Theo Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, mạng xã hội cùng với sàn thương mại điện tử đã trở thành một kênh kinh doanh được nhiều người tiêu dùng lựa chọn khi mua sắm. Song hình thức kinh doanh này tiềm ẩn nhiều nguy cơ hàng giả, hàng nhái, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ… gây ảnh hưởng đến người tiêu dùng. Bằng chứng là số lượng kiểm tra và xử phạt ngày càng tăng.
Cụ thể, tổng mức xử phạt vi phạm hành chính liên quan tới hàng giả, hàng nhái, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trên môi trường Internet tăng dần, từ mức 3,5 tỉ đồng trong năm 2015 lên gấp đôi vào năm 2018 với hơn 7 tỉ. Trong năm 2019, lực lượng quản lý thị trường cả nước đã thực hiện kiểm tra 2.403 vụ việc, xử phạt 16,38 tỉ đồng với trị giá hàng vi phạm hơn 40,6 tỉ đồng.
Bước sang đầu năm 2020, ngay sau khi dịch bệnh Covid-19 đã từng bước được kiểm soát tốt tại Việt Nam, Tổ công tác về thương mại điện tử (Tổ 368) được thành lập gồm các thành viên là đại diện Tổng cục Quản lý thị trường, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số và một số Cục Quản lý thị trường tại địa phương để đẩy mạnh việc phòng chống buôn lậu, hàng giả, hàng cấm, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trên môi trường Internet.
Tổ 368 phối hợp với các đơn vị liên quan đã phát hiện và xử lý nhiều vụ việc lớn. Cụ thể như ngày 18.3, các cơ quan đã kiểm tra đồng loạt 4 điểm kinh doanh mỹ phẩm của Hệ thống Ansan Cosmetics tại TP.HCM, phát hiện và thu giữ số hàng hóa có dấu hiệu vi phạm là 7.678 mặt hàng mỹ phẩm có xuất xứ Pháp, Hàn Quốc, Nhật Bản như L’Oreal, Innisfree, Vichy, Shiseido, Estee Lauder… được bán cho khách hàng giá thấp hơn hàng chính hãng. Ví dụ: nước hoa Versace loại 5 ml giá bán 155.000 đồng/hộp; kem dưỡng ẩm L’Oreal loại chai 50 ml giá bán 155.000 đồng/hộp, trong khi hàng chính hãng giá bán khoảng 600.000 đồng/hộp… Các sản phẩm không có hóa đơn chứng minh nguồn gốc xuất xứ; có nhãn gốc bằng tiếng ngước ngoài nhưng không có nhãn phụ bằng tiếng Việt.
Tiếp theo vào ngày 22.5, sau một thời gian theo dõi hai trang Facebook có tên là: YuMe Fashion và Taga (quận 10, TP.HCM) bán hàng theo hình thức livestream, đoàn kiểm tra phát hiện hàng chục ngàn mặt hàng thời trang quần áo, giày, ví da, túi xách, thắt lưng… có dấu hiệu làm nhái, làm giả các thương hiệu lớn thế giới đã được bảo hộ ở Việt Nam như Gucci, D&G, LV…
Đáng chú ý, đây đều là những hệ thống cửa hàng lớn hoặc Facebook có lượng tương tác cao, được rất nhiều người tiêu dùng lựa chọn mua hàng. Thậm chí có cửa hàng còn quảng cáo nhận ship loại hàng giả này đi toàn thế giới. Các cơ sở kinh doanh này đã lợi dụng mạng xã hội, Internet để quảng cáo và bán ra thị trường các sản phẩm trên trong một thời gian dài. Chủ các cơ sở này thừa nhận dùng những hình thức phổ biến như livestream (phát sóng trực tiếp) trên Facebook để bán hàng trực tiếp cho người tiêu dùng. Mỗi lần livestream, các cơ sở đã thu hút hàng ngàn lượt người xem, chia sẻ và hỏi mua.
Trong thời gian tới, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Tổ 368 - Tổng cục Quản lý thị trường để tham mưu, xử lý các vi phạm tại các địa bàn, lĩnh vực trọng điểm. Trong đó, các mặt hàng trang sức, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, đồ gia dụng, rượu, quần áo, giày dép sẽ là những mặt hàng nằm trong chiến dịch kiểm tra, kiểm soát.
Bình luận (0)