“Dễ hiểu - dễ nhớ - dễ làm - dễ lan tỏa”
Bà Lê Thị Thúy Sen – Vụ trưởng Vụ Truyền thông NHNN cho biết truyền thông giáo dục tài chính là giải pháp cung cấp cho người dân, doanh nghiệp các thông tin, kiến thức cần thiết về sản phẩm, dịch vụ ngân hàng. Nhờ được truyền thông giáo dục tài chính, nhận thức của công chúng về các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng sẽ thay đổi, từ đó sẽ tác động đến hành vi và cách ứng xử của họ. Họ sẽ tin tưởng vào các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng, tự tin tiếp cận và hạn chế việc tham gia sử dụng các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng phi chính thức (chẳng hạn như tín dụng đen). Hơn nữa, mỗi cá nhân cũng sẽ biết quản lý ngân sách tốt hơn, gia tăng nguồn lực tiết kiệm trong dân và thúc đẩy các nguồn vốn đầu tư cho xã hội.
Cuộc thi “Hiểu đúng về tiền” là một trong chuỗi những hoạt động truyền thông giáo dục tài chính mà NHNN đã và đang triển khai nhằm góp phần hiện thực hóa những mục tiêu của Chính phủ tại Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia và các đề án nói trên. Với thông điệp trang bị cho sinh viên “kiến thức, kỹ năng tài chính thông minh - smart money”, thông qua cuộc thi, các bạn sinh viên sẽ được trang bị thêm những kiến thức, kỹ năng về tài chính, ngân hàng, về thanh toán không dùng tiền mặt, nâng cao hiểu biết về đồng tiền Việt Nam, về giá trị đồng tiền, quý trọng giá trị sức lao động và có quyết định tài chính thông minh. Đồng thời, cuộc thi cũng góp phần nâng cao hiểu biết và khả năng tiếp cận các sản phẩm, dịch vụ tài chính ngân hàng cho các bạn học sinh, sinh viên, từ đó hạn chế tín dụng đen.
Cuộc thi là một trong những hoạt động truyền thông giáo dục tài chính nhằm thực hiện Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 và các Đề án của Chính phủ (đề án nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng cho nền kinh tế, đề án Phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2016 - 2020 và đề án đẩy mạnh thanh toán qua ngân hàng đối với các dịch vụ công).
Ngoài ra, NHNN đã phối hợp tổ chức các chương trình truyền thông giáo dục tài chính như “Tiền khéo, tiền khôn”, “Đồng tiền thông thái”, “Những đứa trẻ thông thái”... Bên cạnh đó, NHNN đã phối hợp với các trường Đại học, Trung học phổ thông trên địa bàn Hà Nội tổ chức cuộc thi “Hiểu đúng về tiền”.
Để không ai bị bỏ lại phía sau trong tiếp cận dịch vụ tài chính
Về định hướng thời gian tới, bà Lê Thị Thúy Sen chia sẻ, NHNN sẽ tiếp tục nghiên cứu, triển khai truyền thông giáo dục tài chính với nhiều hình thức sáng tạo, đổi mới và hiện đại. Theo đó, đối tượng mục tiêu của truyền thông giáo dục tài chính thời gian tới là giới trẻ, đồng bào khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, những đối tượng yếu thế trong xã hội, để không ai bị bỏ lại phía sau trong tiếp cận dịch vụ tài chính ngân hàng.
Theo bà Lê Thị Thúy Sen, mục tiêu mà NHNN hướng tới khi triển khai truyền thông giáo dục tài chính là: Mở rộng khả năng tiếp cận các dịch vụ ngân hàng - tài chính của người dân; bảo vệ người tiêu dùng tránh các rủi ro không đáng có khi sử dụng các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng – tài chính; hạn chế việc người dân phải tìm đến các kênh cung ứng dịch vụ tài chính phi chính thức; thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, thanh toán dịch vụ công qua ngân hàng. Để thực hiện mục tiêu này, nội dung các chương trình truyền thông giáo dục tài chính sẽ bao gồm các chủ trương liên quan đến chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng, các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng, cách tiếp cận các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng (tư vấn, cung cấp các thông tin liên quan đến các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng như gửi tiết kiệm, vay vốn, quy trình tiếp cận sản phẩm, dịch vụ ngân hàng…), cảnh báo cho người dân khi tiếp cận các dịch vụ này, đồng thời cung cấp cho người dân các hiểu biết về tiện ích, giá trị, cách sử dụng các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt đảm bảo an ninh, an toàn, bảo mật, giảm thiểu rủi ro cho người sử dụng dịch vụ thanh toán, vấn đề minh bạch về phí thanh toán.
Bình luận (0)