Hàng loạt cơ sở kinh doanh du lịch Mũi Né nguy cơ đóng cửa

23/02/2021 18:29 GMT+7

Bị tác động bởi dịch Covid-19 liên tiếp bùng phát qua nhiều đợt, lượng khách đến Mũi Né nói riêng và Bình Thuận nói chung đang sụt giảm chưa từng có. Hàng loạt cơ sở kinh doanh du lịch có nguy cơ đóng cửa.

Liên tiếp 3 đợt sóng Covid-19
Ông Võ Thành Huy - Phó giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao - Du lịch Bình Thuận cho biết, sau đợt dịch bệnh bùng phát hồi năm ngoái, các cơ sở du lịch Bình Thuận đã có tín hiệu phục hồi với hàng loạt các chương trình kích cầu như “Oh-Wow Mũi Né” (giảm giá tới 50%). Tuy nhiên, vừa mới bắt tay vào thì lại bị “dội” một đợt dịch Covid-19 thứ 2. Lúc này tại Phan Thiết xuất hiện 9 ca dương tính với SarCov- 2 nguồn gốc lây lan từ một doanh nhân người Phan Thiết đi nước ngoài về. Tiếp theo là tháng 8.2020, nhiều tỉnh thành tiếp tục có các ca bệnh mới trong cộng đồng, gây nên tâm lý e ngại của khách, dẫn đến các cơ sở kinh doanh du lịch ở Bình Thuận nói chung và Mũi Né nói riêng bị sụt giảm khách nghiêm trọng. Hàng loạt các cơ sở du lịch phải cắt giảm lao động hoặc cho nghỉ việc.

Các cơ sở kinh doanh đầu tư càng lớn, 4 - 5 sao thì thiệt hại càng lớn do không có khách lưu trú

Ảnh: Quế Hà

Theo thống kê của Hiệp hội Du lịch Bình Thuận, trong năm 2020, các doanh nghiệp trong lĩnh vực lữ hành quốc tế mất trắng (giảm 100%), lữ hành nội địa giảm 90%. Trong 3 resort đạt tiêu chuẩn 5 sao của Bình Thuận thì một resort hầu như dừng kinh doanh hẳn trong vòng một năm qua, doanh thu của 3 resort 5 sao này giảm hơn 100 tỉ đồng, tương đương 50%, so với năm 2019. Các resort 4 sao chỉ đạt công suất phòng từ 30% và thiệt hại đến 70% doanh thu. Các resort, khách sạn từ 3 sao trở xuống chỉ đạt công suất phòng 10%.

Tin tổng hợp dịch Covid-19 ngày 23.2: Diễn biến bên trong nhiều ổ dịch vẫn còn nóng bỏng

Làn sóng dịch thứ 3 là dịp tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 vừa qua. Trong 7 ngày nghỉ tết, Bình Thuận chỉ đón khoảng 20.000 lượt khách nội địa. Con số này giảm tới 82% so với Tết năm ngoái. Theo thống kê của Sở Văn hóa - Thể thao - Du lịch Bình Thuận, trong những ngày tết, các khách sạn cao cấp (4 - 5 sao) chỉ đạt tỷ lệ công suất phòng 30 - 40%. Các cơ sở xếp hạng thấp hơn chỉ đạt trên 20%, thậm chí ít hơn, đây là lượng khách ít nhất trong vòng nhiều năm trở lại đây.

