Hơn 6 giờ sáng, bao phủ TP.HCM là lớp sương mù dày đặc. Dù dự báo thời tiết báo trời quang, có nắng nhưng bầu trời vẫn âm u như sắp có mưa. Chỉ số chất lượng không khí (AQI) đo được theo ứng dụng AirVisual lúc 6 giờ 30 phút sáng ở TP.HCM là mức trung bình (màu vàng) với chỉ số 141. Lúc này, tại Thủ đô Hà Nội đã chạm ngưỡng màu đỏ (có hại cho sức khỏe) - 155.
Chỉ chưa đầy 1 giờ sau, khi xe cộ bắt đầu đổ ra đường nhiều hơn, ô nhiễm không khí tại cả 2 thành phố tăng dần. TP.HCM đã nhanh chóng tăng chỉ số AQI lên mức màu đỏ - 151, Hà Nội lên 175 vào lúc 7 giờ 42 phút . Đến khoảng 8 giờ 30 phút, mức độ ô nhiễm không khí bắt đầu tăng cao, TP.HCM lên mức 160, Hà Nội chạm ngưỡng 187. Hai thành phố lớn nhất cả nước chính thức có tên trong danh sách 10 thành phố ô nhiễm không khí nhất thế giới, theo AirVisual. Trong đó, Thủ đô Hà Nội đứng vị trí thứ 8, TP.HCM đứng thứ 10.
|
Kể từ sau đợt ô nhiễm nặng nề từ tháng 9 đến nay, chất lượng không khí tại Hà Nội và TP.HCM ngày càng tồi tệ.
Theo các chuyên gia, ô nhiễm không khí tại TP.HCM và Hà Nội không phải cục bộ và mang tính nhất thời do ảnh hưởng của thời tiết hay các sự cố như cháy rừng ở Indonesia, cháy Nhà máy Rạng Đông. Những yếu tố này chỉ tác động thêm phần nào, chủ yếu ô nhiễm vẫn là do các nguồn phát thải nội tại chưa được kiểm soát.
TS Phùng Chí Sỹ, Tổng thư ký Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam nhận xét, ô nhiễm không khí xuất phát từ nhiều nguồn. Thông thường tại các đô thị như Hà Nội và TP.HCM, các hoạt động từ giao thông là nguồn phát thải chính, chiếm khoảng từ 55 - 60%. Đứng thứ 2 là các cơ sở sản xuất công nghiệp, tiểu công nghiệp... chiếm từ 25 - 30%, còn lại chỉ khoảng 5% nguồn phát thải đến từ các hoạt động dân sinh.
Bình luận (0)