quá 16,67 tỉ đồng thì DN được tạm tính theo quý số thuế mà DN phải nộp theo quy định. Sau đó tạm nộp số thuế TNDN của quý sau khi đã giảm 30% số thuế tạm tính.
Về thủ tục giảm thuế, cơ quan thuế không phải thông báo cho DN về việc chấp nhận giảm thuế. Trường hợp trong thời gian giảm thuế, cơ quan thuế có cơ sở xác định DN không thuộc đối tượng được giảm thuế sẽ có văn bản thông báo cho DN và DN phải nộp đủ số tiền thuế, tiền chậm nộp theo quy định vào ngân sách nhà nước.
Trường hợp sau khi hết thời gian giảm thuế, cơ quan thuế phát hiện qua thanh tra, kiểm tra DN không thuộc đối tượng giảm thuế theo quy định tại nghị định này hoặc số thuế đã kê khai để giảm lớn hơn số thuế được giảm theo quy định thì DN phải nộp lại số tiền thuế thiếu, tiền phạt, tiền chậm nộp do cơ quan thuế xác định lại. Nếu sau khi hết thời gian giảm thuế, cơ quan thuế phát hiện qua thanh tra, kiểm tra DN được giảm nhiều hơn số thuế đã kê khai giảm trước đó thì DN được kê khai bổ sung để tiếp tục hưởng số thuế được giảm theo mức mà cơ quan thuế đã xác định lại.

Cần liều thuốc đặc trị mạnh hơn

Trả lời Thanh Niên, TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại - Công nghiệp VN (VCCI), cho biết ông cũng vừa đọc dự thảo và về cơ bản thì đây là gói hỗ trợ đại trà cho các DN nhỏ và vừa. Liều thuốc này là cần thiết nhưng Bộ Tài chính cần ban hành sớm để tăng thêm động lực, tinh thần cho cộng đồng DN trong bối cảnh đang hết sức khó khăn hiện nay.
“Thủ tục thì tới thời điểm hiện tại, các DN thành viên cũng chưa có kiến nghị gì. Tiêu chí được giảm rút gọn lại chỉ còn doanh thu dưới 200 tỉ đồng cũng khá rộng. Sẽ có nhiều DN được giảm thuế”, Chủ tịch VCCI đánh giá.
Tuy nhiên, điều ông Lộc mong muốn là QH cần có những liều thuốc đặc trị, liều lượng mạnh hơn nữa. “Chúng ta đã qua giai đoạn 1 hỗ trợ đại trà các DN và người dân. Giờ là thời điểm phải tung ra gói kích thích giai đoạn 2 hướng tới các thành phần, lĩnh vực kinh tế trọng điểm để cứu trợ các DN”, ông Vũ Tiến Lộc đề nghị.
Về phía các DN, ông Ngô Thành P., giám đốc một công ty (trụ sở tại Hà Nội) chuyên xuất khẩu sản phẩm nhựa gia dụng sang Hàn Quốc, cho biết giảm thuế 30% như liều thuốc “trợ thở” rất cần thiết. Nhưng “thuốc này bốc chưa đúng liều”, như DN của ông P. năm ngoái doanh thu cũng được gần 200 tỉ đồng, 6 tháng đầu năm nay chỉ chưa đến 20 tỉ đồng. “Chi phí nguyên vật liệu tăng cao, nhiều dây chuyền máy móc phải tạm dừng hoạt động tới 70%. Chúng tôi cũng không có lợi nhuận để nộp thuế mà được giảm”, ông P. chia sẻ.
Lãnh đạo một công ty khác hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu nông sản cũng cho biết chưa chắc có lợi nhuận vì giá thành đầu vào, chi phí cao, không có lợi nhuận, nên giảm thuế TNDN thì cũng không có ý nghĩa. Vậy nên nếu Chính phủ, Bộ Tài chính cân nhắc cho giảm các loại thuế khác như giá trị gia tăng (VAT), xuất nhập khẩu; còn thuế TNDN kéo dài thời gian sang năm sau thì DN sẽ bớt khó khăn hơn.
TS Bùi Đức Thụ, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, cho biết bất cứ sự chi tiêu nào của ngân sách cũng không thể chỉ nghĩ là rút tiền từ túi nhà nước ra để cấp cho DN. Vấn đề cần hiện nay phải nuôi dưỡng nguồn thu, tạo nên sự phát triển của họ và từ đó sẽ tạo ra nguồn thu cho nhà nước. Do đó, không phải chi cho DN là nhà nước mất đi mà là nuôi dưỡng nguồn thu, tạo nguồn thu lớn hơn trong tương lai. Nhưng quan trọng nhất bên cạnh giảm thuế suất, giãn thuế phải kết hợp giữa tài khóa - tiền tệ, giữa thuế với ngân hàng. Tới đây khi nới trần nợ công, tăng chi tiêu nhà nước phải tính toán cấp thêm tiền cho ngân hàng để có thể đưa ra những gói hỗ trợ tín dụng trung và dài hạn hỗ trợ mạnh mẽ hơn cho các DN lớn, chứ không chỉ các DN nhỏ và vừa.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.