Hàng vạn héc ta đất nông nghiệp được chuyển đổi

01/07/2021 06:48 GMT+7

Từ năm 2016 - 2020, đã có 26.246 ha đất nông nghiệp của TP.HCM được chuyển sang đất phi nông nghiệp.

Nhiều quận huyện tại TP.HCM, nhất là các quận huyện ngoại thành, đang đề xuất chuyển thêm một phần đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp nhằm đáp ứng nhu cầu nhà ở của người dân và phát triển đô thị.

Tăng tỷ lệ đất ở, đáp ứng nhu cầu người dân

Mới đây, ông Lê Hòa Bình, Phó chủ tịch UBND TP.HCM, đã ký quyết định phê duyệt kế hoạch sử dụng đất của H.Bình Chánh năm 2021. Theo đó, H.Bình Chánh sẽ được chuyển tổng cộng gần 1.350 ha từ đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp (trong đó có đất ở). Như vậy, đến năm 2020, H.Bình Chánh chỉ còn giữ lại 6.000 ha đất nông nghiệp, đến năm 2025 thì chỉ còn giữ lại 350 ha đất chuyên trồng lúa tại xã Tân Nhựt để đảm bảo an ninh lương thực. Chủ trương này theo lãnh đạo huyện, sẽ tạo điều kiện tốt cho huyện trong việc giải quyết nhà ở cho nhân dân, vì đây là nhu cầu rất lớn.
Theo thống kê, đến năm 2020, TP.HCM có 88.005 ha đất nông nghiệp, chiếm 42,1% diện tích đất toàn tỉnh; đất phi nông nghiệp 118.890 ha, chiếm 56,9%. Diện tích đất nông nghiệp tập trung tại các huyện Cần Giờ, Củ Chi, Bình Chánh, Hóc Môn, Nhà Bè và Q.9 cũ.
Từ 2016 - 2020, đã có 26.246 ha đất nông nghiệp của TP.HCM được chuyển sang đất phi nông nghiệp; 1.363 ha đất phi nông nghiệp không phải là đất ở chuyển sang đất ở và xu hướng này vẫn đang tiếp tục.
Chỉ riêng 2 xã Vĩnh Lộc A, Vĩnh Lộc B đã có khoảng 400.000 dân. Điển hình là xã Vĩnh Lộc A có diện tích tự nhiên gần 2.000 ha, nhưng đất có chức năng là đất ở đô thị hiện hữu chỉ có gần 66 ha, chưa tới 5% tổng quỹ đất, còn lại 102 ha đất có chức năng đất dân cư xây mới. Còn xã Vĩnh Lộc B có diện tích hơn 1.700 ha nhưng diện tích đất ở hiện hữu chỉ có khoảng 137 ha, còn lại là đất nông nghiệp và đất dân cư xây mới. Nhu cầu nhà ở cao, nhưng quỹ đất ở không đủ để đáp ứng dẫn tới tình trạng xây dựng không phép, sai phép. Việc cấp phép và quản lý xây dựng theo quy hoạch sẽ ổn định, giảm áp lực cho chính quyền trong việc quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn.
Tương tự, UBND H.Củ Chi mới đây cũng đề nghị UBND TP.HCM chấp thuận cho điều chỉnh quy hoạch chung của huyện giai đoạn 2021 - 2030 theo hướng chuyển đổi 17.000 ha đất nông nghiệp sang chức năng khác và điều chỉnh quy mô dân số huyện đến năm 2030 là 1,5 triệu dân. Lý do của H.Củ Chi là năm 2020 huyện thực hiện đạt 15/20 chỉ tiêu kinh tế - xã hội. Năm 2021, huyện phấn đấu thực hiện 20 chỉ tiêu gồm 4 chỉ tiêu về kinh tế, 4 chỉ tiêu về môi trường đô thị, 13 chỉ tiêu về xã hội. Để thực hiện tốt kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021, trong công tác quy hoạch, huyện này kiến nghị UBND TP.HCM cùng các sở, ngành liên quan sớm ban hành Kế hoạch tổ chức thực hiện quy hoạch sử dụng đất thời kỳ 2021 - 2030 cấp huyện để UBND huyện triển khai lập quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2021 - 2030.
Không chỉ xin chuyển đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp, H.Củ Chi còn đề nghị điều chỉnh tính chất quy hoạch của 10 phân khu ven sông Sài Gòn từ khu nông nghiệp sinh thái nhà vườn sang khu đô thị sinh thái và tăng chỉ tiêu dân số khu vực này lên 200.000 dân, tăng mật độ xây dựng lên 35 - 40% để thu hút đầu tư.

