Sở GTVT TP.HCM vừa thông qua kế hoạch công tác năm 2021 với 9 đầu việc cần tập trung thực hiện gồm đầu tư phát triển hạ tầng; vận tải hành khách, hàng hóa quản lý, khai thác hạ tầng...
Tái khởi động những dự án trọng điểm "trên giấy"
Để hoàn thành nhiệm vụ, kế hoạch đã đề ra trong năm 2021, Sở GTVT kiến nghị UBND TP sớm tham mưu giao nhiệm vụ lập đề xuất chủ trương đầu tư cho 15 dự án trọng điểm gồm: Dự án đầu tư xây dựng công trình kết nối đồng bộ tuyến đường sắt đô thị số 1 và số 2 tại khu vực nhà ga Bến Thành; Đoạn 4 - Vành đai 2: Nâng cấp, mở rộng quốc lộ (QL) 13; Dự án xây dựng hoàn chỉnh trục đường Bắc - Nam (đoạn từ Nguyễn Văn Linh - cầu Bà Chiêm); Cầu Thủ Thiêm 4; Cầu Cần Giờ; Xây dựng đường trên cao tuyến số 1 và tuyến số 5; Xây dựng Cụm cảng trung chuyển - ICD, Bến xe Miền Tây mới; Cầu Bình Quới - Rạch Chiếc… Tổng mức đầu tư cho 15 dự án này khoảng 96.096 tỉ đồng (tương đương hơn 4 tỉ USD), trong đó ngân sách TP khoảng 32.180 tỉ đồng, huy động từ xã hội hóa theo hình thức đối tác công - tư và vốn khác khoảng 63.916 tỉ đồng.
|
Nhìn lại danh sách các dự án trọng điểm đang được Sở GTVT TP trình xin đề xuất chủ trương trong năm nay, có những cái tên đã nằm trên giấy hàng thập niên. Điển hình như công trình nâng cấp, mở rộng QL13 đoạn từ cầu Bình Triệu đến ngã tư Bình Phước được UBND TP.HCM đề xuất từ năm 2002. Sau 18 năm, tổng mức đầu tư dự án đã đội lên gấp đôi nhưng đường vẫn chưa mở rộng, cầu Bình Triệu phải gánh một lượng phương tiện khổng lồ, biến QL13 trở thành nút cổ chai, ùn tắc kinh hoàng.
Giai đoạn 2018 - 2020, tình trạng kẹt xe tại các cửa ngõ của TP diễn ra ngày càng nghiêm trọng, thậm chí đạt đến ngưỡng kinh khủng, việc mở rộng QL13 liên tục được đưa vào danh sách dự án cấp bách cần nhanh chóng triển khai trong các kế hoạch của ngành giao thông TP nhưng đến nay vẫn “án binh bất động”.
Tương tự, cầu Cần Giờ nối từ trung tâm TP.HCM sang huyện đảo Cần Giờ được kỳ vọng xóa điểm nghẽn giao thông, thúc đẩy kinh tế, thay đổi diện mạo cho cả huyện đảo nhưng bao năm qua vẫn ì ạch chưa thể khởi công. Hệ thống đường trên cao - khung hạ tầng cốt yếu của TP - được các chuyên gia nhận định “khó mấy cũng phải làm” nhưng cũng bị “lãng quên” suốt 15 năm qua, đến nay mới xuất hiện trong danh sách các dự án cấp bách.
Trao đổi với Thanh Niên, đại diện Sở GTVT TP cho biết danh sách các công trình cần thực hiện theo kế hoạch hằng năm rất nhiều nhưng do vướng về cả nguồn vốn, cơ chế, thủ tục hành chính, tiến độ đầu tư các dự án giao thông đều chậm, chưa đáp ứng nhu cầu di chuyển của người dân TP. Khó khăn lớn nhất đối với các dự án hiện nay là tìm ra chủ trương thực hiện thích hợp. Vốn ngân sách chắc chắn không “kham” nổi, thu hút vốn tư nhân thì còn rất nhiều trở ngại do chưa có hành lang pháp lý rõ ràng. Có những dự án chỉ loay hoay xác định, thay đổi hình thức đầu tư thôi cũng đã mất đến vài năm. Do đó, cần nhanh chóng hoàn thiện xây dựng chủ trương đầu tư trong năm nay để làm tiền đề triển khai các bước tiếp theo trong những năm kế tiếp.
Giải phóng loạt dự án “rùa bò”
Bên cạnh các dự án chuẩn bị đầu tư, theo báo cáo của Sở GTVT, hiện trên địa bàn TP có rất nhiều dự án trọng điểm, cấp bách nhưng tiến độ chậm trễ, thời gian thực hiện bị kéo dài bởi nhiều nguyên nhân. Trong đó, có một số dự án phải chờ thực hiện điều chỉnh quy hoạch 1/2.000, làm cơ sở triển khai các bước tiếp theo như dự án mở rộng đường Nguyễn Duy Trinh, Nguyễn Thị Định… Một số dự án phải thực hiện điều chỉnh chủ trương đầu tư do tổng mức đầu tư, thời gian thực hiện dự án vượt chủ trương đầu tư công, mặc dù đã được HĐND TP thông qua nhưng hiện UBND TP vẫn chưa có hướng dẫn điều chỉnh chủ trương đầu tư theo luật Đầu tư công năm 2019. Trong danh sách này có dự án bồi thường, hỗ trợ tái định cư thực hiện dự án xây dựng nút giao Mỹ Thủy, xây dựng Bến xe buýt Củ Chi.
