"Đại dự án" đầu tiên của tân Bí thư Hà Nội
Chiều 6.5, dưới sự chủ trì của Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã làm việc với Ban cán sự đảng Bộ GTVT và Thường trực Tỉnh ủy các tỉnh: Hưng Yên, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Bắc Giang để thống nhất về định hướng, quy hoạch, phương án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4.
5 tỉnh, thành họp nhằm xây dựng tờ trình đề xuất chung với Thủ tướng về dự án quan trọng này.
Đây là việc lớn đầu tiên mà ông Đinh Tiến Dũng thúc đẩy trên cương vị Bí thư Thành ủy Hà Nội, với quan điểm dù dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, nhưng vẫn phải tiếp tục thực hiện “mục tiêu kép”.
Dự án đường Vành đai 4 - Vùng thủ đô đã được Thủ tướng phê duyệt quy hoạch chi tiết từ năm 2011 với chiều dài toàn tuyến khoảng 98 km, đi qua 14 huyện của 3 tỉnh, thành: Hà Nội (56,5 km), Hưng Yên (20,3 km) và Bắc Ninh (21,2 km).
Theo tính toán của Hà Nội, phương án đầu tư và tổng mức đầu tư của dự án, nếu là cao tốc đi bằng, khoảng 105.000 tỉ đồng; nếu là cao tốc đi trên cầu cạn toàn tuyến, thì khoảng 135.000 tỉ đồng (đã gồm 2 cầu lớn vượt sông Hồng). Ngoài ra, kinh phí bồi thường, hỗ trợ, giải phóng mặt bằng theo chỉ giới 120 km khoảng 25.000 tỉ đồng.
Theo Hà Nội, với mức kinh phí này, việc đầu tư bằng vốn đầu tư công là khó khả thi nên cần nghiên cứu theo hướng giải pháp đầu tư hỗn hợp (cả công lẫn tư).
Lãnh đạo 5 tỉnh có mặt tại hội nghị đều cho rằng, đường Vành đai 4 được hoàn thành và đưa vào sử dụng sẽ đem lại nguồn lực phát triển rất lớn, không chỉ đối với các tỉnh, thành có tuyến đường đi qua, mà các tỉnh trong vùng đồng bằng sông Hồng cũng được hưởng lợi.
Đại diện các địa phương nhất trí đề xuất Hà Nội làm đầu mối để triển khai thực hiện dự án này.
Ưu tiên phương án cao tốc đi trên cầu cạn toàn tuyến
Có mặt tại hội nghị, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết, Bộ sẵn sàng hỗ trợ hết sức về mặt kỹ thuật, kinh nghiệm và giải quyết các khó khăn liên quan theo thẩm quyền.
Ông Thể cho rằng, để dự án triển khai thuận lợi, nên giao cho Hà Nội làm tổng chỉ huy đầu tư xây dựng. Đối với việc giải phóng mặt bằng, mỗi địa phương chủ động thực hiện phần việc theo địa bàn quản lý của mình.
Bộ trưởng GTVT ủng hộ phương án đầu tư đường cao tốc đi trên cầu cạn toàn tuyến (tổng mức đầu tư 135.000 tỉ đồng, chưa kể giải phóng mặt bằng), mặc dù chi phí cao hơn khoảng 20.000 tỉ so với phương án cao tốc đi bằng, nhưng công năng sử dụng, ý nghĩa lâu dài và hiệu quả đầu tư cao hơn.
Quyết tâm khởi công dự án trong nhiệm kỳ này
Kết luận hội nghị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cho biết, lãnh đạo các tỉnh đều đồng tình với sự cần thiết và thể hiện quyết tâm sớm trình cấp có thẩm quyền chủ trương đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 "để kết nối đồng bộ, tăng cường năng lực, giải phóng ùn tắc giao thông, mở rộng không gian phát triển, khai thác các nguồn lực để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương trong Vùng thủ đô".
Về quan điểm chung, hội nghị thống nhất tổ chức triển khai đầu tư khép kín toàn bộ tuyến đường Vành đai 4 (mặt cắt ngang khoảng 120 m, trong đó dự kiến có 30 m là đường sắt quốc gia và 90 m là đường bộ với cao tốc đi trên cao) theo hình thức đầu tư hỗn hợp và đề xuất đưa vào danh mục công trình giao thông trọng điểm quốc gia để tập trung chỉ đạo.
Hội nghị cũng thống nhất báo cáo Thủ tướng xem xét, điều chỉnh bổ sung phương án thành phần đường cao tốc trên cao thay cho việc đi bằng như quy hoạch hiện nay; đồng thời nghiên cứu đầu tư mới và nâng cấp đoạn đi trùng QL18 (phía bắc sân bay Nội Bài) để khép kín tuyến đường Vành đai 4.
Hà Nội, với vai trò là trung tâm, hạt nhân của vùng Thủ đô sẽ chủ trì, phối hợp cùng các địa phương có tuyến đi qua tổ chức nghiên cứu, triển khai đầu tư; trong đó các địa phương trong phạm vi dự án chịu trách nhiệm bố trí vốn ngân sách, tổ chức thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư trên địa bàn.
Việc đền bù, giải phóng mặt bằng được tách thành các dự án riêng, tương tự như sân bay Long Thành.
Phần cao tốc sẽ đầu tư theo hình thức BOT
Đối với việc lựa chọn nhà đầu tư, hội nghị thống nhất báo cáo Thủ tướng xem xét, chấp thuận giao Hà Nội là đầu mối, thay mặt cho các địa phương chủ trì tổ chức triển khai các thủ tục lựa chọn nhà đầu tư đủ năng lực, kinh nghiệm triển khai dự án và đàm phán, ký kết hợp đồng với nhà đầu tư theo quy định của pháp luật.
Về phương án tài chính, hội nghị thống nhất đề xuất báo cáo Thủ tướng “cơ cấu nguồn vốn hợp lý, cơ chế tài chính đặc thù” để bảo đảm tính khả thi của dự án, cũng như lựa chọn được nhà đầu tư phù hợp, nâng cao vai trò, trách nhiệm của T.Ư và các địa phương có dự án đi qua trong việc bố trí nguồn lực; đầu tư theo hình thức hỗn hợp, gồm cả đầu tư công và BOT cho toàn tuyến, đường cao tốc trên cao là 100% BOT.
Hội nghị thống nhất kiến nghị với T.Ư hỗ trợ kinh phí hợp lý cho các địa phương để triển khai dự án, đặc biệt là để bồi thường, giải phóng mặt bằng.
Thời gian hoàn thành dự án dự kiến trong 2 nhiệm kỳ; nhiệm kỳ này, phấn đấu hoàn thành các thủ tục đầu tư, cơ chế, giải phóng mặt bằng, huy động nguồn lực và khởi công công trình.
Sau hội nghị, thỏa thuận hợp tác và tờ trình chung của TP.Hà Nội với 4 tỉnh đề xuất với Thủ tướng về đầu tư xây dựng tuyến đường Vành đai 4 đã được ký.
Tiếp theo, lãnh đạo Bộ GTVT và 4 địa phương đã ký bản thỏa thuận hợp tác làm cơ sở tổ chức triển khai thực hiện dự án.
Hội nghị có sự tham gia của Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng, Bí thư Tỉnh ủy Hưng Yên Đỗ Tiến Sỹ, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh Đào Hồng Lan và Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Lê Ánh Dương. Riêng lãnh đạo Tỉnh ủy Vĩnh Phúc không tham dự do bận chống dịch.
|
Bình luận (0)