Bãi biển Đá Ông Địa, cửa ngõ vào Khu du lịch Quốc gia Mũi Né đìu hiu

Ảnh: Quế Hà

Sẽ có hàng loạt cơ sở kinh doanh du lịch phải đóng cửa
Chủ tịch Hiệp hội du lịch Bình Thuận Nguyễn Văn Khoa nhận định, dây là tình hình chung, không riêng gì điểm đến Mũi Né hay du lịch Bình Thuận. Đặc biệt, khu du lịch Mũi Né là nơi đón lượng khách quốc tế hằng năm khá cao (khoảng 14% tổng lượng khách). Nay lượng khách này đột ngột mất hết do dịch bệnh hoành hành nên cơ sở du lịch đầu tư càng lớn (4 sao, 5 sao) thì càng thiệt hại nặng. Hiện nay đã có nhiều cơ sở kinh doanh du lịch ở Bình Thuận phải đóng cửa và tỷ lệ đóng cửa sẽ càng cao ở những tháng giữa năm và cuối năm, nếu dịch bệnh không được kiểm soát.
“Để chống đỡ và giúp cho doanh nghiệp tồn tại, Chính phủ và tỉnh cần có chính sách tiếp tục giãn nợ vay ngân hàng cho doanh nghiệp; mặt khác nên miễn tiền thuê đất cho họ, thay vì giảm 15% như hiện nay, vì họ không có đầu vào thì làm gì có tiền cho đầu ra”, ông Khoa đề xuất.
Một thiệt hại lớn nữa, theo ông Khoa, chính là hàng chục nghìn người lao động trong ngành du lịch mất việc làm và sẽ mất việc trong xu hướng tăng dần. Những thiệt hại này cần được can thiệp bằng chính sách để người lao động có công ăn việc làm, có thu nhập, ổn định cuộc sống.

Thiệt hại từ ngành du lịch Bình Thuận kéo theo hàng chục nghìn người mất việc làm hoặc phải chuyển nghề, kiếm việc làm khác

Ảnh: Quế Hà

Phải có kịch bản mới thích ứng với khó khăn
Ông Võ Thành Huy cho rằng, ngành du lịch Bình Thuận phải có một kịch bản mới, nhằm điều chỉnh sao cho phù hợp. Kịch bản mới là tập trung triển khai ngay chương trình “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam” trên địa bàn tỉnh Bình Thuận, tăng cường quảng bá điểm đến Bình Thuận an toàn, thân thiện, hấp dẫn và chất lượng với chủ đề “Oh Wow! Mũi Né” (Ngạc nhiên Mũi Né). Đặc biệt, xây dựng chương trình giảm giá kích cầu du lịch, phát triển sản phẩm du lịch mới, vệ sinh môi trường, chú trọng chất lượng dịch vụ tốt . Giảm giá vé tham quan ở các điểm du lịch, giảm giá điện cho doanh nghiệp du lịch, khai thác và bảo vệ tốt tài nguyên du lịch trên hòn đảo Phú Quý.

Phố Tây Nguyễn Đình Chiểu, Hàm Tiến trở nên vắng vẻ. Những năm chưa có đại dịch Covid-19 thì đường Nguyễn Đình Chiểu luôn đông đúc khách Tây tản bộ.

Ảnh: Quế Hà

Phải mất 2 năm để phục hồi ! 

Ông Võ Thành Huy chia sẻ: "Theo nhận định của các chuyên gia thì ngành du lịch Việt Nam nói chung, Bình Thuận nói riêng chỉ có thể phục hồi sau khi dịch bệnh Covid-19 trên thế giới được kiểm soát và hoạt động giao thương kinh tế thế giới trở lại bình thường. Theo Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO), du lịch quốc tế chỉ có thể bắt đầu quá trình phục hồi từ quý 3/2021. Tuy nhiên, để đạt được mức bằng năm 2019, cần khoảng thời gian từ 2,5 năm trở lên, tùy tình hình kiểm soát đại dịch Covid-19.

Khách quốc tế lướt ván diều ở biển Mũi Né vào tháng 2.2020

Ảnh: Quế Hà

Du lịch Việt Nam nói chung, Bình Thuận nói riêng nằm trong bối cảnh chung đó. Vì vậy, cần nhiều thời gian để phục hồi lượng khách du lịch quốc tế. Trong bối cảnh dịch bệnh tại Việt Nam cơ bản được kiểm soát nhưng tại các thị trường khách châu Âu, châu Mỹ và cả các nước trong khu vực có dịch còn diễn biến phức tạp, thì thị trường du lịch nội địa có “cơ hội” phục hồi nhanh hơn. Đây là một trong những yếu tố thuận lợi cho quá trình phục hồi du lịch Bình Thuận. Mặt khác, sau đại dịch, nhu cầu thị hiếu du lịch thay đổi nên ngành du lịch Bình Thuận sẽ có các giải pháp để thích ứng với giai đoạn mới”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.