Còn lại, đa phần là các công trình hạ tầng gặp khó khăn trong quá trình giải phóng mặt bằng dẫn đến kéo dài thời gian thực hiện, điển hình như dự án Vành đai 2 (đoạn 3 từ Phạm Văn Đồng đến nút giao Gò Dưa), dự án Mở rộng xa lộ Hà Nội, xây dựng cầu Thủ Thiêm 2, mở rộng đường Hoàng Hoa Thám, cải tạo đường Trần Quốc Hoàn… Bên cạnh đó, một số dự án được triển khai theo hình thức đối tác công - tư như xây dựng đoạn tuyến kết nối đường Phạm Văn Đồng đến nút giao Gò Dưa (QL1), dự án cầu Tân Kỳ - Tân Quý, dự án BOT cầu đường Bình Triệu 2 (phần 2 - giai đoạn 2)… vẫn đang chờ thông qua điều chỉnh chủ trương đầu tư.
Để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công trình dự án trọng điểm, cấp bách thuộc lĩnh vực giao thông vận tải đang triển khai, Sở GTVT kiến nghị UBND TP chỉ đạo các quận, huyện có liên quan về công tác bồi thường giải phóng mặt bằng đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư, bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư để triển khai thi công, hoàn thành công trình, đảm bảo tiến độ, phát huy hiệu quả đầu tư các dự án. Đồng thời, chấp thuận giao Sở GTVT chủ trì tổ chức lập điều chỉnh chủ trương đầu tư đối với các dự án đã có chủ trương đầu tư, đã duyệt dự án, đang triển khai thực hiện nhưng cần phải điều chỉnh do tăng tổng mức đầu tư, tăng chi phí giải phóng mặt bằng, vượt thời gian đối với các dự án mang tính cấp bách.
Chữa dứt điểm dự án “treo”
Định kỳ phê duyệt kế hoạch hằng năm cùng các chương trình giảm ùn tắc giao thông giai đoạn 5 năm của ngành giao thông TP.HCM đều đưa ra danh sách dài dằng dặc các dự án cấp bách, trọng điểm cần nhanh chóng triển khai. Thế nhưng đến khi tổng kết, số lượng các dự án lớn thực hiện được chỉ đếm trên đầu ngón tay.
TP.HCM xác định giao thông công cộng là liều thuốc duy nhất chữa bệnh kẹt xe cho TP, kỳ vọng vào phép màu giao thông công cộng. Tuy nhiên thực tế, tỷ lệ đường đất giao thông trên đất xây dựng đô thị đạt 8,73% (quy hoạch là 22,3%) như hiện nay là quá thấp, TP muốn triển khai giao thông công cộng cũng không đủ chỗ để làm.
Kỹ sư Vũ Thắng bình luận: “Muốn giải quyết các lỗi quản lý, cần sự thay đổi toàn diện từ hệ thống lãnh đạo. Phải kiên quyết và minh bạch. Dự án nào, thuộc giai đoạn nào phải làm dứt điểm trong giai đoạn đó. Hằng năm phải rà soát lại kế hoạch của từng cơ quan xem kết quả thực hiện tới đâu, lý do vì sao chậm trễ. Phải kiên quyết đình chỉ, thu hồi, quy rõ và xử lý trách nhiệm cụ thể từng cá nhân, đơn vị”.
|
Kỹ sư Vũ Thắng, nguyên Phó ban Chuẩn bị đầu tư hạ tầng cơ sở giao thông TP.HCM, nhận định việc các dự án hạ tầng trọng điểm chậm trễ là nguyên nhân chính khiến bức tranh giao thông TP.HCM ngày càng tồi tệ, ùn tắc từ trong ra ngoài. Các công trình xây dựng nhỏ lẻ tiếp theo chỉ mang tính chất chắp vá, quá lỗi thời so với nhu cầu thực tế. Chưa kể, các dự án đã khởi công nhưng chậm về đích lại hình thành hàng trăm lô cốt bủa vây khắp các tuyến đường, người dân khốn khổ vì bị cản trở lưu thông, bộ mặt đô thị thì lem luốc, nhếch nhác.
Nguyên nhân gốc rễ của tình trạng này là do lỗi hệ thống điều hành các dự án đầu tư không khớp với nhu cầu của sự phát triển. Quy hoạch tràn lan, “vống” lên đủ các dự án nhưng không có sắp xếp trật tự ưu tiên, không xác định tầm quan trọng của từng dự án để tìm nguồn lực tương xứng. Trong quá trình triển khai, các lãnh đạo thường có tâm lý khoanh vùng, việc gì dễ, trong khả năng làm được sớm thì làm trước. Các vấn đề “khó nhằn” thì dù có là ưu tiên, trọng điểm vẫn bị dồn lại cho các giai đoạn, nhiệm kỳ sau. Bên cạnh đó, thủ tục hành chính quá nhiêu khê, khi thì trên nóng dưới lạnh, lúc thì dưới sốt ruột, trên thờ ơ khiến tình trạng các dự án “treo” ngày càng trở nên phổ biến, trầm trọng.
|
Đại diện Sở GTVT TPHCM cho biết: Trong trường hợp chưa có thông báo về kế hoạch vốn trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 của Thủ tướng Chính phủ, Sở GTVT đề xuất được giao vốn trong năm nay để thực hiện công tác lập đề xuất chủ trương đầu tư đối với các dự án nêu trên. Song song, giao các nhà đầu tư nghiên cứu, đề xuất các dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) theo quy định.
Bình luận (0)