Gửi tiền ở ngân hàng nào lợi nhất ?

07/12/2018 09:44 GMT+7

Lãi suất tiết kiệm ở các ngân hàng có sự cách biệt rõ rệt, tạo nhiều lựa chọn cho người gởi tiền. Gởi ở đâu cao nhất là câu hỏi của nhiều người, nhất là dịp cuối năm tất toán đầu tư.

"Săn" lãi suất cao
Dạo qua bảng lãi suất của các nhà băng, mức chênh lệch khá lớn, lên tới 2,6%/năm. Đối với nhóm ngân hàng nhà nước chi phối lớn như Vietcombank, BIDV, Vietinbank, Agribank, lãi suất ở mức 5,5%/năm đối với thời gian gửi 6 tháng. Gởi 1 tỉ, nhận 27,5 triệu đồng lãi. Trong khi các ngân hàng cổ phần khác, mức lãi suất ở mức từ 6 - 8,1%/năm nên tiền lãi cao hơn. Cụ thể tại SCB, nhà băng luôn dẫn đầu về mức lãi huy động cao nhất trên thị trường, lãi suất huy động lên tới 8,6%/năm. Với 1 tỉ đồng, gởi kỳ hạn 6 tháng, lãi suất 8,1%/năm, số tiền lãi có được lên 40,5 triệu đồng. Cao hơn các ông lớn ngân hàng vốn "keo kiệt" lãi suất tới 13 triệu đồng/tháng. 
Chị N.K mới tất toán một khoản đầu tư bất động sản, đang trong thời gian tìm mua mặt bằng kinh doanh đã gởi thẳng vào SCB để hưởng lãi cao. "Tôi gởi 15 tỉ, thời hạn 6 tháng, lãi suất cộng đủ mọi chương trình gần 8,3%, mỗi tháng nhận hơn 100 triệu. Chưa tìm được mặt bằng ưng ý thì thế này là an toàn và lời nhất"- chị K nói. 
Kỳ hạn 6 tháng đang là chỗ trũng hút vốn của nhiều ngân hàng. Bởi với thời gian gửi tiết kiệm dưới 6 tháng, lãi suất trần mà Ngân hàng Nhà nước đưa ra là 5,5%/năm. Vì thế, lãi suất kỳ hạn 6 tháng trở lên được các ngân hàng điều chỉnh tăng vọt. Lãi suất huy động cao nhất trên thị trường hiện nay là Ngân hàng TMCP Bản Việt (Vietcapital) với mức 8,6%/năm nhưng chỉ áp dụng cho những khoản tiền khách gửi từ 24 tháng trở lên. Chị Nga (Q.Tân Bình, TP.HCM) nhận xét : Lãi cao thì ai cũng muốn mà kỳ hạn gửi dài quá, lên đến 2 năm thì phải cân nhắc vì lỡ trong thời gian này có cần tiền rút ra thì lãi tính theo không kỳ hạn rất thấp. Coi như mất cả chì lẫn chài. 
Ngoài lựa chọn lãi suất cao, một số người có tiền nhàn rỗi vào thời gian này thường “săn” những ngân hàng có chương trình trúng thưởng lớn. Vào thời điểm cuối năm, các ngân hàng tung ra các chương trình giải thưởng lớn. HDBank dành 16 tỉ đồng triển khai chương trình khuyến mãi cuối năm dành cho khách hàng gửi tiết kiệm với hàng chục ngàn giải thưởng, trong đó giải đặc biệt là 1 kg vàng SJC (gần 27 lượng vàng). Sacombank dành 34 tỉ đồng triển khai chương trình khuyến mãi dành cho khách hàng gửi tiết kiệm, vay, sử dụng các dịch vụ ngân hàng, kiều hối... Với hàng chục ngàn phần quà, giải thưởng, trong đó giải đặc biệt là 1 kg vàng SJC.
Lãi suất huy động tiền đồng tăng Ngọc Dương
Gởi tiết kiệm là "ngon" nhất ?
TS Bùi Quang Tín - giảng viên Trường đại học Ngân hàng TP.HCM nhận xét: “Gửi tiết kiệm hiện nay là ngon nhất”. Tiêu chí đầu tiên lựa chọn gửi tiết kiệm đó là lãi suất càng cao thì mức sinh lời càng lớn. Tuy nhiên thường thì những ngân hàng lớn, có uy tín sẽ có mức lãi suất thấp hơn những ngân hàng nhỏ. Phương thức nhận lãi tiết kiệm cũng là yếu tố mà khách hàng cần lưu ý. Các ngân hàng hiện nay triển khai các dịch vụ tiết kiệm thông thường, tiết kiệm bậc thang (tiền gửi tiết kiệm càng cao hay kỳ hạn gửi tiết kiệm càng dài thì lãi suất càng tăng), hay tiết kiệm gửi góp (tích lũy), dự thưởng khuyến mãi… Khách hàng có thể lựa chọn nhận lãi đầu kỳ gửi hoặc cuối kỳ. Đối với việc tham gia các chương trình dự thưởng khuyến mãi của ngân hàng, khách hàng cần lưu ý cân nhắc vì sẽ phải tuân thủ đúng thời gian gửi tiền mới nhận được quà, mã dự thưởng chương trình.
TS Bùi Quang Tín lưu ý, đối với việc gửi tiết kiệm, khách hàng cần phải tính toán chọn kỳ hạn gửi phù hợp, nếu không sau này khi cần tiền rút ra bị tính lãi suất không kỳ hạn ở mức rất thấp, mất đi phần lãi đã gửi. Với diễn biến lãi suất trên thị trường những tháng gần đây, khả năng lãi suất sẽ tăng từ 0,5 - 1%/năm trong năm 2019, do đó khách hàng hiện nay nên chọn thời gian gửi tiết kiệm từ 6 - 9 tháng là được, còn nếu gửi 3 tháng thì lãi suất thấp quá do bị khống chế mức lãi suất trần 5,5%/năm, gửi trên 12 tháng thì dài quá.
Lý do lãi suất sẽ tăng lên đến từ áp lực tỷ giá. Mặc dù cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung hiện nay tạm lắng nhưng sức ép phá giá nhân dân tệ (NDT) vẫn hiện hữu. Kể từ đầu năm đến nay, NDT phá giá khoảng 7%, các ngoại tệ khác từ 3 - 7%, tỷ giá VND/USD chưa đến 3%, điều này cho thấy tiền đồng đang mạnh lên. Trong khi NDT là một trong những ngoại tệ trong rổ tính tỷ giá trung tâm hằng ngày của Ngân hàng Nhà nước, trong trường hợp NDT tiếp tục bị phá giá sẽ gây sức ép lên tỷ giá trong nước tăng, lúc này có thể sẽ ảnh hưởng đến lạm phát tăng và lãi suất cũng tăng.
Ngoài ra, ông Bùi Quang Tín còn lưu ý khách hàng gửi tiết kiệm nên lưu ý tìm hiểu dịch vụ của ngân hàng có đáp ứng được các yêu cầu của khách hàng hay không (chẳng hạn nhân viên ngân hàng có tư vấn tài chính cho khách hàng, các hình thức theo dõi sổ tiết kiệm, trong trường hợp có tranh chấp xảy ra thì xử lý thế nào…).
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.