Hôm qua (29.6), Ủy viên Bộ Chính trị - Phó thủ tướng Phạm Bình Minh cùng đoàn công tác đã có chuyến thị sát, làm việc với UBND TP.HCM về dự án tuyến đường sắt đô thị số 1 (tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên) và một số dự án sử dụng vốn vay ODA của TP.
Tại buổi làm việc, ông Bùi Xuân Cường, Trưởng ban Đường sắt đô thị TP.HCM (MAUR), cho biết mặc dù đã được thông qua chủ trương điều chỉnh tổng mức đầu tư nhưng đến nay tuyến metro số 1 vẫn còn nhiều vướng mắc.
Cụ thể, hiện còn khoảng 83 chuyên gia nước ngoài của dự án đang chờ nhập cảnh vào Việt Nam. Lãnh đạo MAUR cũng đề xuất Bộ KH-ĐT, Bộ Tài chính thống nhất với UBND TP trong việc xác định giá trị vốn vay ODA cấp phát từ ngân sách trung ương của dự án bằng yen Nhật, trên cơ sở đó quy đổi tương đương tiền đồng theo tỷ giá lúc giải ngân thực tế.
Đồng thời, kiến nghị Bộ KH-ĐT xem xét phân bổ tiếp vốn ODA cấp phát trong hạn mức vốn trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 còn lại chưa bố trí cho dự án hơn 3.600 tỉ đồng và Bộ Tài chính sớm hướng dẫn TP thủ tục hoàn ứng hơn 4.000 tỉ đồng TP đã tạm ứng cho tuyến metro số 1, xem xét thẩm định hồ sơ cho vay lại đối với dự án để làm cơ sở ký các hiệp định vay bổ sung vốn còn lại.
Sau khi nghe các đơn vị báo cáo, Phó thủ tướng Phạm Bình Minh yêu cầu TP.HCM nhanh chóng chủ động đề xuất, Chính phủ có thể lập tức giải quyết ngay cho các chuyên gia, không chỉ của tuyến metro số 1 mà của tất cả dự án trên địa bàn TP hiện nay, nhập cảnh vào Việt Nam. Số lượng lớn chuyên gia của tuyến metro số 1 nếu đông có thể được cách ly tại công trường theo đúng đề xuất. Về vấn đề xác định giá trị vốn vay ODA bằng yen hay tiền Việt, Phó thủ tướng đề nghị Bộ KH-ĐT và Bộ Tài chính thống nhất lại, nhanh chóng có hướng dẫn chính thức cho TP. Đồng thời, giao Bộ Tài chính trao đổi với JICA để nhanh chóng giải quyết trả lại số tiền mà TP đã tạm ứng cho dự án này.
Tại buổi làm việc, ông Phạm Bình Minh cũng đánh giá cao TP.HCM thời gian qua hết sức tập trung, tích cực trong thúc đẩy nguồn vốn đầu tư công, vốn ODA. Tuy nhiên, đến nay giải ngân ODA 6 tháng đầu năm mới đạt 1/5 kế hoạch giao vốn. “TP hiện có số dự án ODA nhiều nhất cả nước, tổng số vốn ODA cấp phát cho TP.HCM giai đoạn 2016 - 2020 chiếm khoảng 70% của cả nước. Do đó, TP.HCM tăng tốc độ giải ngân cũng đồng nghĩa tăng giải ngân chung của cả nước. TP.HCM cần chủ động, kịp thời tháo gỡ khó khăn để tận dụng hiệu quả nguồn lực này”, Phó thủ tướng chỉ đạo.
Bình luận (0)