Theo thông báo 01 ngày 3.1 của Văn phòng Chính phủ, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã có ý kiến kết luận và nhấn mạnh tầm quan trọng của dự án cảng Liên Chiểu, cùng với cảng Tiên Sa trở thành cảng tổng hợp quốc gia, đầu mối khu vực (loại 1).
Về lâu dài, có thể phát triển thành vai trò cửa ngõ quốc tế ở miền Trung (loại 1A). Trong đó, khu bến Tiên Sa là cảng tổng hợp, container phục vụ Đà Nẵng, bắc Tây nguyên và hàng quá cảnh của Lào, đông bắc Thái Lan. Khu bến Liên Chiểu trước mắt có chức năng chính là chuyên dùng hàng rời, hàng lỏng phục vụ công nghiệp dịch vụ, sau năm 2020 sẽ từng bước phát triển đảm nhận khu bến chính của cảng cửa ngõ quốc tế miền Trung, nhận tàu trọng tải 100.000 tấn, tàu container từ 6.000 - 8.000 TEU.
tin liên quan
Đề nghị bố trí 500 tỉ đồng để khởi công dự án cảng Liên ChiểuVì vậy, cần sớm nâng cấp khu bến cảng Liên Chiểu để đáp ứng yêu cầu vận tải hàng hóa đường biển, phát triển kinh tế - xã hội khu vực miền Trung và TP.Đà Nẵng như chỉ đạo của Thủ tướng (về chủ trương đầu tư cảng Liên Chiểu để dần thay thế cho cảng Tiên Sa là cần thiết và cấp bách).
Phó thủ tướng cũng đồng ý giao UBND TP.Đà Nẵng đảm nhận toàn bộ việc đầu tư xây dựng bến cảng Liên Chiểu; chịu trách nhiệm quản lý và thực hiện đầu tư các hạng mục công trình xây dựng của dự án sử dụng nguồn vốn ngân sách. Bộ GTVT được giao hoàn thành báo cáo thẩm định nghiên cứu tiền khả thi dự án trình Thủ tướng.
Có cơ sở cân đối vốn
Theo Sở KHĐT TP.Đà Nẵng, đây là kết luận quan trọng vì trước đây chưa rõ đơn vị chủ quản dự án là Bộ GTVT và TP.Đà Nẵng. Còn nay, Chính phủ đã xác định UBND TP được giao đảm nhận toàn bộ phần đầu tư bến cảng, là cơ sở để Bộ KHĐT thẩm định nguồn vốn, khả năng cân đối vốn và phân nguồn, thúc đẩy các bộ, ngành và UBND TP khẩn trương hoàn thành thủ tục đầu tư. Đây cũng là cơ sở để UBND TP triển khai các thủ tục khác.
Trước đó, Tổng công ty Hàng hải VN cũng đề xuất thông qua Công ty CP cảng Đà Nẵng làm nhà đầu tư dự án cảng Liên Chiểu, với hợp phần B gồm bến cảng số 1 và 2 với vốn đầu tư dự kiến 3.951 tỉ đồng. Ông Nguyễn Hữu Sia, Tổng giám đốc Công ty CP cảng Đà Nẵng, cho hay nếu được Chính phủ giao làm chủ đầu tư hợp phần B, đơn vị sẵn sàng với các đối tác lớn như các hãng tàu biển lớn, các đơn vị logistics mạnh với các công nghệ hiện đại, thị trường và năng lực quản trị tốt.
Ông Sia chia sẻ thêm, 5 năm qua cảng Đà Nẵng có lượng hàng hóa tăng bình quân 10%/năm, hàng container tăng bình quân 12,6%/năm. Việc phát triển cảng Liên Chiểu để biến cảng Tiên Sa thành cảng du lịch là định hướng đúng đắn của TP, và hiện nay cảng Tiên Sa cũng đã có những tiền đề sẵn sàng phục vụ du lịch. Năm 2018, cảng Tiên Sa tăng cả về lượt tàu du lịch và hành khách, với 109 lượt tàu du lịch, hơn 200.000 hành khách và thuyền viên.
Cảnh báo tình trạng “thổi” giá đất
Tháng 10.2018, khi thông tin về cảng Liên Chiểu và di dời 2 nhà máy thép rộ lên, giới đầu cơ, cò đất lập tức “thổi” giá đất khu Hòa Liên tăng 30% chỉ vài ngày, nhưng ngay sau đó rớt lại giá cũ khiến nhiều người thiệt hại. Vì vậy, ông Phạm Quốc Vỹ, Tổng giám đốc Công ty CP đầu tư phát triển Phúc Thịnh Khang, cảnh báo mặc dù khách hàng đang có tâm lý tích cực về kênh đầu tư có lãi là bất động sản nhưng phải cẩn thận trước chiêu đẩy giá như ôm hàng, tạo thị trường ảo. “Người dân phải chịu khó tìm hiểu thông tin, nhận định giá trị thực của bất động sản tăng dần theo tính pháp lý, khu dân cư đã hình thành”, ông Vỹ nói.
|
Bình luận (0)