TP.HCM vẫn cần đất nông nghiệp

Ông Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường, cho rằng có 2 yếu tố quan trọng khi chuyển đất nông nghiệp sang phi nông nghiệp trong quá trình mở rộng đô thị hóa TP.HCM. Đầu tiên là quy hoạch, đất nông nghiệp đó chuyển sang phi nông nghiệp, nhưng dùng vào các mục đích gì. Đâu là đất dành để phát triển đô thị, đâu là đất để phát triển các khu nhà ở. Nếu làm tốt công tác quy hoạch, thì sẽ tạo ra hiệu quả của việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất vào mục đích phát triển đô thị. Tất nhiên, quá trình triển khai quy hoạch cũng cần được giám sát chặt chẽ để tránh những sai sót. Thứ hai, chuyển đổi đất nông nghiệp sang phi nông nghiệp sẽ làm cho giá đất tại đây tăng rất cao trong khi chúng ta chưa có công cụ nào để thu lại giá trị đất đai tăng thêm. Vì thế, theo ông, phải xem giá trị đất đai tăng thêm có rơi vào túi tư nhân hay không, nhà nước và người dân được lợi gì từ việc chuyển đổi này. Phải xử lý giá trị đất đai tăng thêm không bị thất thoát nguồn lực, không tạo ra bất công trong xã hội.
Tuy nhiên, theo ông Đặng Hùng Võ, TP vẫn rất cần đất nông nghiệp để tạo yếu tố môi trường, sinh thái, phát triển nông nghiệp phụ trợ cho đời sống tại đô thị, nhất là nông nghiệp công nghệ cao phù hợp. “Đất nông nghiệp còn lại của TP.HCM cần giữ ở một mật độ nhất định để tạo những không gian mở như cây xanh, mặt nước, công viên. Ngoài ra, TP.HCM nên phát triển nông nghiệp dưới dạng nông nghiệp công nghệ cao và cần phải kiểm tra quỹ đất nông nghiệp còn lại để xem mức độ phân tán như thế nào. Nếu không thì cũng sẽ trở thành khó khăn cho sự phát triển của TP”, ông Võ phân tích.
Theo PGS Nguyễn Minh Hòa, chuyên gia đô thị học, kinh nghiệm của các nước trên thế giới cho thấy không có TP nào bỏ vành đai xanh, vành đai nông nghiệp ngoại thành. Các vành đai tam nông của Kuala Lumpur (Malaysia), Metro Manila (Philippines), Seoul (Hàn Quốc), Dubai (UAE) được phát triển theo hướng nông nghiệp công nghệ cao, kết hợp du lịch sinh thái và văn hóa bản địa truyền thống. Người nông dân được gọi là công nhân nông nghiệp, làm việc trong các trang trại hiện đại chuyên trồng rau trái, hoa, thảo dược (không trồng lúa và chăn nuôi). Làng xóm tràn ngập màu xanh, hoa trái và các làng nghề truyền thống như gốm, đúc đồng, đan lát, bánh tráng vẫn hoạt động, kiểu nhà truyền thống phục vụ khách du lịch homestay thu hút được khách quốc tế và người dân nội thành kéo nhau ra nghỉ cuối tuần. Đặc biệt, phần đất dành cho nông nghiệp bằng mọi giá phải giữ, không để đầu nậu hay nhà đầu tư nhỏ lẻ đến mua rẻ. Chính quyền phải hỗ trợ nông dân về vốn, kỹ thuật, thị trường.
“Khi người nông dân bỏ hoang ruộng, đất canh tác không hiệu quả, chỉ nhăm nhăm cắt đất bán chui, đó không hẳn là lỗi của họ mà còn lỗi của chính quyền không có quy hoạch dài hơi, tạo điều kiện để dân sống tốt trên mảnh đất của mình. Đừng vội bỏ hết tam nông, rồi sẽ phải hối”, PGS Nguyễn Minh Hòa nhấn mạnh.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.